Cổ phiếu 'bất thình lình' tăng trần 8 phiên, giá lên gấp 3, doanh nghiệp gỗ lâu đời nhất Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
Những ngày qua, một cổ phiếu ngành gỗ bất ngờ tăng trần liên tục 8 phiên, thanh khoản cũng cải thiện đáng kể so với giao dịch èo uột trước đó.
- 15-03-2024Tỷ phú duy nhất tham dự Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế kiến nghị 5 vấn đề: Đầu tiên là "khoan sức dân"
- 15-03-2024Cận cảnh tòa nhà 1 tỷ USD ở Hà Nội của bà Trương Mỹ Lan
Cụ thể, mã TMW của CTCP Tổng hợp Gỗ Tân Mai đã tăng trần liên tiếp trong thời gian 27/2 đến 7/3/2023. Thị giá TMW theo đó đã tăng gần gấp 3 lần lên 18.600 đồng/cp.
Công ty cũng đã có giải trình nguyên nhân cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Gỗ Tân Mai cho biết sau thời gian giá cổ phiếu giảm mạnh do những ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán, cổ phiếu TMW đã nhận được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư dẫn đến nhu cầu thực tế trên thị trường chứng khoán tăng.
"Các quyết định giao dịch của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu TMW nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường", văn bản ghi.
Đà tăng của TMW gây chú ý, khi Công ty niêm yết nhiều năm song gần như không có thanh khoản. Chưa kể, tình hình kinh doanh của Gỗ Tân Mai cũng chưa có gì khởi sắc, thậm chí đang trong xu hướng sụt giảm.
Giai đoạn 2012 – 2016, Gỗ Tân Mai vẫn làm ăn tốt khi doanh thu hàng năm bình quân vào mức 300 tỷ đồng. Từ năm 2017, doanh thu Công ty bắt đầu sụt giảm và chính thức mất mốc 100 tỷ trong năm 2020. Đây cũng là năm thứ 2 Công ty lỗ nặng.
Cần biết, Gỗ Tân Mai có thể xem là doanh nghiệp lâu đời nhất ngành gỗ, với tiền thân là Công ty Tổng hợp Chế biến Gỗ Tân Mai - doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất chế biến gỗ được thành lập từ năm 1975. Đến tháng 3/2006 tiến hành cổ phần hóa, đổi tên thành CTCP Tổng hợp Gỗ Tân Mai trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, và từ đó đến nay vốn điều lệ vẫn giữ ở mức 46,62 tỷ đồng.
Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ván ép, ván ép coffa, ván veneer, hàng mộc và may mặc xuất khẩu. Trong đó, hàng mộc của công ty được xuẩt khẩu sang các nước như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Pháp. Sản phẩm may mặc xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường: Nhật, Đức, Nga và Đài Loan.
Gỗ Tân Mai cũng cho thuê kho và bắt đầu kinh doanh nông sản từ năm 2023. Dù mới kinh doanh, song năm 2024, theo kế hoạch ban lãnh đạo đề ra, nông sản dự mang về phân nửa doanh thu cho Công ty và gấp đôi doanh số từ mảng truyền thống là ván ép.
Năm 2023, Công ty ước tính tổng doanh thu hơn 50 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 9 tỷ đồng, - cao gấp đôi kế hoạch giao phó. Sang năm 2024, Công ty đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 63,7 tỷ và lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng.
Ngày 31/5 tới đây, Gỗ Tân Mai sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 10% (một cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Các năm trước đó, Công ty cũng đều đặn trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền với tỷ lệ từ 7 đến 30%.
Về cơ cấu vốn hiện tại, theo báo cáo quản trị công ty năm 2023, tại ngày 31/12/2023, Gỗ Tân Mai có ba cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng gần 87% vốn. Bao gồm:
+ Công ty TNHH Thanh Bình (sở hữu 47,01%);
+ Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (nắm giữ 33,12%);
+ Quỹ Đầu tư Phát triển Đồng Nai (nắm giữ 6,48%).
Trong đó, ông Phạm Đức Bình - Chủ tịch HĐQT Gỗ Tân Mai đồng thời là Chủ tịch HĐTV Thanh Bình (cổ đông lớn nhất hiện tại của Công ty).
An ninh Tiền tệ