MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu dược bỗng dưng ‘tắt điện’ trước cơn sóng lớn của thị trường, vì đâu nên nỗi?

Ở một thị trường có mức tăng trưởng sức cầu lớn và được sự ủng hộ của chính sách, nhưng việc nhóm cổ phiếu dược lại 'tắt điện' trước sức nóng của thị trường để lại dấu hỏi lớn về khả năng nắm bắt cơ hội để lớn mạnh hơn trong tương lai.

Những năm tháng hạnh phúc

Bất chấp khủng hoảng kinh tế hay thị trường chung suy thoái, các cổ phiếu dược đã trải qua nhiều năm tăng trưởng mạnh. Những cổ phiếu như DHG, DMC, IMP, TRA đã tăng gấp nhiều lần so với mức giá cách đây chục năm trước. Xu hướng diễn biến nhóm cổ phiếu này không khác gì so với sự tăng trưởng của ông vua thị trường CK VN là VNM của Vinamilk, dù nền kinh tế có lúc nóng lúc lạnh, sản phẩm thiết yếu vẫn đang tăng trưởng.

"Đói ăn rau, đau uống thuốc" là những gì các nhà đầu tư đã hình dung về triển vọng ngành dược trong nhiều năm qua. Đặc biệt là mặt hàng thuốc đang có nhu cầu lớn tại quốc gia đang phát triển như VN. Cho đến ngày nay, nhu cầu về thuốc ngày càng gia tăng ở VN. Theo tính toán của IMS, tăng trưởng ngành dược Việt Nam sẽ đạt từ 8-9% trong giai đoạn 2017-2021.

Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường dược phẩm hấp dẫn với đặc điểm quy mô dân số khá lớn, tuổi thọ trung bình đang gia tăng đi kèm với việc nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, mặc dù thuộc nhóm 3 (nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất) trong số 17 nước pharmerging nhưng chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chưa đến 40 USD/người/năm, chỉ bằng khoảng 1/2 mức bình quân của các nước pharmerging.  Riêng năm 2018, nhiều dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ người dân dự kiến có mức tăng trưởng 12%/năm, đạt khoảng 18 tỉ đô la Mỹ cho thấy bức tranh của ngành này vẫn đang rất sáng lạn.

Cổ phiếu dược bỗng dưng ‘tắt điện’ trước cơn sóng lớn của thị trường, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Nguồn: Nhóm phân tích FPTS

Bổng dưng ‘tắt điện’, vì sao?

Được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng quan sát diễn biến cổ phiếu dược trong thời gian từ giữa 2017 đến nay, các cổ phiếu tốp đầu như  DHG, DMC, TRA, IMP,...trong thời gian gần đây giao dịch trầm lắng. Điều gì khiến nhóm cổ phiếu dược ‘tắt điện’  khi mà VN Index đang tăng từng ngày? Do yếu tố kỹ thuật hay chính nội tại các DN này đang khiến các nhà đầu tư đánh giá là kém hấp dẫn hơn khi mà định giá đã cao hơn rất nhiều?

Một trong những chi tiết khiến giới phân tích tỏ ra quan ngại đó chính là các doanh nghiệp lớn ngành dược trên thị trường hiện nay đang tụt lại so với sức tăng trưởng của thị trường. Doanh số tăng trưởng chậm lại là một chỉ báo không thể xem nhẹ, nó cho thấy sức cạnh tranh của DN dược có vẻ như đang yếu đi.

Cổ phiếu dược bỗng dưng ‘tắt điện’ trước cơn sóng lớn của thị trường, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Ngay cả DN lớn nhất dẫn dầu ngành dược VN hiện nay là Dược Hậu Giang (DHG) cũng cho thấy những tín hiệu không thực sự khả quan. Báo cáo của CTCK Bản Việt mới đây cũng tỏ ra e ngại trước mức tăng trưởng tiếp tục thấp của DHG. Công ty chỉ tăng trưởng ở mức một chữ số trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và DHG chưa có đột phá về sản phẩm. Theo đó, VCSC dự báo doanh thu từ các sản phẩm do DHG tự sản xuất 2017-2022 sẽ chỉ đạt tăng trưởng kép hàng năm 4% và lợi nhuận có thể tăng trưởng thấp hơn khi công ty phải chi nhiều hơn cho quảng cáo và bán hàng.

Dù đánh giá rất cao tiềm năng cũng như dư địa phát triển trong nước nhưng theo PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, sản lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu trong năm 2015, còn lại phải nhập khẩu và giá trị nhập khẩu thì đang tăng khoảng 16%/năm. Đó là một thực tế cho thấy miếng bánh đang được chia không đều và phần của các DN trong nước ngày càng nhỏ dần.

Thậm chí, ông Truyền còn cho rằng DN dược Việt Nam nhìn chung vẫn thiếu chiến lược trung dài hạn. Hệ thống logistics và phân phối không hiện đại, công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Chủ yếu sản xuất dạng "bào chế quy ước, it có dạng bào chế công nghệ cao và đến 90% nguyên liệu phải nhập khẩu. Ngoài ra, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp trong nước nhìn chung vẫn rất thấp.

 "Đa số các doanh nghiệp chỉ dùng chưa đến 1% doanh số cho hoạt động R&D là chưa có tầm nhìn. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế trong khi đó có cả 1.000 bằng sáng chế sản phẩm phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam", ông Truyền đánh giá.

Trong khi đó, ở góc độ bán hàng và nhận diện thương hiệu, có vẽ như chưa doanh nghiệp nào thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng thông quan kênh bánh lẻ bên cạnh kênh bán hàng truyền thống kênh bệnh viện.

Mekong Capital - quỹ đầu tư vừa thoái vốn khỏi Traphaco trong năm ngoái cũng có cách nhìn tương tự. Đại diện Quỹ này vẫn cho rằng ngành dược vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng bởi sức mua, GDP đầu người đang tăng tăng trưởng. Quỹ này cho rằng nhiều sản phẩm trị liệu, ví dụ như dùng cho bệnh ung thư, chưa được sản xuất trong nước nên còn nhiều cơ hội để sản xuất và xây dựng thương hiệu trong những phân khúc này.

"Rất nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam đang vào cơ hội mới. Việc chưa có doanh nghiệp nào thật xuất sắc về marketing và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu đủ mạnh để người tiêu dùng nhận biết và mua theo kênh bán lẻ tạo ra một cơ hội rất lớn vì dược phẩm là sản phẩm quan trọng. Tuy nhiên, để đạt được vị thế đó là bài toán không hề dễ dàng với một DN nào.", đại diện Mekong Capital cho hay.

Giờ đây, mặc dù không còn khí thế so với thị trường nhưng hầu hết cổ phiếu ngành dược vẫn đang giao dịch tại mức PE trên 20 lần trong khi câu chuyện tăng trưởng còn khá mơ hồ. Nhiều cổ phiếu dược có vẻ như đang giao dịch theo các kỳ vọng từ việc M&A và thoái vốn nhiều hơn khả năng tăng trưởng lợi nhuận. Dù vậy, giới phân tích cũng kỳ vọng những chính sách mới sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các DN dược. Trong đó, Luật Dược sửa đổi, bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm 2017 được đánh giá sẽ trở thành đòn bẩy cho sản xuất nội địa trong dài hạn. 

Điển hình là quy định liên quan đến đấu thầu ưu tiên nguồn dược liệu trong nước; sản xuất thuốc ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan; phát triển và ưu tiên nuôi trồng nguồn dược liệu. Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), các công ty nếu vẫn sản xuất theo tiêu chuẩn WHO-GMP, với danh mục sản phẩm đơn giản và trùng lắp sẽ không thể bứt phá, phải cạnh tranh và tự triệt tiêu lẫn nhau bằng giá rẻ cùng với các thuốc chất lượng thấp từ Ấn Độ, Trung Quốc ở nhóm 3. Điều này đã dẫn đến một làn sóng nâng cấp/xây mới nhà máy theo chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S để (1) nâng cao chất lượng thuốc và (2) chuyển lên nhóm đấu thầu cao hơn.

VDSC cho rằng, với những thay đổi về mặt chính sách để khuyến khích và hỗ trợ sản xuất trong nước, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp nội bứt phá. Các công ty đã đi tiên phong trong làn sóng này như Tenamyd, Pymepharco, Imexpharm, hay Savipharm hứa hẹn sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên hưởng trái ngọt. Cơ hội vẫn dành cho nhóm tiếp theo như Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco, Bidiphar…nếu giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm của nhà máy mới, do chi phí đầu tư nhà máy là không nhỏ.

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên