Có nên đưa kinh tế ngầm vào GDP?
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng việc khảo sát, lượng hóa nền kinh tế ngầm là cần thiết nhưng để tính thêm vào GDP thì cần cân nhắc thêm.
- 13-02-2019Đại diện IMF: GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể nhờ điều này
- 13-01-2019GDP có thể khiến chúng ta bị ảnh hưởng trong việc đánh giá đúng bức tranh kinh tế?
- 10-01-2019VEPR dự báo tăng trưởng GDP 6,9%, lạm phát trên 4%
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất - kinh doanh của khu vực này, nhằm phản ánh đầy đủ và toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.
Coi chừng lợi bất cập hại
Đề án phân chia khu vực kinh tế chưa được quan sát, hình thành 5 nhóm gồm: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Trước mắt, Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành đo lường thử nghiệm năm 2019, đo lường chính thức năm 2020 và các năm tiếp theo. Việc xây dựng phương pháp thống kê cụ thể cũng như danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát đang được cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Một tiệm sửa xe máy trên lề đường TP HCM. Theo các chuyên gia, hình thức kinh tế hộ gia đình đóng góp đáng kể vào GDP Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết cơ quan này đã đánh giá lại và báo cáo Thủ tướng về quy mô GDP, trong đó có các thành tố thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát trong giai đoạn 2010-2017 đã được đưa vào GDP. Sắp tới đây, khi đề án chính thức được khởi động, tổng cục sẽ thu thập thông tin và đánh giá cụ thể hơn về các thành tố thuộc khu vực này, đồng thời khảo sát và lượng hóa thêm phần kinh tế bất hợp pháp. "Để đánh giá hiệu quả, cần có thời gian thu thập thông tin nên chưa thể nói sớm" - ông Lâm chia sẻ.
Đánh giá về đề án, chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng cho rằng một trong những mục tiêu của Chính phủ là tận dụng mọi nguồn lực để GDP lớn hơn, đẹp hơn song cũng sẽ đi kèm với rủi ro về nợ công, bội chi. Ở góc độ khác, quan sát và lượng hóa được khu vực kinh tế ngầm và buộc hoạt động một cách minh bạch sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho thu ngân sách thông qua thuế khóa nhưng kết quả thực tế chưa chắc đã như kỳ vọng.
"GDP tính theo cầu hiện nay đã bao gồm tính toán cả khu vực không chính thức vào, tức là khu vực có thể dễ dàng nhìn thấy để kiểm soát và thu thuế như hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu, kinh tế lòng đường - vỉa hè... đã nằm ở GDP tổng thể rồi. Vậy nên, sau này khi chính thức thực hiện đề án thì "miếng bánh" GDP cũng không tăng thêm được nữa. Phần có thể giúp tăng thêm là kinh tế phi chính thức, bất hợp pháp thì không phải thành phần nào cũng được chấp nhận" - ông Đồng lý giải.
Chuyên gia thống kê Bùi Trinh bày tỏ không đồng tình với việc tính thành phần kinh tế ngầm, kinh tế chưa quan sát được vào GDP. "Việc khảo sát, lượng hóa nền kinh tế chưa được quan sát là cần thiết nhưng để tính thêm vào GDP thì cần cân nhắc thêm. Tính thêm khu vực này vào GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỉ lệ bội chi và nợ công nhỏ xuống. Nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ "ảo" để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi hiểm họa" - ông Bùi Trinh thẳng thắn.
Căn cứ nào để làm?
Cũng theo ông Trinh, kinh tế ngầm không chỉ bao gồm khu vực kinh tế hợp pháp nhưng giấu giếm để trốn đóng thuế mà còn gồm cả khu vực bất hợp pháp như cờ bạc, mại dâm… Nếu tính đến việc lượng hóa khu vực này và đưa vào quy mô tổng thể nền kinh tế thì đồng nghĩa với thừa nhận sự hợp pháp của kinh tế ngầm.
"Khu vực kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp là không thể tính toán thống kê, vì không một cơ quan, tổ chức nào thừa nhận sự tồn tại của nó. Chưa kể, kinh tế ngầm nhiều khi còn liên quan tới các câu chuyện "bảo kê", "nhạy cảm" khác và không dễ xử lý. Mặt khác, các hoạt động phi pháp như mại dâm, cờ bạc, cá cược... cũng không thuộc phạm trù sản xuất nên Tổng cục Thống kê cũng không có căn cứ để làm. Do đó, việc lượng hóa khu vực này không hề dễ dàng" - ông Trinh nói.
Góp một góc nhìn khác, chuyên gia Nguyễn Quang Đồng cho rằng đề án về kinh tế chưa quan sát được nhắm vào vấn đề thực chất và thiết thực là tăng nguồn thu cho ngân sách. Do vậy, việc cần làm là minh bạch hóa và mạnh dạn hợp thức hóa những hoạt động ngầm trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm cũng cần nhiều thời gian.
Làm rõ kinh tế hộ gia đình là cần thiết
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, kinh tế hộ gia đình chiếm 32% GDP nhưng chỉ đóng góp thu ngân sách 0,8%. Đặc biệt, việc tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển, tạo công ăn việc làm, thoát nghèo trong thời kỳ đổi mới đã để lại hậu quả là khi hội nhập sâu, chuyên thì ta không có thương hiệu lớn, không cạnh tranh được với khu vực. Bởi vậy, việc phải làm rõ khu vực kinh tế này là cần thiết. "Làm sao có được con số chính xác là điều rất khó khi còn tồn tại hàng loạt rào cản từ cấp phường, xã. Nhiều doanh nghiệp sử dụng trên 10 lao động, lẽ ra phải đăng ký doanh nghiệp thì lại đăng ký hộ gia đình. Phường, xã làm ngơ để chia chác với nhau. Không xử lý được thì đề án không hiệu quả" - ông Doanh góp ý.
Người lao động