MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu bán lẻ 'nổi sóng' nhờ kỳ vọng phục hồi hình chữ K

Cổ phiếu bán lẻ 'nổi sóng' nhờ kỳ vọng phục hồi hình chữ K

MWG và PNJ công bố kết quả kinh doanh kỷ lục trong tháng đầu năm.

Lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng khả quan trong năm 2022

Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu các doanh nghiệp bán lẻ tăng giá đáng kể. Trong đó FRT, PET và PNJ liên tục lập đỉnh mới, MWG chỉ cách đỉnh vài giá còn DGW đang hồi phục trở lại sau nhịp điều chỉnh.

Cụ thể, FRT tăng từ 77.000 đồng/cp lên 116.000 đồng/cp, tăng 50,6%; PET từ 35.000 đồng/cp lên 48.150 đồng/cp, tăng 37,4%. DGW tăng từ 89.000 đồng/cp lên 111.900 đồng/cp, tăng 25,7%; PNJ tăng 14,5% từ 96.000 đồng/cp lên 110.000 đồng/cp và MWG tăng 7,5% từ vùng 128.000 đồng/cp lên 137.700 đồng/cp.

Cổ phiếu bán lẻ nổi sóng nhờ kỳ vọng phục hồi hình chữ K - Ảnh 1.

Nguồn: TradingView

Đà tăng của cổ phiếu ngành bán lẻ có lẽ đến từ việc nền kinh tế dần mở cửa sau dịch bệnh khiến nhu cầu hồi phục mạnh, qua đó triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.

Cổ phiếu bán lẻ nổi sóng nhờ kỳ vọng phục hồi hình chữ K - Ảnh 2.

Nhu cầu tiêu dùng không thiết yếu kỳ vọng phục hồi theo mô hình chữ K.


Theo SSI Research, các biện pháp giãn cách gần như được dỡ bỏ hoàn toàn trên toàn quốc đã thúc đẩy việc giải phóng chi tiêu tiêu dùng bị dồn nén và nhu cầu du lịch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi trong tháng 1 khi tâm lý người tiêu dùng cải thiện và các hoạt động dịch vụ được nới lỏng, mặc dù số ca lây nhiễm Covid-19 vẫn duy trì ở mức cao.

Theo Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng cận Tết Nguyên Đán (tháng 1/2022) đạt 470.680 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 đạt 383.500 tỷ đồng, chiếm 81,5% tổng mức, tăng 7% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Một vài doanh nghiệp bán lẻ công bố kết quả kinh doanh khởi sắc tháng đầu năm. Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) công bố lập lỷ lục mới trong tháng 1 với hơn 16.000 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.300 tỷ đồng doanh thu online do mùa bán hàng cao điểm phục vụ Tết Nguyen Đán 2022 diễn ra trọn trong tháng đầu năm.

Trong đó, doanh số chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt cao nhất từ trước đến nay với 13.500 tỷ đồng nhờ chuẩn bị tốt hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng bán trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm; triển khai thành công các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng; chuẩn bị chu đáo về nguồn lực để đảm bảo năng lực giao hàng – lắp đặt không bị gián đoạn trong mùa cao điểm.

Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 2.400 tỷ trong tháng 1 nhờ nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết. MWG cũng cho biết doanh số BHX dự kiến sẽ thấp nhất trong tháng 2 do sức mua hàng tiêu dùng giảm mạnh ngay sau Tết và các chuỗi tích cực triển khai khuyễn mãi để xử lý hàng tồn kho.

Vàng bạc đá quý Phú Nhuận ( HoSE: PNJ ) công bố công bố doanh thu thuần tháng cận Tết Nguyên Đán đạt 3.476 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 270 tỷ đồng, tăng 60,7% và là mức cao nhất từ khi công bố lợi nhuận tháng. Nguyên nhân là do sự tăng trưởng mạnh từ kênh bán lẻ.

Cụ thể, doanh nghiệp đã đẩy mạnh chiến dịch Xuân 2022 sớm hơn mọi năm trong bối cảnh các hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi nổi vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán. Điều này giúp cho doanh thu bán lẻ tháng 1 tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước và tăng 25% so với tháng trước. Trong khi đó, doanh thu bán sỉ tăng 11,7% và vàng miếng tăng 90,3% so với cùng kỳ năm trước.

Digiworld ( HoSE: DGW ) kỳ vọng doanh thu quý I đạt 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, tăng trưởng 40% và 87% so với cùng kỳ năm trước.

Xét cho cả năm 2022, SSI Research dự báo lợi nhuận các công ty bán lẻ như MWG, Digiworl, FPT Retail, PNJ sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu tiêu dùng không thiết yếu phục hồi theo mô hình chữ K hậu Covid-19.

Một vài doanh nghiệp cũng tiết lộ kế hoạch kinh doanh tăng trưởng 2 chữ số năm nay. Như MWG lên kế hoạch doanh thu tăng 14% đạt 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 30% đạt 6.350 tỷ đồng năm 2022. Digiworld đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trên 22-25%.

Ngoài ra, cổ phiếu của FPT Retail ( HoSE:FRT ) còn tăng mạnh thời gian qua sau thông tin chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đã ký hợp đồng mua 1 triệu viên thuốc trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir hàm lượng 400 mg do Công ty Dược phẩm Boston Việt Nam, cùng Công ty Gonsa - nhà phân phối sản phẩm Stella tại Việt Nam sản xuất.

Giá bán dự kiến của một liệu trình 20 viên Molnupiravir 400mg cho 5 ngày uống thuốc sẽ chỉ trên dưới 300.000 đồng. Như vậy doanh thu dự kiến từ phân phối 1 triệu viên thuốc trên là khoảng 15 tỷ đồng.

Nhà thuốc Long Châu thuộc sở hữu của FPT Retail bên cạnh chuỗi bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số FPT Shop, F.Studio (chuyên kinh doanh sản phẩm chính hãng Apple).

MWG, DGW, FRT, PET tăng mạnh hàng tồn kho

Hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ hàng ICT (hàng công nghệ) đều ghi nhận giá trị hàng tồn kho tăng mạnh trong năm 2021. Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động – đơn vị thành viên của Đầu tư Thế Giới Di Động, do nhận định tình trạng thiếu cung một số mặt hàng công nghệ - điện tử sẽ còn tiếp diễn đến nửa năm 2022 và thậm chí kéo dài đến cuối năm nên công ty đã tích trữ hàng hóa, chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, MWG ghi nhận lượng hàng tồn kho trị giá 29.180 tỷ đồng, tăng thêm 9.758 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 46,4% tổng tài sản. Trong cơ cấu hàng tồn kho, thiết bị điện tử ghi nhận giá trị lớn nhất với 9.912 tỷ đồng, tăng thêm gần 2.900 tỷ đồng; điện thoại di động 5.769 tỷ đồng, tăng 66%; thiết bị gia dụng tăng 70% len 5.155 tỷ đồng.

Tương tự, Digiworld cho biết lượng hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm trước đạt 2.842 tỷ đồng, gấp 3,5 lần đầu năm. Trong đó, hàng hóa đạt 1.339 tỷ đồng, gấp 2,6 lần và hàng mua đang đi đường 1.470 tỷ đồng, gấp 4,7 lần.

FPT Retail ghi nhận hàng tồn kho tại ngày 31/12/2021 đạt 4.928 tỷ đồng, gấp 2,7 đầu năm, tỷ trọng hàng tồn kho trên tổng tài sản tăng từ 33% lên 46%. Giá trị hàng tồn kho của Petrosetco ( HoSE: PET ) tăng từ 784 tỷ đồng lên 1.453 tỷ đồng tính đến cuối năm trước.

SSI Research dẫn báo cáo Deloitte dự báo tình trạng thiếu chip có thể kéo dài đến đầu năm 2023. Song, nhu cầu điện thoại di động và máy tính xách tay vẫn tăng trong năm nay dù tốc độ chậm hơn mức tăng 2021. Khi đó, các thương hiệu cao cấp có thể tăng trưởng vượt trội hơn nhờ lợi thế công ty lớn có khả năng đàm phán tốt hơn để đảm bảo chip trong quá trình sản xuất.

Theo Ngọc Điểm

Người Đồng Hành

Trở lên trên