Cổ phiếu của công ty cung cấp sơn cho Hòa Phát, Hoa Sen tăng gần gấp đôi từ đầu năm
Sơn Hải Phòng (HPP) đã và đang cung cấp sản phẩm sơn tấm lợp cho nhiều khách hàng lớn như CTCP Tôn Hoa Sen, CTCP tập đoàn Hòa Phát, CTCP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long – Hà Nội, CTCP Tôn Vikor.
Thời gian gần đây, thị trường ghi nhận sự bứt phá mạnh của nhóm cổ phiếu thép khi nhu cầu các sản phẩm thép, tôn mạ tăng cao trong nước. Cùng với sự thăng hoa của nhóm thép, cổ phiếu HPP của CTCP Sơn Hải Phòng cũng bứt phá mạnh khi ngành nghề kinh doanh được hưởng lợi gián tiếp từ sự tăng trưởng của ngành thép.
Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát, Hoa Sen
Sơn Hải Phòng tiền thân là Xí nghiệp hóa chất sơn dầu, chính thức đi vào hoạt động theo mô hình CTCP vào năm 2004 với lượng vốn điều lệ khi đó là 20 tỷ đồng. Tháng 8/2010, Sơn Hải Phòng niêm yết trên sàn Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 55.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty chủ yếu sản xuất và kinh doanh sơn các loại như sơn tàu biển, sơn công nghiệp, sơn chống cháy… cùng với kinh doanh vật tư, thiết bị, hóa chất thông thường. Đáng chú ý, HPP đã và đang cung cấp sản phẩm sơn tấm lợp cho nhiều khách hàng lớn như CTCP Tôn Hoa Sen, CTCP tập đoàn Hòa Phát, CTCP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long – Hà Nội, CTCP Tôn Vikor. Sơn Hải Phòng hiện đang có 2 công ty con và 4 công ty liên kết.
Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn đối với tất cả các doanh nghiệp trong nước và thế giới, hầu hết các Công ty đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự quyết liệt, năng động và đồng lòng của Ban điều hành và cán bộ công nhân viên , HPP đã đạt được kỳ tích trong doanh thu và lợi nhuận.
Ấn tượng nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ của lợi nhuận thuần khi tăng tới 27% dù doanh thu thuần hợp nhất chỉ tăng gần 7% lên mức 854 tỷ đồng. Chủ yếu nguyên nhân đến từ việc tỷ lệ tăng của giá vốn hàng bán nhỏ hơn so với tỷ lệ tăng doanh thu. Lãi trước thuế hợp nhất đạt 110,6 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí thì HPP có lãi 105,3 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với thực hiện năm 2019. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của công ty thuộc hàng cao nhất trên thị trường, đạt gần 12.586 đồng/cổ phiếu.
Trong năm, HPP tiếp tục giữ vững thế mạnh về mảng sơn tàu biển, sơn dân dụng và đại lý, sơn công nghiệp, nhựa Alkyd với sản lượng đạt gần 10.400 tấn, tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
HPP hiện tại chiếm khoảng 60% thị phần sơn tàu biển. Sản phẩm sơn tàu biển của HPP nổi trội do được cổ đông lớn là Tập đoàn sơn tàu biển Chugoku chuyển giao công nghệ về việc sản xuất dòng sơn này. Chugoku là tập đoàn sơn tàu biển nổi tiếng thế giới với hơn 100 năm lịch sử, hiện đang nắm giữ 10% cổ phần của HPP.
Đáng chú ý, HPP trong năm 2020 đã ký hợp đồng cung cấp sơn cho Tập Đoàn Hòa Phát để phục vụ cho mảng container và tàu biển của Tập đoàn này.
Với mục tiêu làm chủ thị trường ngách, hệ thống HPP đã hơn 120 đại lý trải dài khắp cả nước, sản phẩm được phân phối nhanh chóng và hiệu quả.
Trong năm, HPP có các khoản tăng tài sản cố định bao gồm: chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 4,6 tỷ từ dự án xây dựng nhà nấu nhựa Alkyd; các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác tăng 28,4 tỷ do khoản ủy thác cho Công ty cổ phần tập đoàn VLC đầu tư và một số trái phiếu ngân hàng nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Tổng đầu tư trong năm đạt 5,73 tỷ đồng, chủ yếu dành cho khoản mục máy móc thiết bị, bên cạnh đó là nhà cửa và thiết bị thí nghiệm.
Không chỉ tăng trưởng mạnh về hoạt động kinh doanh, HPP cũng là doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền rất cao, thường quanh ngưỡng 30%.
Thị giá cổ phiếu tăng trưởng 95% từ đầu năm 2021
Với điều kiện hơn 3.000km đường biển của Việt Nam, ngành hàng hải vẫn luôn đóng vai trò mũi nhọn, giúp tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Đặc biệt, với vị trí chiến lược nhiều cảng biển ở Hải Phòng, Sơn Hải Phòng được thừa hưởng sự tăng trưởng mạnh của ngành cũng như của nền kinh tế. Điều này cho thấy triển vọng của HPP trong những năm tới là rất triển vọng.
Sang năm 2021, HPP đặt kế hoạch với doanh thu công ty mẹ đạt 770 tỷ đồng tương đương mức tăng 10%; lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 100 tỷ đồng, gần sát với với mức 104 tỷ đồng thực hiện trong năm 2020. Mức cổ tức chi trả dự kiến năm 2021 vẫn giữ tại 30%.
HPP lên kế hoạch sản lượng Sơn, Nhựa Alkyd tiêu thụ đạt 12.000 tấn, so với thực hiện của năm 2020 thì tăng trưởng 1,2 lần. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu cho hợp đồng với Hòa Phát, Sơn Hải Phòng dự kiến nâng công suất sản xuất lên gấp 5 lần trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Theo đó, HPP lên mục tiêu xây dựng thị trường sơn dân dụng làm chủ đạo đồng thời củng cố vững chắc các đại lý đang có và mở thêm từ 20 – 25 đại lý mới. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục giữ vững thị trường sơn tàu biển trước sự cạnh tranh của các hãng sơn.
Song song với đó, công ty định hướng tiếp cận các đơn vị sản xuất thép tiền chế, các dự án cầu đường, thủy điện, toa xe,… nhằm nâng cao doanh thu sơn công nghiệp. Thị trường xuất khẩu nhựa Alkyd phấn đấu mở rộng thêm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu HPP biến động khá tích cực, hiện đang trong vùng giá lịch sử. Chốt phiên 19/5, giá đóng cửa HPP đạt 78.000 đồng/cổ phiếu. So với mức thị giá 40.000 đồng đầu năm 2021, cổ phiếu đã tăng trưởng 95%.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị