Cổ phiếu bán lẻ đồng loạt đua xanh tím, có mã tăng bốc gần 50% chỉ trong hơn 1 tháng
Trong bối cảnh thị trường khởi sắc, nhóm cổ phiếu bán lẻ trở thành tâm điểm khi nhiều mã đồng loạt tăng bốc, thậm chí kịch trần.
Thị trường chứng khoán đang có chuỗi phiên giao dịch tương đối tích cực, chỉ số VN-Index dù gặp áp lực bán mạnh tại những vùng điểm cao song vẫn bảo toàn thành quả. Trong không khí hân hoan, nhóm cổ phiếu bán lẻ trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất khi nhiều mã đồng loạt tăng bốc, thậm chí kịch trần.
FRT ghi nhận tăng điểm xuyên suốt phiên và đóng cửa tại mức giá tím, tăng 6,9% lên 62.100 đồng/cp – mức giá cao nhất kể từ trung tuần tháng 3, đi kèm với thanh khoản tăng vọt gần 3 triệu đơn vị. Tính từ giữa tháng 5 tới nay, thị giá FRT đã tăng hơn 16%.
Tương tự, DGW cũng tăng kịch trần lên mức 41.000 đồng/cp. Kể từ thời điểm đầu tháng 4 tới nay, chỉ hơn 1 tháng song thị giá DGW đã bứt tốc gần 43%, thanh khoản giao dịch cũng được cải thiện đáng kể.
Các cổ phiếu bán lẻ khác như MWG cũng tăng 3,9% lên đóng cửa tại mức giá cao nhất phiên 43.000 đồng/cp, tương đương tăng gần 15% chỉ sau khoảng 2 tuần giao dịch. PET cũng tăng mạnh trong phiên đầu tuần lên mức 28.050 đồng/cp, MSN tăng 2,5% lên 78.400 đồng/cp trong khi PNJ tăng 0,7% lên 72.500 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ nổi sóng với kỳ vọng kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu đã tạo đáy. Thực tế quý 1/2023 ghi nhận tình hình kinh doanh tương đối khó khăn của nhóm ngành này. MWG báo lãi quý 1 chỉ hơn 21 tỷ, thấp kỷ lục từ khi niêm yết. Không khá hơn, FPT Retail (FRT) thậm chí lỗ ròng 5 tỷ đồng, ghi nhận một quý ảm đạm nhất của ông lớn bán lẻ này kể từ năm 2020.
Sau giai đoạn khó khăn, hiện tại doanh thu bán lẻ hàng hóa tiêu dùng có xu hướng tăng trở lại. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng vừa qua ước đạt 2.527,1 nghìn tỉ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2015 trở lại đây. Trong bối cảnh xuất khẩu tiếp tục gặp khó, thị trường nội địa gần 100 triệu người với 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng thực sự là “mỏ vàng tiêu thụ” cho nhóm doanh nghiệp bán lẻ để cải thiện tình hình kinh doanh.
Đặc biệt, hàng loạt chính sách về thuế, cho vay tiêu dùng được ban hành sẽ thúc đẩy hơn nữa tiêu dùng tăng trưởng. Cuối tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất chủ trương với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Bộ Tài chính hồi tháng 4 cũng đã đề xuất tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến 1/7 đến hết ngày 31/12/2023. Trong phiên họp tổ và toàn thể tại Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách này, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng giảm 2% đối với tất cả các nhóm hàng đang áp dụng mức thuế 10% theo quy định của Luật thuế VAT. Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị cân nhắc giảm 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, mức giảm 2% có thể không đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách.
Chưa dừng lại, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong thời gian qua khi NHNN đã 3 lần liên tiếp kể từ trung tuần tháng 3 hạ lãi suất điều hành. Chứng khoán ABS trong báo cáo gần đây cũng kỳ vọng các gói hỗ trợ lãi suất, hoãn thanh toán thuế thu nhập và tiền thuê đất, giảm thuế VAT, v.v. sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng GDP quý 2 cũng như nhóm bán lẻ sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, hạ lãi suất cho vay còn sẽ giúp giảm áp lực vay nợ của các doanh nghiệp ngành bán lẻ.
Tuy nhiên vẫn cần thận trọng khi bối cảnh kinh tế suy thoái vẫn khiến tình hình ngành kém sắc khi sức tiêu thụ không thể phục hồi quá nhanh. Báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt đã đánh giá trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều lực cản, ngân sách hộ gia đình bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng càng gặp thêm áp lực. Đồng thời, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sẽ có tác động không đồng nhất đến từng nhà bán lẻ Việt Nam. Các mặt hàng thiết yếu (FMCG, dược phẩm) và những mặt hàng không thiết yếu đắt tiền vẫn sẽ bán tốt, ngược lại các sản phẩm không thiết yếu ở phân khúc trung cấp, đặc biệt là các thiết bị công nghệ vốn được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, có thể bị suy giảm tiêu thụ nặng nề nhất năm 2023.
Theo VDSC, nền kinh tế chỉ có thể phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2024 khi các đơn đặt hàng bắt đầu có trở lại và thu nhập của người lao động được cải thiện.
Triển vọng khó khăn còn được phản ánh qua những bản kế hoạch kinh doanh năm 2023 đầy thận trọng. Đơn cử, doanh nghiệp bán lẻ top đầu là FPT Retail (FRT) lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 giảm hơn một nửa so với thực hiện 2022 xuống 240 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 2 con số 13% đạt mức 34.000 tỷ đồng.
“Đại gia” ngành bán lẻ là Thế giới Di động (MWG) đặt mục tiêu kinh doanh chỉ tăng trưởng 1 chữ số, trong đó doanh thu chỉ tăng 1% lên 135.000 tỷ đồng và lãi hợp nhất sau thuế tăng nhẹ 2% lên 4.200 tỷ đồng. MWG cho biết, những chỉ tiêu trên được đưa ra dựa vào tình hình thực tế giai đoạn hiện tại và giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực kể từ quý 3/2023. Thậm chí, ban lãnh đạo cho rằng có thể đưa ra điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thị trường thực tế trong nửa cuối năm.
Hay trong tài liệu đại hội của Digiworld (DGW), doanh nghiệp này bất ngờ “quay xe” hạ kế hoạch kinh doanh 2023, với mục tiêu doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 9% và 42% so với thực hiện 2022.
Nhịp Sống Thị Trường