Có những gia đình Hà Nội nửa thế kỷ tự tay gói bánh chưng như nghệ sĩ Hương Bông, không phải bởi tiết kiệm mà vì lý do “bí mật” này
Bánh chưng là hương vị của Tết Việt, nếu không có cảm giác chờ đợi nồi bánh thì thật thiếu vắng. Thế nên người ta mới thấy Tết nhạt hơn chăng?
- 09-02-2021Tết đến nơi, bố mẹ cần dạy con 1 điều không được làm khi nhận lì xì: Nếu phạm phải thì cả khách, cả chủ đều khó xử
- 09-02-20214 loại thực phẩm sẽ phát nổ trong lò vi sóng, đừng dại dột thử nếu không muốn... mất Tết
- 09-02-202128 Âm lịch, người miền Tây rục rịch dọn nhà đón Tết, chuẩn bị những mâm cơm hoành tráng được mong chờ nhất năm chào đón con cháu ở xa trở về
Người Hà Nội tự tay làm bánh chưng Tết, đâu phải chỉ vì một miếng ăn...
Bánh chưng đâu chỉ là miếng ăn, nó là linh hồn của Tết đó
Linh hồn của Tết Việt là gì, nếu không phải là tiết trời ôn thuận, là những loài hoa báo xuân, là những món ăn cổ truyền, “cũ kỹ” như hơi thở suốt hàng năm qua? Trong tiềm thức của nhiều người Việt, bánh chưng chính là thứ làm nên vị Tết.
Mà cũng không hẳn là cái bánh chưng.
Đó là cảm giác cả gia đình, người già trẻ nhỏ xúm xít bên nhau gói bánh. Là cái rôm rả khi trẻ con được chơi loanh quanh khu vực bếp bánh đến gần nửa đêm mà không người lớn nào bắt đi ngủ. Là cái háo hức khi bánh chín dền, người lớn vớt khỏi nồi nước sôi sùng sục, rồi rửa lại từng chiếc trong thau nước lạnh teo cho bánh hết “nhựa”. Là cái hân hoan khi mở từng lớp lá ra, cắt cái lạt xuyên qua bánh, rồi cùng ăn bánh chưng trong những bữa cơm gia đình đầm ấm buổi tân xuân...
Ở thành phố bây giờ, bánh chưng chẳng còn là cao lương mĩ vị, không phải món chờ đợi cả năm mới được một lần. Cái không khí mấy nhà đụng một chú lợn nuôi cả năm, chia phần thịt nào làm giò, phần nào gói bánh chưng, xúm xít đông đủ... cũng là ký ức xa ngái rồi. Sớm 30, chạy ra chợ mua vội đôi cặp về thắp hương, thế là cũng đủ lệ bộ.
Nhưng bánh chưng nhà làm, tỉ mỉ từ khâu kén lá, tìm lạt giang cho đến chọn gạo, đãi đỗ, chọn thịt rồi dành cả ngày canh lửa, châm nước, đợi chờ đến giờ vớt ra… vẫn ngon đến lạ. Bởi đó đâu phải chỉ là miếng ăn, mà chiếc bánh mang chở cả niềm ấm áp và tình cảm gia đình, mang cả cái rộn ràng tiếng cười nói của trẻ con và người lớn.
Xưa bày nay làm, nhiều gia đình Hà Nội, bận mấy thì bận, vẫn dành trọn hơn 2 ngày giáp Tết (1 ngày chuẩn bị, 1 ngày gói và vớt bánh) để tự tay làm bánh chưng. Không phải vì người ta sợ tốn tiền mua bánh, mà cũng chẳng phải vì chê bánh ở hiệu gói không ngon, luộc không kỹ, mà bởi trong tâm thức họ, cái mùi lá dong thơm lừng ở trong cái nồi nước sôi ùng ục, cái ánh lửa bập bùng thân thương, cái nhộn nhịp rôm rả chỉ có khi bày ra làm bánh chưng là không có gì thay thế được. Đó là khi Tết đúng nhất với ý nghĩa cổ truyền.
Gia đình nghệ sĩ Đỗ Kỷ - Hương Bông: Tết nhà nếu không có nồi bánh chưng sẽ thiếu vắng lắm!
Gia đình NSƯT Đỗ Kỷ, NSND Lan Hương (Đống Đa), từ những ngày tháng thanh xuân cho đến giờ đã trở thành ông bà nội, họ vẫn giữ nếp cứ đến Tết là tự tay gói bánh chưng. NSND Lan Hương tâm sự: “Với cá nhân tôi, không khí Tết ở Hà Nội rất riêng và thật khó có thể miêu tả chi tiết. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đó là lý do khiến Tết Hà Nội trong tôi có gì đó đặc biệt và thiêng liêng lắm.
Hiện tại, tôi đã nghỉ hưu nên thời gian dành cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc nhiều hơn. Nhiêu năm nay, cứ dịp Tết cổ truyền là gia đình tôi lại tất bật gói bánh chưng. Bánh chưng là hương vị của Tết Việt, và gói bánh cũng là một truyền thống gia đình tôi. Tôi vẫn nhớ, khi mình còn bé xíu đã ngồi cạnh bà ngoại khi bà và mẹ gói bánh chưng. Tôi ở tuổi thanh niên, bà ngoại yếu dần, chính bà dạy tôi cách làm. Giờ có dâu, có cháu nội rồi, chính mình lại dạy lại cho các con. Cứ thế thì truyền thống mới còn mãi”.
Những năm mẹ NSND Lan Hương (88 tuổi) còn khỏe, bà sẽ ngồi gói cùng con gái. Mấy năm nay, bà ở “cánh gà” lo việc ngâm, xóc gạo, tước lá, để NSND Lan Hương và em trai mình (80 tuổi) gói chính. Năm nào cũng thế, cậu ruột NSND Lan Hương cũng sang hỗ trợ các cháu làm bánh chưng.
Hai cô con dâu cũng được NSND Lan Hương cho tham gia vào công việc chung. Cô khoe, từ tối hôm trước, nàng dâu út đã phụ trách việc nấu, gia giảm đỗ xanh. Nàng dâu lớn thì mới gói được 2 năm, vẫn còn lúng túng chứ chưa chặt tay, bánh chưa chưa đẹp đều, vuông thành sắc cạnh như mẹ.
“Năm đầu, con bé gói bánh thành hình thang cơ, nhưng chẳng vấn đề gì, bánh vẫn chín, vẫn ngon. Những bánh gói chưa đẹp lắm, tôi sẽ giữ lại để nhà ăn, bánh đẹp thì đem dâng cúng và biếu họ hàng. Nếu cứ đặt áp lực phải gói đẹp như mẹ, như ông lên bọn trẻ, chúng sẽ sợ mà không dám làm. Có được tự tay trải nghiệm, được sai và rút kinh nghiệm dần, được trân trọng công sức, bọn trẻ mới hào hứng làm tiếp lần sau chứ!”.
Điều thú vị nhất của việc tự tay gói bánh chưng ở nhà, ngoài niềm vui và sự kết nối các thế hệ, còn là việc thoải mái làm nhân theo khẩu vị gia đình. Năm nay, nhà NSND Lan Hương làm mấy loại nhân cho bánh chưng.
Nào là nhân đậu ngọt, thịt thật nhiều mỡ, tí tẹo nạc mà các con cô rất mê. Nào là nhân đậu mặn, nạc mỡ cân bằng dành đem biếu. Nào là nhân đậu ngào mật, đậu có màu nâu óng ả, ngọt đậm mà một người bạn gửi gắm. Rồi cả bánh chưng chay cúng Phật, bánh chưng nhỏ xíu dành riêng cho hai cháu nội nữa.
Mỗi loại đều được NSƯT Đỗ Kỷ đánh dấu bằng các màu lạt vàng, đỏ, trắng khác nhau cho khỏi nhầm. Có chiếc bánh “độc quyền” của cô dâu út lần đầu làm được ưu ái buộc hẳn hai lạt đỏ - vàng cho khỏi lẫn với bánh khác.
Lúc ra đường, NSƯT Đỗ Kỷ là nghệ sĩ gạo cội của màn ảnh Việt Nam. Còn về nhà, chú đơn giản chỉ là là người đàn ông mực thước, điềm tĩnh của gia đình, là ông nội rất yêu thương cháu. Mỗi năm, chú lại có thêm "công việc thời vụ" 1 ngày: Phụ trách khâu phân loại, sắp xếp bánh vào nồi và canh chừng cho đến khi bánh chín.
Cứ dung dị như thế từ năm này sang năm nọ, Tết là thời điểm gia đình cặp nghệ sĩ nổi tiếng dành trọn cho gia đình, cho thời gian cả 4 thế hệ quây quần gói bánh, cho những tâm sự nhỏ to của hai chị em đã qua tuổi thất thập từ lâu, cho những bao dung ngắm đôi tay vừa run run vì chưa được khéo, vừa hào hứng bắt chước mẹ của con dâu, cho cả cái dựa, cái ôm rất ngọt của cô cháu nũng nịu...
Gia đình Hà Nội gần nửa thế kỷ giữ lệ làm bánh chưng để dạy trẻ về văn hóa Việt, là cầu nối lan tỏa hương Tết nơi trời Tây
Ở một góc khác của thành phố, gia đình chị Trần Thị Định (Hà Đông) cũng rộn ràng gói bánh chưng. Trên bàn, chiếc bình thủy tinh đựng nước như đang được ướp hương thơm nồng nàn từ thứ hoa kiêu hãnh cánh trắng nõn, nhụy vàng: Thủy tiên. Mọc ra từ củ hoa được gọt khéo léo là những rễ hoa trắng phau, xòe ra trong nước, nom như đang nghịch ngợm vầy nước. Một cành chanh rừng Sapa cắm trong lọ gốm, tỏa hương dìu dịu của vùng sơn cước được đặt ở góc còn. Đó là nơi bố mẹ chồng của chị ngồi gói bánh.
Phía dưới, chồng chị và cậu con trai lớn làm nhiệm vụ cắt lá lót khuôn. Đây là năm đầu tiên cậu con trai nhỏ của anh chị tập gói bánh chưng, còn ông bà đã duy trì thói quen ấy suốt 45 năm nay. Mẹ chồng chị Định bảo, từ ngày hai ông bà lập gia đình đến giờ, chưa năm nào gia đình không gói bánh chưng. Chỉ có điều, trước đó ông bà gói tay, từ khi có nàng dâu thích gói khuôn cho vuông vức, cả nhà chuyển sang gói khuôn cho thống nhất.
So với gói tay, gói khuôn chỉ có thêm một công đoạn là cắt lá để xếp vào cho vừa khuôn thôi, còn lại thì “lích kích” chuẩn bị như nhau. Nhưng ngót nửa thế kỷ qua, ông bà và cả các con đều nghiện cái “lích kích”, cái sự kỳ công chuẩn bị ấy. Bà khoe: “Vì cọ rửa lá rất sạch, chỉ chu trong từng khâu từ vo gạo, tẩm ướp thịt cho đến nghiền đỗ bằng muôi… nên bánh luôn để được rất lâu, có khi đến tận tháng 3 âm lịch mà vẫn còn thơm ngon như mới nấu.
Ngày xưa, thời các cụ làm gì có tủ lạnh mà giữ bánh. Nhưng có cái giếng thơi, nước mát lịm, khi bánh mới luộc xong, vớt ra rửa sạch rồi đem thả xuống giếng ngâm vài tiếng, trời có nồm cũng không sợ thiu. Còn bây giờ, nhà tôi chỉ ngâm bánh nước lạnh cũng đủ ngon rồi!”.
Còn với chị Định, gói bánh chưng còn mang một ý nghĩa khác. Đó là dịp để ông bà bố mẹ và các con cháu sum vầy trước không khí rạo rực của năm mới. Đó cũng là một thứ “nghi lễ”. Hương vị ngày Tết cổ truyền không chỉ ở cành đào, bình thủy tiên, mà còn là việc cả nhà rộn ràng làm bánh chưng, ai cũng góp công vào. Tết trong ký ức tuổi thơ của chị đậm đà và ấm áp như thế, nên chị cũng muốn con được giống mình, được nuôi dưỡng tâm hồn phong phú và nhân văn.
Khoảng 8 năm nay, từ khi gia đình em chồng của chị Định ra nước ngoài sinh sống, ngày gói bánh chưng của gia đình còn mang thêm một ý nghĩa quan trọng nữa. Chồng chị sẽ làm “phó nháy” ghi lại tỉ mỉ từng hình ảnh trong hôm ấy để vợ chồng em trai và bọn trẻ đang sống tại Đức ngắm.
Với người lớn, đó là cầu nối để hương Tết lan tỏa ở trời Tây, để nỗi nhớ nhà, nhớ Tết phần nào nguôi ngoai. Với bọn trẻ, đó là cách chúng được giới thiệu về văn hóa Việt, về cội nguồn, để nhắc chúng tự hào về máu đỏ da vàng, về lịch sử nghìn năm lúa nước.
Để những “mảnh” của gia đình, dù xa nhau ngàn dặm trùng dương, vẫn được sum vầy trong ngày Tết, bên nồi bánh chưng xanh gói cả tinh hoa đất trời, xanh như mùa xuân mới...
Pháp luật và Bạn đọc