MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có một kiểu thái độ gọi là "Im lặng": Đừng như thùng rỗng kêu to, người khôn biết cách im ỉm mà làm

16-01-2019 - 20:25 PM | Sống

Biết cách lắng nghe là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn trở thành một người giao tiếp giỏi. Tuy nhiên, lắng nghe thôi chưa đủ, bạn cũng cần học cách im lặng sao cho khôn ngoan.

Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ.

Nhà bác học Thomas Edison từng nói: "Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương". Còn hiền triết Socrates thừa nhận: "Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất". Chính vì thế, sống trên đời, bạn đừng quên có một loại thái độ gọi là im lặng , có một loại cảnh giới mà người ta không cần nói ra, có một kiểu khôn ngoan gọi là kiên nhẫn, có một kiểu rộng lượng gọi là nhượng bộ!

Im lặng không có nghĩa là không nói gì khi ai đó đang trò chuyện với bạn, không phải thụ động, dửng dưng với mọi thứ xung quanh. Im lặng chính là lúc bạn cảm nhận nhiều hơn về các sự việc, hiểu rõ hơn về nguyên nhân - hậu quả và quan trọng hơn, im lặng cũng là lúc bạn thể hiện cảm xúc của mình với người đối diện một cách tinh tế.

Có một kiểu thái độ gọi là Im lặng: Đừng như thùng rỗng kêu to, người khôn biết cách im ỉm mà làm - Ảnh 1.

Im lặng không phải là điểm yếu, mà đó lại là sự thông minh. Bị chèn ép, cứ im lặng, không làm lớn mọi chuyện. Bị hiểu lầm, cứ im lặng, hãy để thời gian từ từ chứng minh. Đôi khi im lặng là cách giải quyết tốt nhất và đúng lúc nhất khi đối phương không sẵn sàng lắng nghe điều bạn nói, ví dụ như khi một người cần bạn lắng nghe vấn đề cá nhân nhưng cô ấy lại không thể chấp nhận lời khuyên của bạn vào lúc đó.

Im lặng không phải là bất tài, mà là một sự trưởng thành. Nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến đường cùng. Những người biết cách im lặng sẽ hành động thận trọng và hiếm khi mắc lỗi. Sự im lặng có thể là người bạn tốt trong những cuộc đàm phán. Nói phần của bạn, sau đó, im lặng để người khác đi tới kết luận của riêng họ. Sự im lặng ở đây cho thấy bạn tự tin về những gì bạn đã nói và bạn đủ tôn trọng người đối diện để nghe những điều họ nói.

Có một kiểu thái độ gọi là Im lặng: Đừng như thùng rỗng kêu to, người khôn biết cách im ỉm mà làm - Ảnh 2.

Im lặng có thể thắng mọi lời hùng biện.

Người ta nói rằng: Con người chỉ mất một năm để học nói, nhưng phải mất cả đời để học cách im lặng. Ai sinh ra cũng có miệng lưỡi đầy đủ, có quyền phát ngôn của riêng mình và không phải ai cũng chấp nhận im lặng. Đôi khi, người ta không nói không có nghĩa họ bị câm, chỉ là họ không muốn đánh mất một điều gì đó. Im lặng sẽ giúp bạn tránh khỏi những mâu thuẫn và cuộc tranh luận vô ích. Thay vì dùng lời nói công kích nhau, đẩy mâu thuẫn đi xa hơn, thậm chí làm tổn thương và xúc phạm người khác, chúng ta chỉ dùng sự im lặng để nói lên thái độ của mình.

Im lặng đôi khi là lúc mà con người ta đang lao động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ... Văn hào W. Goethe từng nói: "Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời". Thấy người khác trầm tư mặc tưởng thì đừng phá "khoảng riêng" của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

Người đàn ông khôn ngoan thực sự sẽ nói ít làm nhiều. Muốn chứng minh điều gì, họ sẽ dùng hành động chăm chỉ để thay cho hàng chục lời nói, dùng kết quả để thay thế cả quá trình. Đôi khi, im lặng còn mạnh mẽ hơn rất nhiều so với một lời nói hoa mỹ, có cánh.

Nói hay im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người và chỉ sử dụng khi cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, gươm chưa dùng thì nên cất trong vỏ. Còn im lặng là diệu kế khi lời nói không có tác dụng hoặc phản tác dụng. Nhưng nếu dùng sai thì im lặng cũng có thể trở thành tai họa. Đó chính là giá trị của sự im lặng và "nghệ thuật" im lặng.

Tuân Tử dạy: "Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ". Thế nên, đừng bỏ qua việc học cách im lặng. Cho dù đối nhân xử thế kiểu gì thì nói ít làm nhiều sẽ giúp bạn không phạm sai lầm, im lặng khi cần thiết sẽ giúp bạn tránh xa rắc rối!

Phương Thúy

Tổng hợp

Trở lên trên