MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu dầu khí còn triển vọng?

Cổ phiếu dầu khí còn triển vọng?

Cổ phiếu dầu khí nóng lên nhờ tiến độ dự án Lô B sớm hơn dự kiến.

Cổ phiếu ngành dầu khí thể hiện sự tích cực trong thời gian gần đây, bất chấp việc giá dầu thô vẫn trong xu hướng giảm nhẹ.

Cổ phiếu dầu khí nóng lên nhờ tiến độ dự án Lô B sớm hơn dự kiến

Cổ phiếu dầu khí ghi nhận đà tăng tích cực trong 2 tháng trở lại đây, trước khi điều chỉnh theo thị trường chung và đà lao dốc của giá dầu. Các mã đại diện trong ngành đều tăng mạnh, điển hình như GAS (19%), PVS (14%), PVC (34%) và cao nhất là PVD (41%). Nếu không tính 2 phiên thị trường điều chỉnh sâu 7 - 8/9, những tỷ lệ kể trên còn ấn tượng hơn rất nhiều.

Cổ phiếu dầu khí còn triển vọng? - Ảnh 1.

Nhiều cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong 2 tháng gần đây (7/7 - 8/9). Nguồn: FireAnt

Giới phân tích cho rằng diễn biến này ảnh hưởng đáng kể từ thông tin tiến độ dự án Lô B - Ô Môn sớm hơn dự kiến. Dự án có thể sẽ được phê duyệt quyết định FID sớm nhất vào quý IV/2022 do dự án hạ nguồn trọng điểm của dự án Lô B, nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn III, đã được phê duyệt đầu tư vào đầu tháng 8/2022.

Lô B - Ô Môn là một trong những dự án khai thác khí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Theo PVN, ước tính khoảng 19,23 tỷ USD sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước trong vòng đời 20 năm của dự án (từ dự án thượng nguồn và đường ống dẫn khí). Ngoài ra, 4 nhà máy điện khí tại Ô Môn với tổng công suất 3.810MW sẽ bổ sung nguồn cung điện cho khu vực miền Nam trong tương lai.

Cổ phiếu dầu khí còn triển vọng? - Ảnh 2.

Dự án hiện tại và tiềm năng sản xuất khi tự nhiên theo khu vực.

Nhu cầu khí để sản xuất điện sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới do Dự thảo Quy hoạch Điện 8 đặt mục tiêu biến nhiệt điện khí trở thành nguồn điện chủ lực cho đến năm 2030 nhờ tính ổn định và tương đối thân thiện với môi trường so với nhiệt điện than, chiếm 23% tổng công suất hệ thống vào năm 2030 (từ mức 12% hiện nay). Vì vậy, việc triển khai dự án phát triển mỏ khí Lô B - Ô Môn có tính cấp thiết, đặc biệt khi quyền tự chủ nguồn cung khí là vô cùng quan trọng sau cuộc khủng hoảng khí tự nhiên gần đây trên phạm vi toàn cầu.

Cổ phiếu dầu khí còn triển vọng? - Ảnh 3.

Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Nguồn: PVN

Dự án Lô B được kỳ vọng sẽ hồi sinh ngành dịch vụ E&P của Việt Nam và Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, HNX: PVS ) sẽ hưởng lợi. Khi dự án được thông qua, PTSC có thể sẽ nhận được hợp đồng tiềm năng trong giai đoạn 2023 - 2025 với tư cách là nhà thầu EPC chính.

PV Drilling ( HoSE: PVD ) sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi đáng kể dựa vào khối lượng công việc lớn. Ở nhóm thượng nguồn, PVChem ( HNX: PVC ) sẽ cung cấp các dung dịch khoan hỗ trợ hoạt động khoan và khai thác dự án.

Với công việc lắp đặt, đấu nối các tuyến ống nội mỏ và đường ống ngoài khơi về bờ cung như dọc bờ hay bọc ống, các đơn vị như PV Pipe, PV Coating ( HNX: PVB ) hay PV Gas ( HoSE: GAS ) sẽ được hưởng lợi. PV Gas, nhà đầu tư chính của dự án đường ống Lô B, sẽ vận chuyển tối đa 7 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, tương đương khoảng 70-80% sản lượng khí đường ống hiện tại của Việt Nam.

Cổ phiếu dầu khí còn triển vọng? - Ảnh 4.

Hoạt động bọc ống của PV Coating. Ảnh: PVN

Những rủi ro có thể gây “bỏng” khi đầu tư cổ phiếu dầu khí

Dự án trọng điểm Lô B sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ cần có độ trễ để phản ánh lên hoạt động kinh doanh. Với kế hoạch đón dòng khí đầu tiên (first gas) vào cuối 2025, phải đến giai đoạn 2024 - 2025 mới là thời điểm thể hiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, rủi ro là sự chậm trễ trong việc phê duyệt đầu tư dự án và trao thầu EPC. Điều này không phải lo thừa nếu nhớ lại ban đầu, dự án Ô Môn III bị trì hoãn do chi phí đầu tư cao hơn dự kiến và chính phủ Nhật Bản không sẵn sàng mở rộng quy mô các khoản vay ODA cần thiết để hoàn thành dự án. Việc chậm tiến độ dự án hạ lưu trọng điểm đã khiến các dự án thượng lưu bị chậm tiến độ trong một thời gian khá dài.

Cổ phiếu dầu khí đang "dậy sóng" trước thông tin tích cực từ tiến độ dự án Lô B. Do đó, nếu yếu tố này có những thay đổi theo chiều hướng bất lợi, các cổ phiếu hoàn toàn có thể gặp áp lực bán mạnh trong ngắn hạn.

Bức tranh kinh doanh của ngành dầu khí đã khởi sắc rõ rệt trong nửa đầu năm 2022. Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành dầu khí ghi nhận tăng trưởng cả trong quý I và quý II. Kết quả này đến từ nhiều nguyên nhân như giá dầu leo dốc, nền so sánh thấp của cùng kỳ năm 2021 và sự hồi phục sản lượng năm nay. Riêng trong quý II, lợi nhuận các doanh nghiệp dầu khí niêm yết đạt khoảng 15.300 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ.

Lọc hóa Dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR ) đã hoàn thành chỉ tiêu cả năm trong 6 tháng. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt đạt 87,2 ngàn tỷ và 12,5 ngàn tỷ đồng, tăng 78% và 252% (gấp 3,5 lần) so với cùng kỳ. Trong tháng 7, sản lượng và doanh thu của Bình Sơn lần lượt đạt 0,5 triệu tấn và 11,3 ngàn tỷ đồng. Hiện 2 nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn đáp ứng khoảng 70 - 75% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Dầu nhập khẩu từ Algeria hiện chiếm khoảng 15% nguồn cung của Lọc hóa Dầu Bình Sơn và neo theo giá dầu Brent. Công ty kỳ vọng crack spread và giá dầu sẽ tăng trở lại từ tháng 8 đến tháng 12/2022. Mục tiêu 6 tháng cuối năm về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 3,2 triệu tấn, 46 ngàn tỷ đồng và 738 tỷ đồng.

Nhờ giá năng lượng tăng vọt trong 6 tháng đầu năm, PV Gas tăng 35% doanh thu so với cùng kỳ lên trên 54 ngàn tỷ và lợi nhuận ròng gần gấp đôi đạt 8,5 ngàn tỷ đồng. Riêng trong quý II, sản lượng tiêu thụ khí khô không biến động song giá năng lượng toàn cầu tăng vọt giúp doanh thu lợi nhuận PV Gas tăng mạnh mẽ. Công ty hiện sở hữu sức khỏe tài chính lành mạnh và dòng tiền mạnh mẽ, tạo tiền đề triển khai các dự án trọng điểm như kho cảng LNG và đường ống Lô B - Ô Môn.

Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu tươi sáng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp dầu khí kinh doanh thua lỗ hay sụt giảm đáng kể lợi nhuận. Việc đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp này đòi hỏi sự thận trọng hơn nhiều so với những cái tên có lợi nhuận tăng trưởng.

Như trường hợp của PV Drilling, sau quý I lỗ 56 tỷ, công ty tiếp tục công bố khoản lỗ hơn 60 tỷ đồng trong quý II. Tổng cộng nửa đầu năm, công ty đã ghi lỗ hơn 116 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối tháng 6 còn 953 tỷ đồng, giảm phân nửa so với thời điểm 31/12/2021.

Theo Chứng khoán Mirae Asset đánh giá PV Drilling đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong năm. Hoạt động cho thuê giàn khoan tại khu vực Đông Nam Á đang hồi phục rất ấn tượng, đồng thời hiệu suất cho thuê tăng lên 90% cho thấy triển vọng sáng hơn trong nửa cuối năm. Về phía doanh nghiệp, tất cả các giàn của PV Drilling hiện đã có hợp đồng thuê đến cuối năm 2022, doanh nghiệp hiện cũng đã phải thuê thêm giàn bên ngoài để đáp ứng nhu cầu cho thuê.

Cổ phiếu dầu khí còn triển vọng? - Ảnh 5.

PVD thua lỗ 116 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Một trường hợp khác là NSH Petro ( HoSE: PSH ), doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu báo lỗ 248 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 có lãi 96 tỷ đồng. NSH Petro giải trình nguyên nhân do giá xăng dầu trên thế giới và trong nước tăng cao so với hơn cùng kỳ năm trước, làm ảnh hưởng đến giá thành nguyên liệu đầu vào của công ty. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay, chi phí quản lý cũng gia tăng mạnh.

Dư thừa nguồn cung, giá dầu khó tăng cao trong giai đoạn cuối năm

Doanh nghiệp dầu khí chịu tác động khác nhau trước sự tăng giảm của giá dầu thô. Song, giới đầu tư cổ phiếu dầu khí vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt trước diễn biến của loại hàng hóa đặc biệt này.

Mới đây ngày 5/9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) quyết định giảm sản xuất thêm 100.000 thùng một ngày kể từ tháng 10. Động thái này trái ngược với quyết định tăng sản lượng 100.000 tấn một ngày trong tháng 9 mà OPEC+ đưa ra tháng trước. Nhìn lại vào năm ngoái, OPEC+ từng đưa ra kế hoạch sẽ tăng sản lượng sản xuất lên mức trước dịch. Đến hiện tại, con số này chỉ thấp hơn khoảng 2 - 3 triệu tấn một ngày, mục tiêu OPEC+ đã tương đối khả thi.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo năm nay sẽ xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung dầu. Khi lạm phát cao, các nhu cầu dầu sẽ giảm trong khi nguồn cung đang trong xu hướng tăng. Hiện tại phía Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách Zero-Covid làm nhu cầu dầu khá yếu. Giá dầu thô Brent vào cuối năm có thể dao động 90 - 100 USD/thùng.

Giá dầu dự kiến chững lại hoặc không tăng nhiều, song cũng đã là mức khá tốt hỗ trợ triển vọng đầu tư các dự án mới trong khu vực, điển hình với Việt Nam là Lô B - Ô Môn và một số dự án ở Brunei bắt đầu triển khai thăm dò 2 dự án Merbah Deep-1 và Jagus Subthrust-1 đẩy mạnh nhu cầu thuê giàn khoan và cung ứng thiết bị trong khu vực.

Theo Bạch Khôi

Người Đồng Hành

Trở lên trên