MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội Ocean Bank, CBBank và GPBank đang mở ra

21-04-2019 - 15:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhà đầu tư lên kế hoạch cả chục nghìn tỷ để tham gia, và đến nay mới được xem là cơ hội để vực dậy những ngân hàng này.

Chuyển động mới, kỳ vọng mới

Đã hơn ba năm kể từ khi Ngân hàng Nhà nước lần lượt mua lại bắt buộc CBBank, Ocean Bank và GPBank. Quá trình tái cơ cấu hệ thống cũng đang đi đến nửa cuối của giai đoạn 2 (2016-2020). Vậy ba ngân hàng khó khăn nhất này có triển vọng thực sự vực dậy được không?

Theo tìm hiểu của BizLIVE qua đầu mối liên quan, hiện có những nhà đầu tư nước ngoài đã lên kế hoạch đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng để tham gia, cơ hội đang dần mở ra.

Có những chuyển động trong triển vọng tái cơ cấu ba ngân hàng trên hơn ba năm qua, từng thắp lên kỳ vọng tạo chuyển biến, nhưng chưa có các đích đến cụ thể.

Từ các kênh khác nhau, đã có một số thời điểm nhà đầu tư nước ngoài vào tìm hiểu, lên kế hoạch và đàm phán. Nhưng hầu hết đến nay vẫn im lặng.

Nhưng, những chuyển động gần đây lại xuất hiện, kỳ vọng tạo khác biệt, và có cơ sở để tạo khác biệt.

Cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) đã làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, và sau đó với Thống đốc Lê Minh Hưng. Kế hoạch J Trust mua lại CBBank đặt ra.

Cùng thời điểm, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng có buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Clermont (Singapore). Clermont bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thông qua việc tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam…

Trước đây, như trên, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, đặt vấn đề, thậm chí đến bước đàm phán, nhưng chưa đến đích.

Nhưng, những chuyển động mới của lần này đã khác.

Đột phá không thể hiện bằng số lượng

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam từ năm 2016 đến nay tưởng như đứng yên. Vì, về mặt số học, không có thêm trường hợp nào sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại. Kế hoạch HDBank sáp nhập PGBank vẫn chưa chính thức cụ thể hóa.

Nhưng, trong mắt giới buôn tiền, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đi tiếp một bước dài, đã tạo đột phá quan trọng để mở ra cơ hội, triển vọng vực dậy ngay cả những trường hợp khó khăn như CBBank, Ocean Bank và GPBank.

Vậy đó là gì? Là cơ chế.

Lần đầu tiên sau nhiều năm tái cơ cấu, cuối năm 2017, toàn ngành ngân hàng Việt Nam mới đạt được kết quả lớn: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành, trọng tâm tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu.

Cùng đó, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu ra đời, tạo thêm động lực hỗ trợ hệ thống.

Giá trị của những khung pháp lý lần đầu tiên có được đó mang tính bao trùm, có thể nói mang tính quyết định cho kết quả tái cơ cấu và xử lý nợ xấu về sau, mà không hẳn chỉ thể hiện bằng số học các vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại…

Thống đốc Lê Minh Hưng từng cho biết, ưu tiên hàng đầu của tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 là tập trung xây dựng, hoàn thiện được khung khổ pháp lý, để tháo gỡ và hỗ trợ các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư. Vì, quan điểm xuyên suốt, tái cơ cấu không được dùng đến ngân sách.

Có khung khổ pháp lý mới, được tháo gỡ và hỗ trợ, việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu sau đó mới có thêm cơ sở để thúc đẩy.

Triển vọng trong mắt giới buôn tiền

Như trên, những chuyển động mới từ nhà đầu tư nước ngoài đã khác so với trước, với triển vọng tạo động lực, nguồn lực vực dậy CBBank, Ocean Bank và GPBank.

Đã khác, vì bây giờ đã có cơ chế, trong khung khổ mới nói trên.

Đầu mối BizLIVE tìm hiểu cho hay, có những nhà đầu tư nước ngoài phải chờ đến bây giờ mới thúc đẩy kế hoạch tham gia của họ. Vì họ phải chờ luật và cơ chế có hiệu lực từ 2018. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao tái cơ cấu thời gian qua tưởng như chậm (về mặt số lượng thể hiện).

Cũng theo đầu mối này, có nhà đầu tư nước ngoài đã lên sẵn khoảng 10.000 tỷ đồng trong kế hoạch. Mà trong mắt giới buôn tiền, cơ hội vực dậy những ngân hàng còn khó khăn đó đang mở ra.

Họ thấy rằng, giả định tình huống, chục nghìn tỷ đó với số nhân tiền tệ sẽ tạo ra nguồn lực lớn để trực tiếp thúc đẩy hoạt động, cải thiện hiệu quả tại CBBank, hoặc Ocean Bank, hoặc GPBank. Số nhân tiền tệ đó được hỗ trợ ở cơ chế đã có.

Đã thuộc sở hữu, nhưng không có nghĩa nhà nước bán lại các ngân hàng trên để thu tiền về. Nguồn vốn tham gia đầu tư được tập trung tại điểm đến, kích thích các hoạt động kinh doanh, tạo ra lợi nhuận để khắc phục những tồn tại.

Với các kỹ thuật trong kinh doanh vốn, cơ chế luật đã mở ra hướng được tái cấp vốn với lãi suất 0%, số nhân tiền tệ tạo ra nguồn mới để ngân hàng tìm và cạnh tranh thu hút những khách hàng tốt, dự án tốt để tạo hiệu quả và an toàn. Từng bước như vậy, họ có lợi nhuận thực, bền vững hơn để vượt qua khó khăn, dĩ nhiên là cần có thời gian.

Đã có những chuyển động mới và triển vọng là vậy, nhưng cần thời gian. Thời gian cũng nằm ở các khâu khác cần thông suốt. Vì sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại, ba ngân hàng trên thuộc sở hữu nhà nước, chịu sự giám sát, quản lý các cấp, bộ ngành liên quan. Mà trước các quyết định lớn, trách nhiệm luôn là điểm đi cùng.

Theo Minh Đức

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên