Cổ phiếu BĐS đồng loạt nổi sóng, “trùm” đất Thủ Thiêm tăng kịch trần
Không chỉ đón nhận thông tin mới từ Thủ Thiêm, triển vọng ngành BĐS còn được đánh giá sẽ tích cực hơn nhờ nhiều yếu tố.
- 08-01-2024Bước đi đầu tiên của VinFast sau khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngồi ghế CEO: Ký MoU đầu tư nhà máy xe điện và pin tại Ấn Độ quy mô lên tới 2 tỷ USD, khởi công ngay 2024
- 08-01-2024Cổ phiếu "sừng sỏ" ngành chứng khoán có thể bị loại khỏi rổ VNFinLead ngay trong tháng 1
Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới đầy hưng phấn với sắc xanh lan toản rộng. Nhóm bất động sản (BĐS) cũng không đứng ngoài cuộc vui khi hàng loạt cổ phiếu như NVL, PDR, DIG, DXG,… đều tăng mạnh. Đặc biệt, "trùm" đất Thủ Thiêm CII còn tăng kịch trần "trắng bên bán" với thanh khoản lớn, qua đó leo lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 10 năm ngoái.
CII được biết đến khi sở hữu quỹ đất "khủng" hơn 96.000 m2, được UBND TP.HCM giao để thực hiện dự án khu đô thị mới, trong đó 90.078 m2 đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm sử dụng ổn định lâu dài để CII xây dựng nhà ở, còn lại 6.053m2 đất sử dụng 50 năm với mục đích xây văn phòng cho thuê.
Mới đây, trong chương trình "Dân hỏi - chính quyền thành phố trả lời", phát sóng trực tiếp trên HTV9 ngày 7/1, ông Huỳnh Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã cho biết UBND thành phố đã phê duyệt kế hoạch đấu giá các lô đất trong khu vực Thủ Thiêm, còn ngoài khu này sẽ được hoàn chỉnh lại.
Trong báo cáo chiến lược 2024, MBS cho rằng triển vọng ngành BĐS sẽ tích cực hơn nhờ các yếu tố (1) mặt bằng lãi suất về mức thấp tác động tích cực đến nhu cầu mua BĐS, (2) luật Đất Đai (sửa đổi) dự kiến thông qua góp phần giải quyết vướng mắc pháp lý, (3) rủi ro thanh khoản của các doanh nghiệp giảm khi thực hiện cơ cấu nợ vay. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức mà các doanh nghiệp BĐS phải đối mặt gồm các dự án bị đình trệ khiến nguồn cung giảm và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Theo MBS, hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2024 khi các doanh nghiệp cần cơ cấu để thực hiện dự án. Phát hành tăng vốn dự kiến là xu hướng huy động chủ yếu của doanh nghiệp trong 2024 do các ngân hàng đang thận trọng hơn khi cho vay BĐS.
Hơn nữa, tình hình M&A dự án sẽ sôi động hơn nhờ (1) doanh nghiệp cần bán tài sản để tồn tại khi sức khỏe tài chính yếu đi và (2) hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài được đẩy mạnh trong bối cảnh chi phí vốn rẻ hơn.
MBS đánh giá Phân khúc bất động sản trung cấp kỳ vọng là điểm sáng phục hồi trong năm 2024 khi những tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong nửa cuối 2023. Thiếu hụt nguồn cung phân khúc trung cấp và lãi suất về mức thấp sẽ kích thích nhu cầu tại phân khúc này nhờ nhu cầu ở thực lớn.