MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên dành dư địa đầu tư công cho năm sau?

Vấn đề này được đặt ra tại Toạ đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2020 do VEPR tổ chức sáng nay, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng là kết thúc năm 2020 mà vốn đầu tư công còn tới gần 250 nghìn tỷ đồng.

Tại Toạ đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 21/10, một trong những chủ đề được mang ra bàn luận nhiều là về giải ngân vốn đầu tư công .

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của VEPR, riêng trong quý III/2020, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 595,1 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với quý III/2019 9,85%. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư đạt 265,6 nghìn tỷ, chỉ tăng 0,04%. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng mạnh, đạt 211,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,14% (trong khi cùng kì năm 2019 chỉ tăng 0,53%).

Có nên dành dư địa đầu tư công cho năm sau? - Ảnh 1.

Tính chung 9 tháng đầu năm, so với cùng kì năm trước, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,8%. Trong đó, vốn từ khu vực Nhà nước tăng 13,4%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 2,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,5%.

VEPR nhận định, một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế của năm nay chính là việc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/8/2020 là hơn 235 nghìn tỷ đồng, đạt 43,93% kế hoạch (trên 535,5 nghìn tỷ đồng) và đạt 49,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (hơn 471 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, vốn trong nước là 222.116 tỷ đồng (đạt 46,7% kế hoạch) và vốn nước ngoài là 13.175 tỷ đồng (đạt 21,96% kế hoạch). Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9/2020 là 269.207,94 tỷ đồng, đạt 50,27% kế hoạch (535.576,13 tỷ đồng) và đạt 57,15% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (471.032,733 tỷ đồng).

Có nên dành dư địa đầu tư công cho năm sau? - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Đức Thành (chính giữa) Cố vấn trưởng VEPR phát biểu tại Toạ đàm

"Đầu tư công trong quý IV/2020 sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế song nếu trong năm sau không tìm được nguồn lực thay thế chắc chắc kinh tế Việt Nam sẽ suy giảm", PGS.TS. Phạm Thế Anh nói.

Còn TS. Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng VEPR thì đưa ra quan điểm: Liệu có nhất thiết phải giải ngân toàn bộ 100% kế hoạch đầu tư công năm nay?. Trong khi chỉ còn 3 tháng là kết thúc năm 2020 mà vốn đầu tư công theo kế hoạch Thủ tướng giao còn tới trên 249 nghìn tỷ đồng thì việc giải ngân ồ ạt có chắc sẽ đem lại hiệu quả cao, TS. Thành đặt vấn đề.

"Với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công để đạt tăng trưởng kinh tế trên 2% khả năng cao sẽ hoàn thành nếu không có những diễn biến thực sự bất ổn của dịch Covid-19. Vì vậy, nên 'để dành' dư địa đó cho năm sau", TS, Thành nói.

Bước sang năm 2021, vẫn chưa thể chắc chắn dịch bệnh sẽ kết thúc và không còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế hay nói cách khác, bất trắc vẫn còn rất nhiều. Một phần đầu tư công của năm nay nên để dành sang năm sau chứ không nhất thiết phải giải ngân bằng được, vị Cố vấn trưởng của VEPR nhìn nhận.

"Dòng tiền đổ vội như nước đổ ồ ạt vào chiếc ly quá nhỏ, sẽ không mang lại hiểu quả như mong đợi", TS. Thành ví von.

H.A

Theo BizLIVE

Trở lên trên