Cổ phiếu bất động sản tím cả "họ" xoa dịu nỗi đau chứng sĩ sau vụ "sập hầm" đấu giá Thủ Thiêm
Loạt cổ phiếu bất động sản "tím lịm" như làn gió ngược trong phiên đỏ lửa ngày 16/2
Sự hồi sinh của nhóm cổ phiếu bất động sản được đánh giá là "liều thuốc giảm đau" cho những nhà đầu tư sau khi nhóm cổ phiếu này đã có nhịp giảm mạnh trước Tết.
Dòng tiền đầu cơ lại nổi lửa ở nhóm cổ phiếu bất động sản
Loạt cổ phiếu bất động sản có đà tăng mạnh đi ngược thị trường phiên 16/2, nhiều cổ phiếu tăng trần sau chuỗi ngày giảm miệt mài kể từ khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá lô đất ở khu Thủ Thiêm. Lệnh mua dứt khoát hơn và khối lượng lớn thuyết phục. Ngay cả trong những thời điểm VN-Index đỏ lửa, nhóm cổ phiếu bất động sản đã giữ vững được sắc tím.
Giới đầu tư đánh giá đây là sự hồi sinh mãnh liệt của nhóm cổ phiếu bất động sản sau sự kiện "bom tấn" Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá 2,45 tỷ đồng/m2 ở khu Thủ Thiêm đầu tháng 1 vừa qua.
Lâu lắm rồi cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM mới tím và dư mua trần trở lại. CII mở phiên ngày 16/2 đã tăng mạnh, sau đó tăng trần lên 29.200 đồng/cổ phiếu với lực mua lớn. Ngay sau đó, cổ phiếu này đã "tím lịm" dư mua trần hàng triệu cổ phiếu. Thanh khoản của CII lên tới 11,3 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần hiếm hoi, xoa dịu nỗi đau của nhà đầu tư bị nhốt sàn hàng chục phiên, lỡ đua lệnh và kẹt CII ở vùng đỉnh 58.000 đồng/cổ phiếu trong cơn sốt đất Thủ Thiêm hồi tháng 1. Tuy nhiên đường về bờ với các chứng sĩ còn khá xa.
CII có kết quả kinh doanh không mấy tích cực dù sở hữu nhiều tài sản lớn, có giá trị. Quý 4/2021, CII gây bất ngờ khi báo lỗ lên đến 375 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lỗ hơn 31 tỷ đồng), khiến cả năm 2021 CII lỗ 341 tỷ đồng.
Công ty con của CII là Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã: NBB) cũng tăng trần lên 30.800 đồng/cổ phiếu với lượng dư mua trần lên tới 819.000 đơn vị, thanh khoản trên 2 triệu cổ phiếu. Cổ đông NBB đã được thở phào nhẹ nhõm sau chuỗi giảm điểm nhanh như "thang máy rơi" vừa qua từ vùng đỉnh 60.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 1.
Một số cổ phiếu bất động sản có phiên tăng trần ấn tượng sau nhiều phiên biến động trước đó như DIG tăng trần lên 84.400 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh 3,2 triệu đơn vị, CEO tăng trần 9,9% lên mức 66.900 đồng/cổ phiếu với 6,3 triệu đơn vị. Cả hai cổ phiếu DIG và CEO đều rơi từ vùng đỉnh lần lượt là 120.000 đồng - 100.000 đồng/cổ phiếu, sau đó có nhiều phiên biến động mạnh sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất khu Thủ Thiêm.
Dù không tăng trần nhưng L14 cũng bứt phá 9% lên mức 397.900 đồng/cổ phiếu.
Hai cổ phiếu tai tiếng thuộc hệ sinh thái FLC là FLC và ROS cũng tăng trần với lượng dư mua trần rất lớn. FLC tăng trần lên 12.500 đồng/cổ phiếu, dư mua trần 9.3 triệu đơn vị, khối lượng khớp lệnh trên 32,8 triệu cổ phiếu. ROS tăng trần lên 7.980 đồng/cổ phiếu.
Một số cổ phiếu có tính chất đầu cơ trong nhóm bất động sản khác như SCR, DRH, QCG…cũng tăng trần với lượng dư mua trần lớn.
Phiên 16/2 đánh dấu dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ rất mạnh khiến các cổ phiếu này hồi sinh. Sự hồi sinh của nhóm cổ phiếu bất động sản được đánh giá là "liều thuốc giảm đau" cho những nhà đầu tư đã bị kẹt tại Thủ Thiêm trong con "sóng thần’ của cổ phiếu bất động sản vừa qua.
Nỗi đau vơi đi với nhà đầu tư bị kẹt ở vùng đỉnh vừa qua. Dòng tiền đầu đã mạnh ở nhóm cổ phiếu bất động sản đầu cơ song bài học vẫn còn nóng hổi với những nhà đầu tư bất chấp đua lệnh hồi đầu tháng 1. Cú đua lệnh hồi đầu tháng 1 đã khiến nhiều chứng sĩ phải xa bờ, call margin, thậm chí mất nửa tài sản chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua. Nhiều chuyên gia tài chính cũng đã cảnh báo về điều này để nhà đầu tư tránh FOMO.
Tuy nhiên, sự hồi sinh này chỉ diễn ra ở nhóm đầu cơ là chủ đạo. Những doanh nghiệp bất động sản làm ăn tốt, kinh doanh có dòng tiền đều đặn, dự án đang triển khai lớn chỉ tăng nhẹ như NTL, NLG, KDH hay đứng im như VHM, KBC,…
Cổ phiếu bất động sản hồi sinh nhưng nhiều chứng sĩ đua lệnh hồi đầu tháng 1 vẫn xa bờ
Bất động sản tiềm năng năm 2022 nhưng phải là doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt, dự án lớn
Về dài hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản của các doanh nghiệp làm ăn tốt, có dòng tiền vẫn được đánh giá cao. Ông Michael Kokalari - chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn đầu tư VinaCapital vẫn đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu ngành bất động sản trong năm 2022.
Trong nhiều năm đầu tư ở Việt Nam, chiến lược của VinaCapital vẫn là xác định cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế. Mặc dù cũng quan tâm các cổ phiếu và các ngành được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, phát triển cơ sở hạ tầng hay năng lượng sạch, nhưng trong các lĩnh vực sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trong năm 2022, vị chuyên gia này đặc biệt đánh giá cao triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản và hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng cao nhờ những diễn biến tích cực của thị trường bất động sản sẽ là bàn đạp cho giá cổ phiếu bất động sản. Ông Michael Kokalari dự báo lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực bất động sản sẽ tăng khoảng 25% trong năm nay. Có hai lý do cho dự báo này. Thứ nhất, sau khi giảm 50% trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, doanh số bán căn hộ năm nay dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Thứ hai, những vướng mắc liên quan đến pháp lý bất động sản đang được tháo gỡ.
Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục lựa chọn kênh bất động sản để rót tiền. Giá căn hộ ở Hà Nội và TP.HCM đã tăng khoảng 10% trong năm 2021; đồng thời, nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư bị dồn nén trong thời gian qua sẽ dẫn đến sự gia tăng về số lượng đặt mua trước các dự án mới. Thậm chí, vị chuyên gia này còn tự tin khẳng định "dĩ nhiên giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022".
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản có thể sẽ tiếp tục trong năm 2022, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt cũng như các dự án lớn sẽ được bàn giao ngay vào 2022.
Vì vậy, nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những cái tên chất lượng, sở hữu những đặc điểm sau: 1) quỹ đất lớn, đặc biệt nằm ở các tỉnh lân cận và ngoại thành Hà Nội / TP HCM, đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng để mở bán trong 2022; 2) các sản phẩm có liên quan tới phân khúc căn hộ tầm trung và bình dân vì những phân khúc này được thúc đẩy bởi nhu cầu ở thực của người dân và 3) tăng trưởng lợi nhuận ròng bền vững và có thể mở rộng kinh doanh.
Đặc biệt, những quy định mới được ban hành trong 2020 như Nghị định 148, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Luật Đất đai sửa đổi sắp tới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các nút thắt trong vấn đề phê duyệt các dự án nhà ở và rút ngắn thời gian cấp phép. Thị trường BĐS dự báo sôi động trở lại sau một thời gian ảm đạm và khó khăn sẽ là động thúc đẩy đà tăng giá của cổ phiếu.
Bên cạnh những tiềm năng, VNDirect cũng đưa ra những rủi ro đối với cổ phiếu bất động sản trong dài hạn.
Thứ nhất, dịch bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo và bán hàng.
Thứ hai, giá nhà đất tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là tại khu vực ngoại thành, khiến gia tăng các mối lo ngại và có thể vượt khả năng của người mua nhà.
Thứ ba chi phí xây dựng có thể tăng cao trong 2021, đặc biệt giá thép đã tăng hơn 40%-45% so với cùng kỳ. Thép chiếm 12-15% tổng chi phí xây dựng (theo ước tính của các chuyên gia trong ngành), điều này sẽ kéo giá nhà tăng nếu giá vật liệu duy trì ở mức cao như hiện tại trong hai năm tới.
Thứ tư, đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, điều 75 của Luật Đầu tư chưa được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào đầu năm 2022. Theo đó, nếu dự án không có diện tích đất ở nào thì sẽ không thể triển khai nhà ở thương mại, khiến cho hàng trăm dự án sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp bị trì hoãn. Do đó, nút thắt này có thể sẽ bị kéo dài cho tới khi Luật Đất đai 2013 được sửa đổi.
Nhịp sống kinh tế