Cổ phiếu của "Quốc tửu" Trung Quốc tăng 123% chỉ trong vòng 1 năm, vốn hoá còn cao hơn cả Pepsi và Boeing
Theo Bloomberg, cổ phiếu của Quý Châu Mao Đài đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm ngoái và tiếp tục chạm mức đỉnh mới. Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhà phân tích, thì đà tăng của nhà sản xuất "bạch tửu" có thể sẽ chững lại.
- 22-10-2019Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ về số lượng startup kỳ lân
- 21-10-2019Deutsche Bank bị cáo buộc sử dụng chiêu trò để làm ăn ở Trung Quốc: Hối lộ quà xa xỉ hàng chục nghìn đô, tuyển dụng con ông cháu cha dù năng lực yếu kém
- 21-10-2019Tình hình hiện nay có thể biến Nga và Trung Quốc trở thành "bạn thân" được hay không?
Đà tăng 123% kể từ tháng 10/2018 đã đưa mức vốn hoá của công ty này lên 208 tỷ USD, giúp cho Quý Châu Mao Đài trở thành công ty sản xuất rượu có giá trị nhất thế giới và là một trong những công ty niêm yết lớn nhất của Trung Quốc. Trong năm nay, cổ phiếu của Mao Đài đã 28 lần leo lên mức cao nhất mọi thời đại, trong bối cảnh các nhà đầu tư rót tiền vào một cổ phiếu được coi là "hầm trú ẩn" an toàn.
Ngoài ra, điều đó cũng khiến cổ phiếu này lên giá, hiện đóng cửa ở mức P/E trượt 1 năm là gần 30 lần. Đây là mức định giá trần của Mao Đài trong vòng một thập kỷ qua, trước đó cổ phiếu này nhiều lần giảm hơn 10% khi chạm gần sát mức định giá này.
Hơn nữa, kết quả kinh doanh quý III của nhà sản xuất rượu cũng là điều không chắc chắn, khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã chậm lại kể từ đầu năm nay. Trong số 42 nhà phân tích được khảo sát, có tới 40 người khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này. Tuy nhiên, giá mục tiêu của Mao Đài có thể sẽ chỉ tăng 8% trong vòng 12 tháng tới.
Cổ phiếu của Mao Đài nhiều lần "bốc hơi" trước khi đạt mức định giá P/E ở hiện tại.
Allen Cheng đến từ Morning Star nhận định: "Đà tăng của cổ phiếu này không ổn định. Công ty có nền tảng rất tốt, nhưng mọi thứ được thể hiện từ giá cổ phiếu hiện tại và rất khó có thể mong đợi rằng sự bứt phá tiếp tục kéo dài."
Loại rượu Phi Thiên (với độ cồn 53%) của Mao Đài có giá khoảng 1.500 tệ (212 USD)/chai, hoặc có thể còn cao hơn. Đây là loại rượu được coi là "quốc tửu" của Trung Quốc và chủ yếu được sử dụng làm quà tặng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Mao Đài được coi là một "lá chắn" giúp nhà đầu tư tránh được những rủi ro về kinh tế và địa chính trị. Kể từ giữa năm 2015, cổ phiếu này đã tăng gấp 7 lần, đưa mức vốn hoá của công ty này lên vị trí cao hơn cả những công ty như Pepsi và Boeing.
Dẫu vậy, mức định giá của Mao Đài đạt đến mức định giá P/E của hiện tại sau khi trải qua 3 lần "ngấp nghé" trong quá khứ - mỗi lần đều sụt giảm. Khi mức giá dự tính đạt mức 29,5 vào tháng 8/2009, thì cổ phiếu này đã giảm 12% chỉ trong 1 tuần. Khi vượt qua ngưỡng 30 vào tháng 11/2010, cổ phiếu Mao Đài giảm 20% trong 6 tuần sau đó. 7 năm sau, "Quốc tửu" của Trung Quốc mất 14% trong chưa đầy 2 tuần khi chạm gần mức 30.
Sau một khoảng thời gian dài, cổ phiếu của nhà sản xuất rượu đã hồi phục từ mức giảm mạnh trước đó và các nhà phân tích đang dự đoán rằng tình trạng tương tự sẽ xảy ra vào lần này. Kể từ khi đạt được mức đỉnh vào ngày 15/10, cổ phiếu Mao Đài đã mất 3,5%.
Theo Mark Huang, một nhà phân tích của Bright Smart Securities, nỗ lực thay đổi, chuyển sang hoạt động bán hàng trực tiếp từ mô hình nhà phân phối có thể gây áp lực về ngắn hạn đối với giá cổ phiếu. Hiện tại, Mao Đài đã giảm bớt một số nhà phân phối, một nhà phân tích từ Sanford C Bernstein cho biết công ty này đang gặp khó khăn khi thay thế những đối tác này.
Tuy nhiên, theo Huang, vị thế là nhà sản xuất rượu lớn nhất Trung Quốc vẫn là bước đệm cho cổ phiếu về lâu dài. Nếu điều đó diễn ra, thì đó là tin tốt lành đối với các nhà đầu tư của quỹ ETF Global X MSCI China Consumer Staples - vốn đã đầu tư 10% danh mục quỹ vào cổ phiếu này và tăng 40% trong năm nay. Quỹ này nằm thuộc top 10 có diễn biến tốt nhất trong số 1.911 quỹ ETF không sử dụng đòn bẩy của Mỹ năm 2019.