Cổ phần hóa thực chất để "thay máu" doanh nghiệp nhà nước
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, cho rằng "thay máu" hiệu quả phải theo hướng thị trường, công khai, minh bạch
- 11-12-20175 năm cổ phần hóa 530 doanh nghiệp: Không phản ánh chân thực bức tranh CPH, thoái vốn
- 09-12-2017Phê duyệt phương án cổ phần hóa Lọc hóa dầu Bình Sơn
- 29-11-2017Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc nhở tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Phóng viên: Thưa ông, vì sao vẫn để xảy ra tình trạng thua lỗ ngàn tỉ đồng ở các doanh nghiệp (DN) lớn. Hiệu quả của hoạt động giám sát thế nào? Ví dụ tại VRG, Bộ Tài chính đã bao giờ cảnh báo hoạt động đầu tư ngoài ngành hay góp vốn của người thân lãnh đạo thành lập DN liên quan?
- Ông Đặng Quyết Tiến:
Hoạt động của DN nhà nước (DNNN) giai đoạn trước thực hiện theo Luật DNNN 2003 và sau này mới theo Luật DN 2015. Luật DNNN 2003 cho phép DN được kinh doanh đa ngành đa nghề, thành lập các công ty con cấp 2 cấp 3. Chính vì thế đã tạo quyền tự chủ cao hơn cho HĐQT, được quyết định các vấn đề và tự chịu trách nhiệm, không phải báo cáo bộ chủ quản. Những vấn đề lớn thì báo cáo Thủ tướng quyết định, cho nên không phát huy được cơ chế giám sát, cảnh báo.
Công nhân Công ty Cao su Kon Tum khai thác mủ lúc sáng sớm Ảnh: VĂN PHƯƠNG
Sau đó, Chính phủ ban hành các Nghị định 99/2012, Nghị định 61/2013 về cơ chế giám sát tài chính, quy định rõ trách nhiệm của bộ chủ quản nên công tác giám sát hoạt động của DNNN đã gồm nhiều cấp, chặt chẽ, bài bản hơn, có sự trao đổi giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra và bộ, ngành, góp phần chấn chỉnh, phát hiện lỗ hổng sai phạm. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giám sát từ kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư thành lập công ty, thậm chí còn xếp loại cán bộ của DN. Vì thế, gần đây đã kịp thời hạn chế, ngăn chặn đầu tư không đúng, không hiệu quả. Đây là điểm mới về khung pháp lý cũng như cơ chế giám sát hoạt động của DNNN.
Cổ phần hóa (CPH) DNNN là nhiệm vụ then chốt để tái cơ cấu khu vực này nhưng tiến độ rất chậm. Việc này có ảnh hưởng thế nào đến quá trình "thay máu" DNNN?
- Kế hoạch năm nay là phải CPH 44 DN nhưng đến giờ mới được gần một nửa. Còn 15 ngày nữa hết năm, hãy chờ xem kết quả. Về số lượng thì có thể thấy trước là không đạt nhưng về chất đã có chuyển biến đáng kể. 10 năm trước, CPH đạt được hơn 90% kế hoạch về số lượng, còn số vốn bán ra cho nhà đầu tư chỉ đạt 8%. Như thế không có ý nghĩa CPH phải giải phóng nguồn lực từ khu vực nhà nước cao hơn. Năm 2017, Chính phủ đã quyết tâm CPH một số DN lớn như: Vinamilk thu hút được vốn ngoại, tạo dòng tiền cho thị trường chứng khoán (TTCK).
10 năm trước, TTCK chủ yếu hút nguồn vốn trong dân. Đây là nguồn lực dồi dào nhưng không đòi hỏi sản phẩm phải minh bạch công khai nên thị trường tăng ào ào đến hơn 1.000 điểm. Có vốn ngoại vào, họ yêu cầu sản phẩm, hàng hóa phải tốt, ở lâu dài với ngành đó để cải tổ. Việc thoái vốn nhà nước phải theo thị trường, công khai, minh bạch. Sau khi thoái vốn, hoạt động của DN tốt hơn, "thay máu" thực sự.
Việc khởi tố 5 cựu lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) và diễn biến của vụ án liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ảnh hưởng đến CPH các DN này không?
- Vi phạm ở các tập đoàn này là sai phạm của cá nhân một số lãnh đạo, xảy ra từ lâu nên không có ảnh hưởng. Tại VRG, theo báo cáo của tập đoàn thì nguyên chủ tịch thành lập công ty riêng, có mời thêm 2 đơn vị thuộc công ty con và sử dụng nguồn lực từ phúc lợi làm chứ không lấy từ vốn sản xuất kinh doanh, không liên quan đến HĐTV và HĐTV cũng không biểu quyết thông qua. Hiện nay, giá cao su đã tốt, VRG đã cải tổ, năm nay lợi nhuận đạt khoảng 3.900-4.000 tỉ đồng.
Nhiệm vụ CPH đã được vạch ra rất cụ thể, khung pháp lý cũng rõ ràng nhưng liệu đã đủ gây áp lực để lãnh đạo DN thực hiện không, thưa ông?
- Điểm khác biệt trong CPH giai đoạn này là các giải pháp có tính đồng bộ. Chính phủ quy định rõ nếu chậm CPH, trách nhiệm trước hết ở lãnh đạo DN. Như tại 2 DN bia, Sabeco đang thực hiện nhưng Habeco vẫn lình xình chưa có phương án. Tổng giám đốc Habeco đã phải chịu trách nhiệm riêng việc thoái vốn, nhiệm vụ điều hành DN phải bàn giao cho cấp phó.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang giao Ủy ban Chứng khoán nhà nước rà soát trong số 700 DN đã CPH, có bao nhiêu DN chưa niêm yết để có xử lý tiếp theo. Yêu cầu niêm yết là để trả DN về cho thị trường, hoạt động ở sân chơi bình đẳng, giải phóng nguồn lực vốn đang rất cần cho khởi nghiệp.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, nhà nước không đi bán bia, sữa và thực hiện thoái vốn ở Vinamilk, đồng thời đang lên kế hoạch thoái vốn ở Sabeco. Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ công khai toàn bộ danh mục và tỉ lệ DN CPH, thoái vốn theo lộ trình để nhà đầu tư nắm được, chủ động tham gia. Trong đó có những DN quy mô rất lớn đã được Thủ tướng phê duyệt phương án CPH như 3 DN ngành dầu khí, VRG.
Người lao động