Có nên nới trần nợ công?
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan rộng ra nhiều địa phương, trong đó có các địa phương trọng điểm kinh tế làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, tác động lớn đến tăng trưởng, tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước. Tất cả điều đó đã khiến cho việc vay, trả nợ công cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
- 30-10-2021Nhóm ngành chính sẽ hưởng lợi nếu có các gói hỗ trợ mới và nền kinh tế mở cửa trở lại
- 29-10-2021Bộ trưởng Bộ Tài chính: Huy động USD của người dân đang gửi 0% bằng công trái
- 29-10-2021Địa phương nào vượt Hải Phòng, TPHCM... đạt tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp 10 tháng cao nhất cả nước?
Gửi Quốc hội báo cáo về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trong 9 tháng của năm 2021, Chính phủ đã thực hiện huy động 298.758 tỷ đồng và đã trả 289.328 tỷ đồng, đạt khoảng 73,3% kế hoạch cả năm.
Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2021 dự kiến khoảng 365.932 tỷ đồng, đạt 92,8% kế hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công của Việt Nam khoảng 3.708 nghìn tỷ đồng, bằng 43,7% GDP.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn. Nợ công cũng được cơ cấu lại theo hướng an toàn, tốc độ tăng nợ công giảm dần, từ mức bình quân 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,4%/năm giai đoạn 2016-2020.
Tỷ lệ nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55,2% GDP cuối năm 2020, dư nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,2% GDP và đều trong giới hạn an toàn.
Theo Bộ trưởng, việc kiềm chế bội chi ngân sách nhà nước và nợ công thời gian qua đã giúp cải thiện dư địa chính sách tài khóa để có các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19, phòng chống thiên tai, bão lũ, duy trì tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu và GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ 2020, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, Chính phủ cho rằng việc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng năm nay là thách thức.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Theo đó, trường hợp GDP năm 2021 không đạt mức dự báo sẽ tác động đến bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu an toàn nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2021.
Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, không chỉ là cần cải thiện tăng trưởng trong ngắn hạn, mà phải đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững, tăng khả năng thích ứng với dịch bệnh, cải thiện an sinh xã hội. Vì vậy, cần phải tính toán đến việc nới trần nợ công trong thời điểm hiện nay để tạo “dư địa” tài chính cho hồi phục và phát triển kinh tế.
Tại một số quốc gia trên thế giới, để ứng phó với khó khăn gây suy giảm tăng trưởng đã áp dụng các gói cứu trợ để tạo “kháng thể” lâu dài cho nền kinh tế. Hoa Kỳ đưa ra gói hỗ trợ 5 nghìn tỷ USD (khoảng 24% GDP) và thông qua đạo luật tiếp tục nâng trần nợ công để tránh tình trạng Chính phủ đóng cửa. Trung Quốc sử dụng gói hỗ trợ 4,7% GDP và đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng kinh tế dương cao hơn nhiều năm 2020…
Theo mục tiêu Nghị quyết 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua hồi tháng 7, trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP. Trong khi đó, tính đến hết năm 2020, nợ công quốc gia của Việt Nam tương đương 55,2% GDP.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, sau khi áp dụng đánh giá lại GDP năm từ năm 2020 thì ngưỡng nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép, do đó về lý thuyết vẫn có thể tăng trần vay đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế - Đại học Kinh tế quốc dân, nếu hỗ trợ như nhiều nền kinh tế đang áp dụng, nghĩa là ít nhất khoảng 3,5% GDP, thì quy mô gói hỗ trợ cần tăng thêm khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Đây là gói kinh tế cần thực hiện để duy trì sự ổn định cần thiết trong trạng thái bình thường mới.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng phân tích, nhìn vào các điều kiện vĩ mô, Việt Nam có tỷ lệ nợ công/GDP vẫn trong giới hạn an toàn, xuất- nhập khẩu khẩu tăng mạnh và có khả năng đạt trên 600 tỷ USD trong năm 2021, cán cân thương mại thặng dư, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên, tỷ giá ổn định, lạm phát kiểm soát, lãi suất trái phiếu thấp và nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định.
Ngoài ra, các biện pháp điều hành của Chính phủ có hiệu quả kịp thời, xếp hạng tín dụng khá tốt cho phép Việt Nam tăng khoản vay công cả trong nước và quốc tế tương đối thuận lợi.
“Đây là những cơ sở để Việt Nam cân nhắc nới khoản vay công kịp thời để tạo thêm nguồn lực kích thích kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đề xuất.
Song, các chuyên gia cũng cho rằng cần thận trọng khi quyết định nới trần nợ công bởi phải xác định rõ nguồn vay từ đâu, cũng như tính toán kỹ hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn, nếu không sẽ để lại gánh nặng nợ rất lớn cho nền kinh tế trong tương lai.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc tăng vay nợ phải tính đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Các nền kinh tế như Nhật Bản, Hoa Kỳ có mức nợ công lớn nhưng tiềm lực kinh tế rất mạnh, khả năng hấp thụ vốn rất tốt và sử dụng vốn rất hiệu quả. Các nền kinh tế có năng lực hấp thụ vốn trung bình như Việt Nam cần tính toán kỹ càng việc tăng nợ công.
Trong khi đó, để đảm bảo quản lý nợ công, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh huy động vốn trong nước giai đoạn tới còn khó khăn, cần thực hiện huy động tối đa các nguồn lực trong nước khác. Trường hợp nguồn lực trong nước vẫn thiếu hụt đáng kể so với nhu cầu bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển, trả nợ gốc và cơ cấu lại danh mục nợ, Chính phủ nghiên cứu phát hành trái phiếu quốc tế khi điều kiện thị trường thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc đa dạng hóa nguồn vốn, phương thức vay trong nước và ngoài nước tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.
TTXVN