Có nên chấp nhận lời đề nghị tiếp tục ở lại công ty hiện tại khi đã xin nghỉ việc?
Bạn có từng nhận được những lời mời tiếp tục làm việc tại công ty cũ khi vừa xin nghỉ việc? Hãy cùng điểm qua những khía cạnh quan trọng dưới đây để quyết định thật thông minh và sáng suốt nhé.
Ngày nay, để tìm được nhân tài thật sự phù hợp luôn là một bài toán khó với mọi công ty. Không chỉ vậy, chi phí thuê nhân sự hay công sức bỏ ra để đào tạo người mới là những khó khăn đáng kể đối với nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, các công ty thường cố gắng giữ chân những nhân viên giỏi có ý định nghỉ việc bằng lời đề nghị tăng lương, thưởng hay thăng chức. Hơn thế nữa, bạn có thể được hứa hẹn những cơ hội rộng mở, dự án mới mẻ hay thậm chí được làm việc linh hoạt về giờ giấc.
Mặc dù những đề nghị đó đầy sức hấp dẫn nhưng bạn có nên chấp nhận? Dưới đây là một vài yếu tố bạn cần xem xét để có được lựa chọn đúng đắn nhất.
Những ưu tiên trong sự nghiệp của bạn
Mặc dù những lời mời gọi này thường rất quyến rũ nhưng hãy nhớ lại vì sao bạn đã muốn nghỉ việc. Hãy ngẫm nghĩ tại sao công ty phải chờ đến lúc bạn xin nghỉ việc mới bắt đầu trân trọng đóng góp của bạn và chuyện gì sẽ xảy ra nếu như bạn không xin nghỉ.
Ông Adrien Bizouard, Giám Đốc Điều Hành của Robert Walters Việt Nam, chia sẻ: "Là một tập đoàn chuyên tư vấn tuyển dụng toàn cầu, trong không ít trường hợp mà chúng tôi gặp phải, nhiều nhân viên chấp nhận đề nghị của công ty cũ và ở lại thì chỉ sau đó từ 2 đến 6 tháng lại bắt đầu tìm việc mới. Lý do là vì những đề nghị này thường không giải quyết được gốc rễ thực sự khiến người lao động bỏ việc – đặc biệt khi nó liên quan tới văn hóa và môi trường doanh nghiệp, chứ không phải vấn đề tiền bạc."
Bạn cần phải nhớ rõ nguyên nhân đã dẫn bạn tới hành trình kiếm việc mới. Những lý do đó chắc hẳn phải quan trọng đến mức bạn phải bắt đầu tìm kiếm cơ hội nơi khác. Đừng để những lợi ích làm lung lay ý chí của bạn hoặc làm bạn thiếu sáng suốt khi nhận thấy mình bỗng nhiên được ưu ái và trân trọng ở công ty cũ.
Đừng quên là việc tìm kiếm một người khác thay thế bạn sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nên những đề nghị này có thể chỉ là một cách để nhà tuyển dụng tránh khỏi các rắc rối phải đối mặt khi bạn nghỉ việc.
Danh tiếng của bạn sẽ bị ảnh hưởng
Hãy lưu ý rằng chấp nhận những đề nghị này có thể dẫn tới việc bạn sẽ bị chỉ trích và đánh giá thấp vì đã không trung thành với công ty. Nếu bạn chấp nhận ở lại sau khi đã nhận lời làm việc tại một nơi khác, đồng nghiệp và quản lý có thể sẽ nhận xét bạn thiếu quyết đoán, không phải là một người đáng tin cậy, và bạn sẽ dần mất đi sự tín nhiệm. Điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp của bạn tại công ty trong thời gian dài.
Hơn thế nữa, công ty mà bạn định chuyển sang sẽ ghi nhớ việc bạn đã chấp nhận lời mời ở lại và có cái nhìn tiêu cực về bạn. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của bạn trong ngành và hạn chế cơ hội tìm việc của bạn trong tương lai.
Hãy rời đi trong êm đẹp
Đừng quên lời giới thiệu từ sếp cũ rất quan trọng cho sự nghiệp tương lai của bạn. Nếu bạn không chấp nhận ở lại thì nên cố gắng nghỉ việc trong hòa khí.
Hãy trấn an sếp của bạnrằng bạn đi đến quyết định này sau thời gian dài suy nghĩ kỹ lưỡng, đừng kể lể hay nhấn mạnh bất kỳ sự tiêu cực nào. Hãy giải thích rằng bạn thật sự trân trọng quá trình làm việc tại công ty và những trải nghiệm quý giá mà bạn đã tích lũy được. Đừng quên thể hiện sự đồng cảm và duy trì mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp cũ.
Có rất nhiều phương diện cần phải cân nhắc khi nhận được lời đề nghị ở lại. Bạn sẽ làm gì khi bị đặt trong trường hợp đó? Hãy cùng chia sẻ nhé.