MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cỗ máy” FPT lại lập đỉnh mới, cổ phiếu công nghệ hàng đầu Việt Nam còn hấp dẫn?

“Cỗ máy” FPT lại lập đỉnh mới, cổ phiếu công nghệ hàng đầu Việt Nam còn hấp dẫn?

Giá trị vốn hóa thị trường của FPT đã tăng thêm 42.000 tỷ đồng sau một năm, lên gần 127.000 tỷ đồng (~5,3 tỷ USD) qua đó củng cố vị trí số 1 trong ngành công nghệ Việt Nam.

Sau giai đoạn đi ngang tích luỹ, cổ phiếu FPT bất ngờ tăng tốc ngoạn mục ngay phiên đầu tiên của tháng 2. Cổ phiếu đầu ngành công nghệ tăng 4,39% lên mức 99.900 đồng/cp, thiết lập đỉnh lịch sử mới (tính theo giá điều chỉnh). Vốn hóa thị trường tương ứng gần 127.000 tỷ đồng (~5,3 tỷ USD), tăng 50% so với thời điểm cách đây một năm.

Đáng chú ý, cổ phiếu FPT vượt đỉnh cùng giao dịch rất sôi động. Khối lượng khớp lệnh gần 7,8 triệu đơn vị, cao nhất trong vòng 22 tháng kể từ cuối tháng 3/2022. Giá trị giao dịch tương ứng đạt gần 770 tỷ đồng, cao nhất sàn HoSE phiên 1/2. Điều hiếm khi xảy ra này phần nào cho thấy sức hút lớn của cổ phiếu công nghệ hàng đầu Việt Nam dù định giá không còn rẻ.

photo-1706783015681

Cổ phiếu FPT bứt phá kéo theo giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của dàn lãnh đạo tập đoàn cũng tăng mạnh, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình. Ước tính, khối tài sản trên sàn chứng khoán của vị doanh nhân 68 tuổi lên đến gần 7.800 tỷ đồng (bao gồm 77,2 triệu cổ phiếu FPT và 2,74 triệu cổ phiếu TPB).

Đà tăng của FPT được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm. Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của công ty công nghệ này kể từ khi hoạt động.

photo-1706783038003

Năm 2023, doanh thu mảng dịch vụ CNTT nước ngoài đạt 24.288 tỷ đồng (1 tỷ USD), tăng 28,4% svck, nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ đến từ thị trường Nhật Bản (+43,4%) và Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) (+37,7%). Doanh thu ký mới của mảng CNTT nước ngoài đạt 29.777 tỷ đồng (+37,6% svck), trong đó có 37 dự án (+19,4% svck) với quy mô trên 5 triệu USD. FPT đặt mục tiêu doanh thu mảng CNTT nước ngoài đạt 5 tỷ USD vào năm 2030 (tương đương mức tăng trưởng kép 26% trong giai đoạn 2024-2030).

Trong năm 2023, FPT cũng đã quyết liệt mở rộng thị trường thông qua M&A trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. FPT đã mở rộng phạm vi địa lý bằng việc mua lại 3 công ty Mỹ và 1 công ty EU trong năm 2023, nhờ đó tăng cường đáng kể khả năng công nghệ và năng lực bán hàng. Cụ thể, FPT đã công bố việc mua lại Intertec vào tháng 2, Landing AI (Mỹ) vào tháng 10, Cardinal Peak (Mỹ) vào tháng 11 và Aosis (Pháp) vào tháng 12.

Công nghệ và giáo dục sẽ là 2 động lực tăng trưởng

Trong một báo cáo mới đây, SSI Research nhận định chi tiêu CNTT toàn cầu kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024. Theo Gartner, việc mức chi tiêu cho CNTT chững lại trong năm 2023 cho thấy mức chi tiêu CNTT sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024. Đối với mảng CNTT nước ngoài của FPT, SSI Research kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu cao nhất trong năm 2024 từ Nhật Bản và APAC (lần lượt tăng 30% và 31% svck), tiếp theo là Châu Âu (tăng 14% svck) và Mỹ (tăng 12% svck).

photo-1706783187151

Gartner cho rằng chi tiêu cho công nghệ điện toán đám mây và AI là hai động lực chính cho tăng trưởng chi tiêu CNTT toàn cầu trong năm 2023 và sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2024, điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho FPT, vì hai phân khúc này chiếm hơn 40% doanh thu chuyển đổi số của công ty.

Đối với mảng AI có biên lợi nhuận tương đối cao hơn, FPT kỳ vọng tăng doanh thu từ AI trong năm 2024 (hiện ở mức tương đối nhỏ trong tổng doanh thu) để cải thiện kết quả kinh doanh chung. Theo FPT, công ty có kế hoạch hợp tác với Microsoft để phát triển thêm "use case" về generative AI cho khách hàng và công ty cũng đang thúc đẩy hợp tác với NVIDIA liên quan đến AI.

SSI Research cho rằng nhu cầu tự động hóa trong ngành ô tô sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2024, đặc biệt là nhu cầu về xe điện tự động, lĩnh vực mà FPT hướng tới mở rộng. Trong 10 năm tới, Precedence Research dự báo tỷ lệ tang trưởng kép (CAGR) ở mức hai chữ số cho phần mềm trong ô tô, dịch vụ điện toán đám mây toàn cầu và AI.

Đối với ngành bán dẫn trong nước, Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư và chuyên bán dẫn đến năm 2030, trong đó FPT sẽ đào tạo khoảng 10.000-15.000 chuyên gia cho ngành này. Để theo đuổi mục tiêu này, trong quý 3/2023, Khoa Vi mạch bán dẫn đã được Đại học FPT thành lập và đặt mục tiêu đào tạo lứa sinh viên đầu tiên vào năm 2024.

SSI Research giả định doanh thu mảng giáo dục sẽ tăng trưởng 25% svck trong năm 2024 vì 1) Mảng giáo dục hiện tại của FPT tiếp tục được hưởng lợi từ việc các trường công lập trong nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu giáo dục; và 2) FPT sẽ được hưởng lợi từ lứa sinh viên đầu tiên trong ngành vi mạch bán dẫn.

Về dài hạn, cần có thời gian để đánh giá hiệu quả của mảng này, điều này phụ thuộc phần lớn vào số lượng thực tế của người Việt Nam quan tâm/sẵn sàng tham gia vào ngành bán dẫn.

Với FPT Semiconductor, FPT đã ghi nhận doanh thu từ chip (rất nhỏ) từ năm 2022 và dự kiến bán được 67 triệu chip cho khách hàng tại Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đến năm 2025. Dù vậy, SSI Research cho rằng tỷ lệ đóng góp lợi nhuận từ mảng này vẫn chưa đáng kể, vì FPT Semiconductor chỉ phụ trách thiết kế chip, khâu không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn.

photo-1706783216770

 

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên