Có nên xuất khẩu lao động chất lượng cao khi trong nước vẫn thiếu?
Năm 2017, ngành xuất khẩu lao động đạt được những con số kỷ lục về số lao động đi làm việc tại nước ngoài.
- 16-12-2017Lừa đảo xuất khẩu lao động ngày càng tinh vi
- 23-08-2017Công ty xuất khẩu lao động dựng vỏ bọc tinh vi, lừa đảo hàng tỷ đồng
- 15-07-2017Hệ lụy từ cơn sốt xuất khẩu lao động
- 05-07-20171.300 tỉ đồng đưa cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi xuất khẩu lao động
- 17-06-2017Cảnh giác lừa đảo hỗ trợ thi tiếng Hàn Quốc để đi xuất khẩu lao động
Theo thống kê từ Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ-TB-XH), 2017 là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.
Một số thị trường lao động có tỉ lệ tăng trưởng vượt bậc, như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, Malaysia, Algeria.
Xuất khẩu lao động đạt được những con số kỷ lục trong năm 2017 (Ảnh minh họa) |
Trong số đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) vẫn giữ vị trí quán quân về thu hút lao động Việt Nam sang làm việc theo hợp đồng.
Đây là năm thứ hai liên tiếp số lượng lao động đưa đi Đài Loan đạt trên 60.000 người (chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm nay).
Số lao động Việt Nam tại Đài Loan trên đứng thứ hai sau lao động của Indonesia, trong đó lao động làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ xã hội…
Tại thị trường Nhật Bản, tính đến hết tháng 12/2017, số lượng thực tập sinh được phái cử sang Nhật Bản đạt 54.504 người, tăng cao so với cùng kỳ năm 2016, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 100.000 người.
Cục Quản lý lao động nước ngoài cũng cho biết, trong năm 2017, một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng những nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn nữa cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài.
Còn theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản vẫn có nhu cầu tiếp nhận một lượng lớn lao động Việt Nam, đặc biệt là Nhật Bản.
“Hiện nay Nhật Bản cũng đã mở thêm các ngành nghề mới như trợ lí điều dưỡng. Bộ cũng đã đàm phán với phía Nhật Bản, yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ chi phí, tiền lương của các thực tập sinh sang Nhật, mức lương cũng bằng hoặc cao hơn trợ lý điều dưỡng của Nhật, ngoài ra sẽ có thêm chi phí xa nhà. Về phía Nhật yêu cầu trình độ tiếng Nhật của ứng viên từ N4, trong 1 năm làm việc, trình độ này phải tăng lên N3, nếu không đạt sẽ bị trả về nước. Trong quá trình đó, những nghiệp đoàn nào không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ phải đứng sang một bên để không làm hỏng hợp tác giữa hai Chính phủ”, ông Diệp cho biết.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay bất cứ quốc gia nào hiện nay đều muốn thu hút lao động chất lượng cao.
“Các nước chủ yếu tuyển 2 nhóm là lao động chất lượng cao và lao động phổ thông trong nước không thể đáp ứng nhu cầu. Khi các nước trải thảm đỏ để đón lao động chất lượng cao thì chúng ta cũng cần xem lại tại sao lại xuất khẩu trong khi nhu cầu trong nước vẫn chưa thể đáp ứng, các doanh nghiệp vẫn than phiền khó tuyển lao động chất lượng cao”, ông Diệp nói.
Ông Diệp cho rằng đề án này cần được tính toán lại, sao cho cải thiện chất lượng lao động xuất khẩu, tăng tỷ trọng lao động qua đào tạo nghề, song vẫn hài hòa được cả nhu cầu trong nước.
Một báo cáo của Navigos Search, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc tập đoàn Navigos Group công bố mới đây cho thấy nhiều ngành nghề tại Việt Nam hiện nay vẫn đang rất khan hiếm nhân lực chất lượng cao.
Bà Ngô Ngọc Lan, quản lý cấp cao của Navigos Search cho hay, số lượng công việc trong năm 2017 tăng 3,7% so với năm 2016, tuy nhiên các nhà tuyển dụng vẫn “mòn mỏi” tìm người do số lượng ứng viên có kinh nghiệm, trình độ đáp ứng yêu cầu còn ít.
Do đó, các công ty này buộc phải tuyển kỹ sư người nước ngoài sang Việt Nam làm việc và nắm giữ các vị trí đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm tương ứng.
Thậm chí, các công ty Fintech phải chấp nhận tuyển các sinh viên mới ra trường và tự đào tạo nguồn lực để có thể đảm đương được các yêu cầu.
Trước đó, Cục quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ-TB-XH) đã đưa ra đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025" để trình Chính phủ xem xét.
Đề án hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech...
VOV