MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên thưởng Tết bằng hiện vật?

Cuối năm, người lao động trông đợi vào khoản tiền thưởng Tết để trang trải, mua sắm và gửi về cho gia đình, không ai mong thưởng bằng sản phẩm của công ty.

Từ ngày 1-1-2021, quy định mới về thưởng, bao gồm thưởng Tết của người lao động (NLĐ) trong Bộ Luật Lao động 2019 (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua, có nhiều thay đổi, cho phép mở rộng các hình thức thưởng cho NLĐ. Cụ thể, điều 104 Bộ Luật Lao động 2019 (sửa đổi) quy định: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho NLĐ bằng tiền, trong Bộ Luật Lao động mới mở rộng các hình thức thưởng khác bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp (DN).

Tiền mặt vẫn hơn

Do nguồn tích lũy từ tiền lương trong năm không nhiều nên đại đa số NLĐ mong mỏi vào khoản thưởng Tết. Khoản này, NLĐ dùng để chi phí đi lại, phụ giúp cha mẹ và chi tiêu trong gia đình trước và sau Tết. "Lương tháng 13 có ý nghĩa quan trọng đối với NLĐ, đặc biệt là trong dịp Tết. Do vậy, nếu DN nào áp dụng như luật một cách cứng nhắc thì rất thiệt thòi cho NLĐ" - bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP HCM), bày tỏ.

Bà Thủy phân tích thêm: Nếu DN thay tiền thưởng bằng các tài sản có giá trị như vàng, xe… thì không bàn cãi, song nếu là sản phẩm tồn kho thì NLĐ không biết xoay xở ra sao? Để công bằng thì nên vẫn giữ nguyên quy định là thưởng bằng tiền mặt. Theo nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ), sau 1 năm làm việc vất vả, tất thảy CN rất mong một khoản thưởng tương xứng để vui Tết. Hiểu được tâm lý này và để CN chi tiêu thuận lợi, nhiều DN trả thưởng Tết bằng tiền mặt. Khoản 2 điều 104 trong Bộ Luật Lao động 2019 (sửa đổi) cũng quy định quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Góp ý vấn đề này, ông Dương Văn Huệ, Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi Việt Nam (Khu Công nghệ cao; quận 9, TP HCM), đặt câu hỏi: Nếu ở những DN mà tổ chức đại diện NLĐ không có tiếng nói thì ai sẽ bảo vệ NLĐ? Để minh họa, ông Huệ lấy ví dụ ngay tại nơi mình làm việc. "Trước đây, ngoài khoản thưởng Tết, ban giám đốc còn hào phóng tặng thêm voucher siêu thị cho công nhân (CN). Thế nhưng, CĐ đã đề xuất công ty tặng tiền mặt vì thực tế sẽ có CN bán lại voucher với giá rẻ hơn để có tiền chi tiêu. Lắng nghe góp ý của CĐ, ban giám đốc quyết định tặng tiền mặt" - ông Huệ nói.

Có nên thưởng Tết bằng hiện vật? - Ảnh 1.

Bên cạnh lương tháng 13, Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107 thưởng vàng cho người lao động. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Làm khó người lao động

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN cho biết mặc dù còn hơn 1 năm nữa thì quy định trên mới có hiệu lực thi hành nhưng việc thưởng Tết bằng hiện vật khiến họ rất lo lắng.

Khi được hỏi về quy định DN có thể thưởng Tết bằng hiện vật, chị Nguyễn Thị Thục Trinh, CN một DN tại KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM), thẳng thắn bày tỏ: "Nếu DN làm ăn khó khăn thì việc thưởng Tết bằng hiện vật có thể xuê xoa được nhưng nếu làm ăn có lãi mà vẫn thưởng Tết bằng hiện vật thì NLĐ khó chấp nhận". CN Nguyễn Thị Hoàng Việt (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) thì cho rằng chắc chắn NLĐ sẽ không thích thưởng Tết bằng hiện vật bởi nhu cầu, sở thích của mỗi người rất khác nhau. "Công ty tôi sản xuất đồ hộp xuất khẩu, nếu thưởng Tết bằng sản phẩm thì cũng có thể chấp nhận được. Thế nhưng, đại bộ phận đời sống CN còn khó khăn nên họ vẫn cần tiền để chi tiêu thứ mình muốn, thay vì buộc phải nhận những thứ không có nhu cầu. Chị Nguyễn Thị Hà Tâm, CN Công ty CP Giấy V.H (quận Thủ Đức, TP HCM), cũng rất lo lắng khi nghe đến quy định thưởng Tết bằng hiện vật. "Chúng tôi làm ở nhà máy giấy, cuối năm mà công ty thưởng bằng sản phẩm thì chả biết xử lý sao? Là CN, chúng tôi chỉ mong được nhận thưởng bằng tiền để dễ chi tiêu. Do vậy, nên giữ quy định hiện hành là thưởng bằng tiền mặt" - chị Tâm góp ý.

Theo ông Hoàng Kông Sự, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vận tải - Thương mại - Dịch vụ Nam Trung Bắc (quận Bình Thạnh, TP HCM), luật nên làm rõ "tài sản" và "hình thức khác" là những gì bởi nếu DN áp dụng theo kiểu công ty sản xuất cái gì thì tặng cho NLĐ cái đó sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Ông Sự phân tích: "Nếu sản phẩm của công ty bán chạy và được ưa chuộng trên thị trường, DN quy đổi thành phần thưởng với giá xuất xưởng thì NLĐ có thể kiếm lợi nhuận. Ngược lại, nếu DN bán "ế" nhưng lại đem thưởng cho NLĐ thì thiệt hại lớn cho họ bởi khi gần Tết, hầu như NLĐ đều phải gom tiền để lo Tết nên họ phải bán ngay trước Tết, vừa mất công mất sức lại dễ bị ép giá. Trước đây, đã có tình trạng DN làm ăn không hiệu quả nên thưởng cho NLĐ bằng sản phẩm của DN, NLĐ đem sản phẩm ra bán ngay trước cửa công ty và bị ép giá nhưng họ buộc phải bán để có tiền tiêu Tết. Dù có quy định DN phải thương lượng với đại diện NLĐ nhưng điều này rất khó khăn nếu tiếng nói và uy tín của cán bộ CĐ nơi đó không cao". Từ thực tế này, ông Sự kiến nghị nên có sự điều chỉnh phù hợp để tránh việc DN lạm dụng quy định này. "Phải sớm có hướng dẫn cụ thể, trong đó nên quy định rõ phần trăm mức thưởng bằng tiền, tài sản và hình thức khác hoặc quy định rõ, tài sản và hình thức khác chỉ là thưởng cộng thêm nếu có" - ông Sự hiến kế.

Ông PHẠM VIỆT LONG, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107 (quận 3, TP HCM):

Hiện vật chỉ nên là phần thưởng thêm

Hiện ở DN tôi, bên cạnh tháng lương thứ 13, cuối năm, giám đốc còn có thêm phần thưởng vàng cho NLĐ xuất sắc (1 đến 2 chỉ vàng SJC). NLĐ rất mong nhận được phần thưởng này bởi không chỉ ý nghĩa vật chất mà còn là sự công nhận đối với cống hiến của họ. Đây chỉ là phần thưởng thêm, khích lệ NLĐ làm việc chứ không phải thưởng Tết. Theo tôi, chỉ nên xem việc thưởng bằng hiện vật là phần thưởng phụ để động viên, bởi đa số NLĐ đều cần tiền trang trải cuộc sống.

Kỳ tới: Tránh tình trạng lạm dụng

Theo Hồng Đào - Thanh Nga

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên