Cổ phiếu "dậy sóng” nhờ kỳ vọng đầu tư công, doanh nghiệp nhựa đường thị phần hàng đầu Việt Nam làm ăn ra sao trong quý 1?
Sau quý đầu năm, doanh nghiệp mới hoàn thành được 22% mục tiêu doanh thu và gần 21% mục tiêu về lợi nhuận.
- 01-05-2023Tổng công ty Thép (VnSteel) báo lãi giảm 65% trong quý 1
- 01-05-2023Xây dựng Hoà Bình (HBC) lỗ sau thuế 445 tỷ đồng trong quý 1
- 01-05-2023Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu BĐS hút tiền, một mã tăng tốc sau khi báo lãi tăng gấp 30 lần trong quý 1
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP (mã chứng khoán PLC) cho biết, doanh thu thuần đạt hơn 1.968 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí giá vốn giảm tới 7% dẫn dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 249 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; biên lãi gộp ghi nhận 13%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính đạt hơn 17 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tương tự, chi phí tài chính cũng tăng mạnh tới 54% lên mức 34 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.
Khấu trừ các khoản chi phí khác, Hóa dầu Petrolimex còn lãi sau thuế hơn 33 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện quý 1/2022.
Là doanh nghiệp có thị phần nhựa đường số 1 Việt Nam, doanh thu từ mảng hoạt động này luôn chiếm tỷ trọng cao, dao động 40-48% trong giai đoạn 2020-2022. Sang quý 1/2023, doanh thu từ mảng Nhựa đường chiếm xấp xỉ 53% tổng doanh thu, đóng góp tới 1.040 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước đó. Theo sau là mảng Hóa chất cũng đóng góp 26% tổng doanh thu và hơn 20,8% doanh thu đến từ mảng Dầu mỡ nhờn.
Năm 2023, Hóa dầu Petrolimex đặt kế hoạch doanh thu thuần 2023 đạt 8.904 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng lần lượt tăng gần 4% và 37% so với thực hiện cùng kỳ. Sau quý đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành được 22% mục tiêu doanh thu và gần 21% mục tiêu về lợi nhuận.
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của PLC ghi nhận 4.392 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm, phần lớn là tài sản ngắn hạn. Doanh nghiệp có 645 tỷ đồng tiền và tiền gửi, chiếm 15% tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt hơn 1.458 tỷ và hàng tồn kho đạt 1.305 tỷ, chiếm lần lượt 33% và 30% cơ cấu tổng tài sản.
Về phần nguồn vốn, nợ phải trả ghi nhận tới 3.130 tỷ đồng, 99,8% là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của PLC có giá trị lên tới 1.872 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ, công ty không vay nợ dài hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết quý 1 đạt trên 55 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, kỳ vọng hoạt động kinh doanh khởi sắc nhờ hưởng lợi "sóng" đầu tư công đã giúp cổ phiếu PLC có quãng tăng giá tích cực hơn 140% kể từ đáy hồi giữa tháng 11/2022. Tuy nhiên, cổ phiếu này có dấu hiệu chững lại thời gian gần đây, chốt phiên 27/4, thị giá PLC dừng ở mức 31.400 đồng/cp.
Nhịp sống thị trường