Có khách hàng rất lớn nhưng chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản không chịu trả nợ
Các ngân hàng ghi nhận Nghị quyết 42 đã giúp cho hoạt động xử lý nợ xấu được diễn ra thuận lợi hơn, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.
- 29-08-2018Tăng tốc xử lý nợ xấu
- 28-08-2018Đã xử lý được gần 140 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42
- 27-08-2018Một năm thực hiện Nghị quyết 42: Thay đổi nhận thức về xử lý nợ xấu
Tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu tổ chức hôm 28/8, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, VAMC và các ngân hàng lớn đã có những cập nhật về tình hình nợ xấu cũng như chia sẻ về công tác xử lý nợ xấu thời gian qua.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo NHNN và các ngân hàng hầu hết có chung nhận định rằng từ khi Nghị quyết 42 ra đời và đi vào cuộc sống, điểm tích cực dễ nhận thấy đó là quyền chủ nợ đã được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ khi xử lý TSBĐ của khách hàng, bên bảo đảm để thu hồi nợ, quan hệ của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế, có vay phải có trả. Nhờ vậy, VAMC và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tự tin hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu, nợ xấu được xử lý nhanh chóng, thực chất và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng cập nhật kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cho thấy, tính đến hết 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoại bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%). Đến cuối tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ là 2,09% giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).
Về phía VAMC, theo ông Nguyễn Tiến Đông, chủ tịch VAMC, tính đến hết 15/8/2018, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý nợ đạt 98.976 tỷ đồng trên 309,711 tỷ đồng đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 42, riêng năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, VAMC đã thu hồi được 48.017 tỷ đồng tức gần bằng tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, chủ Vietcombank, Nghị quyết 42 ra đời đã tạo được hiệu ứng tích cực, đã giúp xã hội nhận ra và chia sẻ với ngân hàng rằng nợ xấu không phải do một mình ngân hàng gây nên mà còn có nguyên nhân từ phía khách hàng và hoạt động xử lý nợ xấu được thuận lợi hơn. Sau 1 năm tham gia xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, ngân hàng này đã xử lý được các khoản nợ tồn đọng rất lớn, không những mua lại được toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý trước thời hạn 3 năm, mà còn xử lý được 6.700 tỷ đồng nợ xấu, đạt hơn 100% kế hoạch. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Vietcombank đã giảm từ mức hơn 2% xuống dưới hơn 1% và đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 tỷ lệ nợ xấu nằm trong khoảng 1- 1,1% trên dư nợ.
Trong khi đó chia sẻ về hoạt động xử lý tại ngân hàng mình, ông Trịnh Ngọc Khánh, chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, thời gian qua việc xử lý nợ xấu đã thuận lợi hơn nhờ Nghị quyết 42. Agribank có 141 nghìn tỷ đồng nợ xấu được phép xử lý theo Nghị quyết này, trong đó, nợ xấu nội bảng khoảng 18 nghìn tỷ, nợ đã cơ cấu 36 nghìn tỷ, nợ bán cho VAMC 40 nghìn tỷ, nợ xử lý rủi ro 42 nghìn tỷ. Trong thời gian 1 năm áp dụng Nghị quyết, Agribank đã thu hồi được gần 58 nghìn tỷ đồng nợ xấu, chiếm 37% tổng số nợ.
Tuy nhiên, cũng theo chủ tịch Agribank, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn không ít những khó khăn, điển hình như việc xử lý nợ của công ty D. với khối lượng nợ rất lớn nhưng khách hàng chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, không hợp tác trả nợ.
Các ý kiến tại hội nghị cũng có chung nhận định rằng dù kết quả xử lý nợ xấu đạt được là ấn tượng nhưng tỷ lệ nợ xấu nói chung còn cao (cả nợ nội bảng lẫn ngoại bảng hiện khoảng 6,6% trên tổng dư nợ), đòi hỏi ngành ngân hàng phải tận dụng tối đa các lợi thế để xử lý hiệu quả hơn nợ xấu.
Đề xuất về giải pháp trong thời gian tới, các ý kiến đều cho rằng tiếp tục triển khai đồng bộ Nghị quyết 42 là điều cần làm, tuy nhiên bên cạnh đó cần có cơ chế mở hơn, tạo điều kiện hơn nữa cho VAMC và các ngân hàng để quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được diễn ra theo đúng như kế hoạch.
Chẳng hạn như VAMC cần được tăng thêm vốn, cho phép mua bán nợ theo cơ chế thị trường, được mua bán nợ theo lô. Tại Vietcombank thì đề xuất được tạo cơ chế để giữ lại cổ tức, phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn. Agribank cũng mong muốn được tăng vốn điều lệ vì hiện ngân hàng này đang có vốn thấp nhất trong số 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, nguồn vốn huy động tương tự như các ngân hàng khác nhưng tới hơn 70% tín dụng là cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp lãi suất rất thấp nhưng cũng nhiều rủi ro...