Cổ phiếu Big3 ngân hàng tăng mạnh phiên 19/1: BID lên cao kỷ lục, VCB áp sát đỉnh lịch sử
Tính chung từ đầu năm đến nay, tổng vốn hóa của 3 ngân hàng gốc quốc doanh đã tăng thêm gần 135.000 tỷ đồng.
- 13-01-2024Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng, mã nào tăng mạnh nhất tuần qua?
- 10-01-2024Cổ phiếu ngân hàng bứt tốc: Nhiều mã tiệm cận thậm chí vượt đỉnh, thanh khoản liên tục ở mức cao
- 10-01-2024Cổ phiếu ngân hàng dậy sóng phiên sáng ngày 10/1: BID xác lập đỉnh mới, thanh khoản SHB cao kỷ lục
Thị trường chứng khoán phiên 19/1 chứng kiến diến biến sôi động của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi đây là "thỏi nam châm" hút tiền chính và là trụ cột giúp VN-Index đóng cửa tuần tăng hơn 1% lên mức 1.181,5 điểm.
Kết phiên, nhóm cổ phiếu ngân ghi nhận 18 mã tăng, 8 mã đứng giá tham chiếu và duy nhất 1 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu của nhóm ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank bật tăng mạnh mẽ, là động lực chính kéo điểm toàn thị trường.
Cụ thể, ngành ngân hàng đóng góp 7/10 mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index phiên hôm nay. Riêng bộ ba VCB, BID và CTG kéo chỉ số này tăng gần 7 điểm.
Kết phiên, BID của BIDV "xanh" gần 5% và xác lập đỉnh mới tại 49.850 đồng/cp với thanh khoản duy trì ở mức cao. Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu của BIDV đã tăng gần 40% và tăng 15% kể từ đầu năm. Nhịp tăng này giúp vốn hóa BIDV hiện đạt trên 284.000 tỷ đồng (tương đương 11,5 tỷ USD), chỉ đứng sau Vietcombank và bỏ xa doanh nghiệp đứng kế sau là Vinhomes (187.500 tỷ đồng).
CTG của VietinBank phiên hôm nay cũng bật tăng gần 3,5% với thanh khoản đạt hơn 14 triệu cổ phiếu, cao gấp rưỡi phiên hôm qua. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 20% và chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 10%. Vốn hóa của VietinBank hiện đạt hơn 175.000 tỷ, tăng gần 30.000 tỷ chỉ trong 3 tuần giao dịch đầu năm 2024.
VCB của Vietcombank cũng thể hiện phong độ ấn tượng khi bước sang phiên "xanh" thứ ba liên tiếp với mức tăng gần 1,7%. Đóng cửa phiên 19/1, cổ phiếu này dừng ở mức 92.600 đồng/cp, tăng hơn 15% so với cuối năm 2023 và chỉ còn cách đỉnh lịch sử chưa đầy 1%. Với diễn biến này, giá trị thị trường của Vietcombank hiện đạt trên 517.500 tỷ, tăng thêm gần 67.500 tỷ kể từ đầu năm.
Cổ phiếu nhóm Big3 có diễn biến tích cực ngay từ đầu năm trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2023 của các ngân hàng này nhiều khả năng sẽ tích cực hơn so với mặt bằng chung toàn ngành.
Tại hội nghị tổng kết mới đây, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này năm 2023 tăng tăng 10,2% so với năm 2022 và hoàn thành kế hoạch được giao. Lãnh đạo Vietcombank không công bố con số cụ thể song ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng và lãi riêng lẻ hơn 36.702 tỷ đồng trong năm 2022 .
Ước tính trên những số liệu này, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2023 có thể khoảng 41.200 tỷ đồng và lợi nhuận riêng lẻ vượt 40.400 tỷ đồng. Kết quả này giúp Vietcombank đã xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng và bỏ xa các nhà băng trong nhóm Big4 như BIDV, VietinBank và Agribank.
BIDV cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong năm 2023 với nhiều các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 26.750 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế Khối Công ty con đạt 1.290 tỷ đồng, Khối Liên doanh đạt 945 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng.
Còn tại VietinBank, lợi nhuận của ngân hàng này năm 2023 cũng đã vượt kế hoạch đề ra, cán mốc tỷ USD.
Theo giới chuyên môn, 2023 được coi là năm khó khăn của ngành ngân hàng và trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động, nhóm Big3 có lợi thế hơn các ngân hàng cổ phần tư nhân.
Cụ thể, các ngân hàng này thường có quy mô lớn và hoạt động ổn định vì vậy sẽ thu hút được các nguồn tiền có chi phí rẻ hơn so với mặt bằng chung, giúp các ngân hàng này có lợi thế hơn về chi phí vốn so với nhóm còn lại. Đồng thời chi phí đầu vào thấp nhất ngành cũng tạo tiền đề cho nhóm Big3 thu hút được các khách hàng chất lượng thông qua lãi suất cho vay cạnh tranh, qua đó duy trì được sự tăng trưởng của thu nhập lãi thuần.
"Khi thị trường biến động, ngân hàng nào có quy mô lớn và có uy tín cao thì ngân hàng đó sẽ có lợi thế", một lãnh đạo ngân hàng nhận định.
Ngoài những lợi thế vốn có, cổ phiếu ngành ngân hàng nói chung và nhóm Big3 nói riêng cũng được hưởng lợi từ những thông tin tích cực về tăng trưởng tín dụng cũng như các chính sách hỗ trợ ngay từ đầu năm.
Đầu năm 2024, NHNN cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Cơ chế giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024 có sự khác biệt với các năm trước - vốn được NHNN chia thành nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room.
Nói về sự thay đổi này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành. Đây cũng mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.
Về chính sách, NHNN cũng vừa ban hành Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực từ 01/07/2024, được đánh giá là ảnh hưởng tích cực tới nhiều ngân hàng khi hỗ trợ khả năng tăng trưởng tín dụng.
Mới đây, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng vừa được Quốc hội thông qua với các quy định quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý giúp hạn chế tình trạng thao túng, tiêu cực, “sân sau’’, kiểm soát rủi ro, xử lý nợ xấu cho ngành ngân hàng...
NHNN hiện cũng đang xem xét việc gia hạn thời gian triển khai Thông tư 02 trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi, doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ từ chính phủ. Việc kéo dài thời hạn hiệu lực của thông tư giúp cho quá trình trích lập và xử lý nợ xấu của các ngân hàng diễn ra từ từ, không ảnh hưởng đến nền tảng tài chính. Từ đó, áp lực suy giảm chất lượng tài sản được giảm bớt trong nửa cuối năm 2024 và 2025.