MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu dệt may “nhờn thuốc” với CPTPP?

Doanh nghiệp dệt may được dự báo sẽ hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chính vì vậy, ngay khi 11 nước, trong đó có Việt Nam, đặt bút ký vào CPTPP, nhóm CP dệt may cũng trong tình trạng “nhấp nhổm” khiến NĐT gặp khó khăn trong các quyết định đầu tư.

Quy mô thị trường 4,8 tỷ USD

CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ra đời nhằm thay thế TPP sau khi Hoa Kỳ rút lui. Mặc dù không còn Hoa Kỳ - nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng CPTPP giữa Việt Nam và 10 quốc gia còn lại là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore vẫn được coi là Hiệp định Thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây.

Dự kiến, CPTPP sẽ có hiệu lực trong năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019. Lợi ích mà Việt Nam kỳ vọng được hưởng từ CPTPP bao gồm GDP tăng 1,32%, xuất khẩu với CPTPP tăng thêm 4%, nhập khẩu tăng thêm 3,8%. Trong đó, lĩnh vực được hưởng lợi nhất bao gồm các ngành thâm dụng lao động như da giày, thủy sản, logistics, bất động sản và đặc biệt là ngành dệt may.

Việc nhóm CP đã tăng mạnh trước sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2017 lại là yếu tố kìm hãm đà tăng của CP dệt may trong đợt sóng CPTPP lần này. Thực tế, dù đặt nhiều kỳ vọng vào CPTPP nhưng tác động tích cực chỉ có thể đến từ năm 2019. Đây chính là những lý do khiến cho NĐT chưa vội giải ngân vào nhóm CP dệt may.
Hiện tại, các quốc gia trong nhóm CPTPP như Canada, Nhật Bản, Mexico, Australia, New Zealand, Singapore vẫn đang phụ thuộc lớn vào hàng dệt may nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại song phương nào với Canada, Mexico và Peru, nên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam tại các thị trường này còn yếu.

Chính vì vậy, việc tham gia CPTPP sẽ tạo lợi thế vượt trội cho Việt Nam mở rộng và khai thác thị trường với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 4,8 tỷ USD trong năm 2018 (tăng trưởng 10,5% so với năm 2017). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng đầu tiên của năm 2018 đạt 2,49 tỷ USD (chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước).

Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may vẫn là Hoa Kỳ với 47,8% tổng kim ngạch, tương đương 1,19 tỷ USD (tăng 10,8%). Các thị trường còn lại là EU (13,4%), Nhật Bản (12,4%), Hàn Quốc (10,3%), Trung Quốc (4,4%), ASEAN (3,7%).

Cổ phiếu dệt may “nhờn thuốc” với CPTPP? - Ảnh 1.
CP dệt may vẫn phớt lờ thông tin CPTPP dù ngành dệt may tới đây sẽ được hưởng lợi. Ảnh: P.LONG 

Thận trọng sau sự “biến cố”

Tính tới thời điểm hiện tại, Tổng CTCP Phong Phú (PPH) và CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) là các đơn vị tiêu biểu trong ngành có năng lực sản xuất khép kín, đáp ứng được yêu cầu xuất xứ “từ sợi trở đi” để được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, do giao dịch trên sàn UPCoM nên PPH không gây được sự chú ý của giới đầu tư và gần như không biến động trước và sau khi Việt Nam tham gia CPTPP.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 9-3, PPH chốt mức giá 16.000 đồng/CP. Đây cũng là mức giá chốt phiên ngày 23-2 của PPH. Ngược lại, thông tin CPTPP giúp TCM giao dịch khởi sắc hơn, giúp thanh khoản của mã CP này vượt mốc 1 triệu đơn vị trong 2 phiên giao dịch gần nhất. Dù nhận được sự quan tâm của NĐT, nhưng TCM cũng chỉ ghi nhận được phiên tăng giá ngày 8-3 (tăng 3,32%). Tăng giá mạnh nhất trong đợt sóng dệt may lần này là Tổng CTCP Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) với 1 phiên tăng 6,12%.

Trong khi đó, các mã CP còn lại như Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), CTCP Sản xuất thương mại - May Sài Gòn (GMC), CTCP May Phú Thành (MPT), CTCP Dệt may G.Home (G20)… gần như không biến động, thậm chí còn giảm giá trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua

Sự “hững hờ” của NĐT với nhóm CP dệt may cũng bắt nguồn từ sự cố TPP trước đây. Năm 2015, giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng TPP được ký kết với lộ trình giảm thuế quan đã giúp nhóm CP dệt may thăng hoa. Tuy nhiên, kỳ vọng này bị “dập tắt” khi tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ là ông Donald Trump bất ngờ tuyên bố rút khỏi TPP.

Thông tin này khiến cho nhóm CP dệt may lao dốc mạnh trong năm 2016 với mức giảm trung bình là 50%. Bước sang năm 2017, nhóm CP dệt may bất ngờ hồi phục mạnh nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt trên 31 tỷ USD (tăng 10,23% so với năm 2016). Ngành dệt may cũng đặt mục tiêu đạt 34 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2018 (tăng 10% so với năm 2017).

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam:

Dệt may, da giày vẫn nhiều lợi thế

Về mặt nội dung, CPTPP không chỉ bao gồm thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác, do đó đây là hiệp định rất toàn diện đúng như tên gọi, và tiến bộ hơn những hiệp định trước đó. CPTPP được ký kết mang một ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng lan rộng.

Với việc Hoa Kỳ không có mặt trong CPTPP, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%. Nhưng nhìn chung, các ngành như dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi. Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico. Và trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ USD mỗi năm.

Theo Kim Giang

Theo Sài Gòn đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên