Có một Việt Nam rất mới!
Đất nước đang vào xuân với một tâm thế mới, một hình ảnh mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó dáng dấp của một nền kinh tế năng động và đầy tiềm năng đang dần hiện rõ.
Một tâm thế mới: tâm thế sẵn sàng
Có thể nói, Việt Nam đã thật sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, “thở” chung với từng biến động trên thế giới. Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng này, kinh tế nước nhà ngày càng lớn mạnh, doanh nghiệp tự tin cạnh tranh và đẩy mạnh đầu tư không chỉ trong nước mà còn đầu tư ở cả nước ngoài.
Vincapital đã nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là “Goldilocks Economy” trong năm 2018, một nền kinh tế tăng trưởng vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh. Do vậy, những mỹ từ như “con rồng châu Á”, “con hổ châu Á” đang dần ứng nghiệm với trường hợp của Việt Nam.
Về tăng trưởng kinh tế, đất nước đang cho thấy những bước đi bền vững. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016; đây là mức tăng cao nhất từ 2011 đến nay. Quy mô nền kinh tế đã vượt 220 tỷ USD.
Thế giới cũng dần chấp nhận kinh tế Việt Nam đang “trưởng thành”. Kể từ tháng 7/2017, World Bank đã ngừng ưu đãi gói viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng coi Việt Nam không còn thuộc diện chỉ nhận những khoản vay ưu đãi.
Dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 54,5 tỷ USD đã củng cố vị thế, niềm tin quốc gia, gia tăng niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài. Tăng dự trữ ngoại hối là đường lối đúng đắn đối với một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu như Việt Nam. Nhật Bản và bốn “con hổ” châu Á khác gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đã từng theo đuổi chiến lược tương tự trong những thời kỳ tăng tưởng kinh tế thần tốc của mỗi nước.
Tâm thế sẵn sàng của Việt Nam đang được xây dựng trên nền tảng kinh tế tốt, môi trường kinh doanh và môi trường chính trị dần được cải thiện. Sự hội nhập mạnh mẽ là khi Việt Nam cam kết theo các tiêu chuẩn quốc tế trên nhiều lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, luật,.. và không ngại cuộc chơi thị trường khi loại bỏ dần các rào cản thương mại; tích cực đàm phán hợp tác với các nước, các khối trên thế giới với 7 hiệp định song phương, đa phương như CPTPP, EVFTA,…
Không những thế, những cam kết về mở cửa thị trường được thực hiện mạnh mẽ khi Nhà nước đã mở cửa tại nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng hàng hải, điện lực, ngân hàng,... khối tư nhân và nước ngoài đã tham gia mạnh hơn và rộng khắp hơn vào nền kinh tế, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Cái gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm!
Tâm thế mới còn thể hiện ở sự tự tin lớn trong công tác cổ phần, bán vốn Nhà nước và sẵn sàng để doanh nghiệp nhà nước chơi cuộc chơi thị trường; con số DNNN đã giảm từ 6.000 trong năm 2011 xuống còn 700 trong năm 2016 và đợt bán vốn thành công tại Vinamilk, Sabeco hay hàng loạt các đợt IPO khủng đầu năm 2018 của Lọc hoá dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power đã nói lên đều đó.
Không chỉ Nhà nước, Chính phủ mà cả khối doanh nghiệp cũng đang thể hiện sự tự tin mới, tâm thế mới trên thương trường quốc tế. Những sự thành công trong đầu tư quốc tế của Viettel, Vinamilk cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân khác đang chứng tỏ năng lực cạnh tranh, bản lĩnh thương trường, dám “cưỡi” sóng lớn để vươn ra biển rộng.
Tựu chung lại, cái tâm thế của Việt Nam lúc này cũng giống như cái cách mà đội tuyển bóng đá nam U23 đã làm nên lịch sử: chúng ta không còn cái dớp sợ “biển lớn”.
Niềm tin trở lại
Quyết tâm đổi mới đất nước, đổi mới môi trường kinh doanh đang thể hiện một ý chí mạnh mẽ, xuyên suốt từ Bộ chính trị đến toàn dân, toàn khối doanh nghiệp.
Niềm tin của nhà đầu tư đã được củng cố bởi nỗ lực thực hiện cam kết của Chính phủ và sự cải thiện của các biến số vĩ mô. Cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đã thấy một Việt Nam đang vươn mình trở thành con hổ mới của châu Á, họ thấy được một Chính phủ kiến tạo thực sự khi bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh giúp xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường; quyết liệt thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; hay là khi dịch chuyển cả một bộ máy “trên nóng dưới lạnh”;…
Kết quả là, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2017 đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước đến nay.
Trong nước, hơn 316.000 tỷ đồng đổ vào nền kinh tế chỉ trong tháng đầu năm 2018 khẳng định niềm tin lớn vào nền kinh tế Việt Nam; trong đó có đến 218.000 tỷ là số vốn doanh nghiệp đăng ký tăng thêm cho thấy khối doanh nghiệp đang có niềm tin rằng 2018 thị trường sẽ tiếp tục phát triển; số còn lại là vốn của hơn 10.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tương đương gần 350 doanh nghiệp đăng ký mới mỗi ngày.
Sau tất cả, niềm tin đã trở lại.
Thị trường vốn chất lượng hơn
Sau lần trỗi dậy vào thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, thị trường vốn hiện nay đang thực sự bước vào giai đoạn “bùng nổ”.
Với một Chính phủ kiến tạo, môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây và sẽ có bước đột phá trong những năm tới với những ưu tiên cụ thể.
Trong đó, Việt Nam sẽ tập trung cải cách hệ thống DNNN, ưu tiên chương trình cải cách hệ thống quản trị và đặc biệt là kiên quyết thực thi chương trình cổ phần hóa DNNN để giảm thiểu việc Nhà nước trực tiếp can thiệp vào công việc kinh doanh, vào thị trường, trao vai trò kinh doanh nhiều hơn cho DN tư nhân và coi việc phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình từng cho biết, Chính phủ đã và đang coi trọng việc phát triển thị trường vốn, TTCK hiệu quả để thực sự đóng vai trò huy động, phân bổ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; đồng thời hỗ trợ cho hệ thống tín dụng, tạo động lực phát triển và kết nối các dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.
Trong năm 2017 vừa qua cùng với dòng vốn FDI, các nhà đầu tư nước ngoài đã có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 6,2 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016.
Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 3 lần, từ 22% GDP năm 2006 lên hơn 63% GDP ở thời điểm hiện tại và đến nay đã có trên 700 doanh nghiệp niêm yết. Thanh khoản của TTCK đã tăng 50% từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2016 lên mức 4.500 tỷ đồng/phiên trong năm 2017 và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong đầu năm 2018 với những phiên kỷ lục trên 10.000 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu (TTTP) cũng đã có những bước phát triển mạnh. Dư nợ TTTP đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 40% GDP, trong đó chủ yếu là TTTP chính phủ (gần 30% GDP). Thanh khoản cũng tăng ngoạn mục từ mức hơn 324 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên mức gần 9000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017.
TTCK Việt Nam đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu và TTTP đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây.
Cùng với việc vận hành thị trường chứng khoán phái sinh và sắp tới đưa vào giao dịch T+0, TTCK Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi và sẽ tiếp tục là lực hút lượng vốn rất lớn từ mọi thành phần chảy vào, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là rất cao. Đây cũng là là cơ hội để tăng sự minh bạch và chất lượng “hàng hóa” trên thị trường cũng như tăng lựa chọn cho nhà đầu tư.
Với những gì đã và đang diễn ra, cộng đồng đầu tư đang chờ đợi năm 2018 sẽ tiếp tục là năm tích cực của nền kinh tế Việt Nam, với kỳ vọng tăng trưởng GDP 6,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của khu vực gấp đôi bình quân thế giới.
Người đồng hành