Cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ tre giảm sàn liên tiếp không ai dám "bắt dao rơi" sau khi tăng 6 lần trong hai tháng
SJF bị bán sàn khối lượng lớn
Cổ đông SJF lướt sóng đã bị "mắc cạn" khi cổ phiếu giảm dư bán sàn số lượng lớn nhưng ít người dám "bắt dao rơi".
Nhiều cổ đông công ty cổ phần Sao Thái Dương (mã SJF) - doanh nghiệp vốn nổi tiếng với chuỗi sản phẩm gỗ sản xuất từ tre đang bị mắc kẹt khi không thể bán ra cổ phiếu dù đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/12, SJF vẫn tiếp tục giảm sàn xuống 19.450 đồng/cổ phiếu. Điều đáng nói, cổ phiếu này chỉ khớp 149.000 đơn vị, trong khi 10,7 triệu cổ phiếu đổ ra bán giá sàn nhưng không ai mua. Cổ đông SJF lướt sóng đã bị "mắc cạn".
Đây là phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp của SJF. Ngày 29/11, sau chuỗi ngày tăng trần liên tiếp SJF đã "đổ sàn" với khối lượng giao dịch đột biến gần 7,8 triệu cổ phiếu. Ngày 29/11, SJF sàn thêm phiên thứ 2, lúc này SJF đã mất thanh khoản khi chỉ khớp được 495.000 cổ phiếu trong toàn phiên.
Rất ít nhà đầu tư dám "bắt dao rơi" SJF
Việc dư bán sàn số lượng lớn này cũng phù hợp với tâm lý nhà đầu tư sợ "bắt dao rơi" khi cổ phiếu này có chuỗi tăng trần 12 phiên trước đó. Đà tăng của SJF đã bắt đầu từ khoảng giữa tháng 9/2021, khi mà thị giá khi đó chỉ trong ngưỡng 4.000 đồng/cổ phiếu lên đỉnh điểm 24.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gấp 6 lần chỉ trong 2 tháng.
Lý do SJF dư bán sàn khối lượng lớn mà ít người dám "bắt dao rơi" là do cổ phiếu này đã tăng quá nóng, trần 12 phiên liên tiếp. Mức giảm này chưa hấp dẫn. Hơn nữa SJF cũng có kết quả kinh doanh bết bát so với đà tăng giá nóng của cổ phiếu.
Thứ hai, đại diện của Hòa Phát mới đây đã cho biết, các sản phẩm của BWG Mai Châu chưa đạt yêu cầu, mẫu mới thử lại chưa có kết quả. Đồng thời, Tập đoàn Hòa Phát cũng nhấn mạnh việc không có ý định M&A hay tham gia quản trị công ty nào về sản xuất ván tre gỗ ép.
Trước đó, thị trường truyền tai nhau lời đồn thổi không có căn cứ đó là khả năng Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ thâu tóm, mua cổ phần công ty con BWG Mai Châu (SJF sở hữu 96,54% vốn) thông qua việc sản phẩm ván ép có thể làm tấm lót sàn container – mảng kinh doanh mới của Hòa Phát.
Vô số diễn đàn, mạng xã hội, nhóm hội đều hô hào nhà đầu tư tham gia vào cổ phiếu SJF, thậm chí còn đưa ra quan điểm ví von đây sẽ là "Tesla Việt Nam", với hàng loạt mức giá mục tiêu đầy tham vọng. Trong khi đó, lợi nhuận SJF sụt giảm trong 2 năm gần nhất, thậm chí báo lỗ năm 2020.
Một điểm đáng chú ý nữa là cổ phiếu SJF vẫn đang thuộc diện cảnh báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (SGDCK TP.HCM) do lợi nhuận sau thuế của Công ty tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm 2021. Nguyên nhân chính cho việc thua lỗ của SJF đến từ khả năng quản lý chí phí dường như đang gặp vấn đề không nhỏ khiến lợi nhuận bị bào mòn, doanh thu cao song biên lợi nhuận rất nhỏ.
Theo tìm hiểu, bước sang năm 2021, nhiều nhà đầu tư đem theo kỳ vọng vào mảng xuất khẩu gỗ tre như pallet của SJF. Tuy nhiên thực tế thì mảng này chỉ đóng góp khoảng 30% doanh thu công ty trong quý 2/2021; còn lại mảng kinh doanh chính đem lại doanh thu cho SJF là buôn bán phân bó Ure, NPK. Kết quả, nửa đầu năm 2021, SJF ghi nhận doanh thu tăng 43% lên 279 tỷ đồng; tuy nhiên bài toán chi phí vẫn chưa được giải quyết khiến lợi nhuận sau thuế vẫn lỗ gần 8 tỷ đồng.
Sang đến quý 3, thậm chí SJF còn gần như không có doanh thu xuất khẩu gỗ tre khi không thể có đơn hàng mới trong bối cảnh giá vận tải tăng mạnh. Nhưng, điểm sáng đến nhờ doanh thu tăng cùng với việc tiết giảm chi phí đáng kể, SJF đã có lãi ròng hơn 9 tỷ đồng trong quý 3, qua đó bù đắp số lỗ nửa đầu năm đã ghi nhận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần và LNST của SJF lần lượt đạt 319 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng, tương ứng mới chỉ đạt 30% kỳ vọng lợi nhuận cả năm.
Nhịp sống kinh tế