MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Australia

20-10-2020 - 16:48 PM | Thị trường

Trong bài viết đăng trên trang mạng australiavietnam.org, tác giả James Fairley của Tổ chức Đối thoại Lãnh đạo Trẻ Australia-Việt Nam nhận định việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác thương mại giữa Australia và Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho cả hai nước như xuất khẩu gạo Việt Nam sang Australia.

Theo bài viết, Giám đốc điều hành Tập đoàn SunRice - nhà cung cấp gạo lớn nhất Australia, Rob Gordon, mới đây thông báo "xứ Chuột túi" đang bị thiếu hụt một lượng lớn nguồn cung cấp gạo nội địa và buộc phải dựa vào gạo Việt Nam nhập khẩu trước dịp lễ Giáng sinh 2020. Điều này cho thấy mối quan ngại về ảnh hưởng kinh tế gia tăng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu tới hoạt động sản xuất trong nước của Australia.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, sự thiếu hụt nguồn cung gạo mở ra một cơ hội khác để Australia nhận thức rõ hơn đối với những lời kêu gọi ngày càng tăng về nhu cầu cần đa dạng hóa thương mại và hội nhập với các thị trường mới.

Thị trường gạo Australia

Sản lượng gạo của Australia duy trì độ biến động cao, do sự thay đổi của nguồn nước và giá các loại cây trồng thay thế. Theo số liệu của Bộ Khoa học, Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp Australia (ABARES) và Cơ quan Thống kê Australia (ABS), sản lượng gạo niên vụ 2019-2020 đạt khoảng 57.000 tấn. Trong điều kiện thời tiết bình thường, dự đoán niên vụ 2020-2021, sản lượng gạo của Australia sẽ vào khoảng 266.000 tấn. Mức sản lượng này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm tính đến niên vụ 2018-2019 là 629.000 tấn.

ABARES dự đoán, trong bất kỳ trường hợp nào, những thay đổi cơ bản về nhu cầu nước và lợi nhuận tương đối thấp có nghĩa là năng suất thu hoạch lúa của Australia ngày càng kém đi. Điều này sẽ thúc đẩy người nông dân lựa chọn các loại cây trồng thay thế khác như cây bông, do sẽ được hưởng lợi từ phát triển công nghệ và bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.

Người sáng lập, đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty kinh doanh nông nghiệp Lefarm, Lê Bình Nguyên, nhận định: "Đây là một chuyển động tự nhiên theo hướng tăng nhập khẩu thay vì sản xuất trong nước... Câu hỏi ở đây là liệu Australia sẽ tập trung vào nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu hay hình thành chiến lược dài hạn bền vững, để chia sẻ và cùng phát triển đổi mới với Việt Nam, qua đó gắn kết sự hợp tác giữa hệ thống cung và cầu tốt hơn trong tương lai?".

Người dân Australia tiêu thụ khoảng 300.000 tấn gạo mỗi năm, trong đó nhập khẩu chiếm khoảng một nửa tổng lượng tiêu thụ - trung bình là 173.000 tấn giai đoạn 2009-2010 và 2018-2019. Hầu hết gạo nhập khẩu là dòng gạo hạt dài đến từ các quốc gia châu Á, như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan (Pa-ki-xtan) và Ấn Độ. Các nguồn nhập khẩu này cung cấp cho Australia một khối lượng gạo ổn định hơn so với nguồn sản xuất nội địa dễ bị thay đổi.

Sự không ổn định của hoạt động sản xuất gạo nội địa Australia, đặc biệt là trong niên vụ 2019-2020, cho thấy nhu cầu chủ động gia tăng nhập khẩu. ABARES nhận định trong ngắn hạn (với mức thâm hụt năng suất 2019-2020), gạo sản xuất trong nước của Australia - khi thu hoạch lúa mỗi năm một lần vào mùa Thu - sẽ không thể có thêm cho tới năm 2021. Sự thiếu hụt này cần phải được bù đắp thông qua nhập khẩu.

Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam

Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu gạo chủ chốt trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, sản lượng và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Theo Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng kể từ niên vụ 2016-2017, do nhu cầu mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc, Philippines và Indonesia.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 6,1 triệu tấn trong năm 2020 lên 7,86 triệu tấn vào niên vụ 2023-2024. Kết quả này được cho là nhờ vào khả năng cạnh tranh về giá so với các nước láng giềng trong khu vực, khi Chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch thúc đẩy tăng sản lượng lúa lai 50% và tập trung phát triển khả năng sản xuất, xuất khẩu gạo trong tương lai.

Không giống như các nước láng giềng và đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Việt Nam đã tăng năng suất trồng lúa cao hơn nhờ vào chính sách thâm canh cây trồng, được chính phủ ban hành từ rất sớm, khuyến khích người nông dân bỏ phương pháp luân canh để tối đa hóa sản lượng hàng năm.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức do mực nước biển dâng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính của cả nước - bởi biến đổi khí hậu và các tác động của nó ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất trồng. Bên cạnh đó, việc phân loại, lựa chọn và dự trữ gạo cũng là những vấn đề mà Việt Nam phải giải quyết.

Nhu cầu đa dạng hóa thương mại của Australia

Việc thiếu hụt gạo của Australia và tiềm năng tăng cường hoạt động thương mại gạo với Việt Nam đang ngày càng được củng cố, nhờ vào tâm lý chính trị - xã hội ngày càng tăng về sự phụ thuộc chiến lược và mất cân bằng thương mại do hậu quả kinh tế mà đại COVID-19 gây ra.

Tác động của việc gián đoạn toàn cầu hóa và kết nối kinh tế (ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 khiến hầu hết các quốc gia đóng cửa biên giới, dừng hoạt động sản xuất và xuất khẩu, hay do một số nguyên nhân khác) đã thúc đẩy những lời kêu gọi Australia cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc đa dạng hóa.

Nhiều học giả và các nhà kinh tế, chính trị cho rằng Australia cần nhìn xa hơn nữa, ra khỏi các đối tác truyền thống, như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc (bốn đối tác chiếm tới 55% tổng giá trị thương mại của Australia) và hướng tới "các khu vực đang phát triển có khả năng bổ sung cho hàng hóa, dịch vụ và chuyên môn của Australia, những nơi cung cấp đáng kể tiềm năng đa dạng hóa."

Australia có thể mở rộng quan hệ với Việt Nam bằng cách thúc đẩy các cải tiến có ý nghĩa và cùng có lợi trong lĩnh vực này. Canberra có thể tăng cường các mối quan hệ đối tác mới trong đổi mới, tận dụng các kinh nghiệm và nghiên cứu học thuật của các tổ chức CSIRO, ABARES và các tổ chức khác để hỗ trợ chất lượng và tăng xuất khẩu gạo Việt Nam sang Australia. Các cơ quan này đồng thời có thể củng cố những chương trình nghị sự chính sách hiện có về lúa gạo, do Cơ quan như Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) vận hành.

Canberra có thể hỗ trợ nông dân Australia chuyển đổi sang các loại cây trồng được hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ như bông - một lĩnh vực được hưởng lợi nhiều từ tranh chấp thương mại Mỹ-Trung và cũng là một sản phẩm nhập khẩu đang tăng nhanh tại Việt Nam. Australia không nên xem việc nhập khẩu từ Việt Nam là phương án cuối cùng, mà là cơ hội để tạo dựng mối liên kết lâu dài có ý nghĩa với các đối tác mới nổi, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Theo Diệu Linh (Pv TTXVN tại Sydney)

Báo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên