Có một nước châu Á không hề mạnh về bóng đá nhưng lại có vai trò then chốt trong các mùa World Cup, lý do là gì?
Pakistan có thể không phải cái tên nổi bật trên đấu trường túc cầu thế giới, nhưng quốc gia này lại đóng góp một vai trò không thể thiếu vắng cho World Cup, đó là sản xuất bóng đá sử dụng trong giải đấu này.
- 14-12-2022Messi bị đau, có nguy cơ bỏ lỡ trận chung kết World Cup 2022
- 14-12-2022CĐV Argentina ''phủ kín'' đường phố khi Messi và đồng đội vào chung kết World Cup
- 14-12-2022Toả sáng giúp Argentina vào chung kết World Cup 2022, Messi lập nên nhiều kỷ lục mới
Vai trò không thể thiếu
Mặc dù chưa từng đặt chân vào đấu trường World Cup nhưng Pakistan cũng để lại dấu ấn và vai trò gần như không thể thay thế cho giải đấu này. Theo Sportstar, đất nước này là một trong những nhà sản xuất lớn nhất của bóng đá, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ.
Hơn 43 triệu quả bóng với giá trị ước tính 191 triệu USD đã được sản xuất ở riêng thành phố Sialkot của nước này trong năm tài chính 2021-2022.
Trong hình là quả bóng Bracuza của kỳ World Cup năm 2014 được sản xuất tại Pakistan.
Không chỉ làm bóng cho kỳ World Cup Qatar năm nay, đất nước này còn là nơi xuất xưởng những phiên bản sao chép dành cho fan hâm mộ của môn thể thao vua khắp thế giới.
Forward Sports, một công ty thiết bị thể thao đa quốc gia ở thành phố Sialkot phía đông bắc nước này, đã làm việc với Adidas AG trong gần 20 năm. Đây là một trong hai nhà sản xuất của Adidas Al Rihla, quả bóng chính thức của World Cup.
Giám đốc Foward Sports, Hassan Masood Khawaja cho biết công ty của ông đã sản xuất 5,5 triệu quả bóng Al Rihla, bao gồm 60.000 bản sao chất lượng cao của quả bóng chính thức được sử dụng trong các trận đấu. Các bản sao chỉ không có công nghệ thời gian thực hỗ trợ trọng tài việt vị và phát hiện vượt đường biên.
Chúng được các đội bóng sử dụng khi họ tập luyện ở Qatar và được bán như một sản phẩm cao cấp cho những người đam mê bóng đá trên toàn cầu, phần còn lại được bán dưới dạng bóng giải trí và bóng lưu niệm với giá thấp hơn.
Công nhân đang thực hiện các bước kiểm tra cuối trước khi cho bóng xuất xưởng, ảnh chụp 2/12/2022.
Đối với công ty, hợp đồng với Adidas là một niềm tự hào.
Khawaja nói: "Hơn cả công việc kinh doanh, làm ra quả bóng World Cup là vấn đề uy tín và danh dự đối với chúng tôi.
Chúng tôi làm điều đó như thế nào? Đó là kỹ năng của người dân và tình yêu của chúng tôi dành cho môn thể thao này".
Sialkot có lịch sử lâu đời về sản xuất bóng đá và các dụng cụ thể thao khác. Khoảng 8% dân số của Sialkot (khoảng 1 triệu người) làm việc trong ngành.
Một quả bóng được làm ra thế nào?
Cũng theo Insider, thành phố này là nơi xuất xưởng 70% số bóng đá toàn cầu.
Họ đã tới thăm một nhà máy ở Sialkot để tận mắt quan sát quá trình quả bóng được tạo ra.
Đầu tiên, một chiếc máy sẽ cắt ra những miếng cao su nóng trước khi tạo hình tròn.
Đây sẽ là lớp lót trong của quả bóng.
Sau đó, một công nhân sẽ thổi hơi đầy lớp lót này.
Sau đó, anh cho nó vào máy hấp nhiệt kim loại trong vài phút để làm cứng cao su.
Công nhân sẽ cắt thủ công lớp ngoài của quả bóng. Mỗi quả gồm 20 hình lục giác và 12 hình ngũ giác.
Rồi sau đó, họ dùng máy may thủ công để khâu các thành phần với nhau.
Một phương pháp khác là dùng liên kết nhiệt để tạo hình các quả bóng loại cao cấp. Với phương pháp này, trên bóng sẽ không có vết khâu.
Người công nhân sau đó sẽ kiểm tra xem quả bóng đã đủ khối lượng - từ 420 đến 440 gam hay chưa. Quả trong hình nặng 433 gam, đúng chuẩn FIFA. Một quả bóng như vậy có thể có giá tới 100 USD ở Mỹ.
Trước khi xuất xưởng, các quả bóng sẽ đi qua quy trình kiểm tra lần cuối với chiếc máy này. Nó bắn tung chúng lên 2000 lần để đảm bảo đường khâu đủ chắc, phần sáp ổn định và quả bóng không mất form.
Sau đó, họ dùng một chiếc máy để xì hơi bóng, giúp thuận tiện cho việc vận chuyển toàn cầu.
Tại Sialkot có tới ít nhất 1000 nhà máy và là sinh kế quan trọng cho gần 60.000 người.
Nguồn: Sportstar, Insider
Tổ quốc