MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu giá “cốc trà đá” doanh nghiệp vẫn chào bán cho cổ đông bằng mệnh giá, ai sẽ mua?

HID và ATG công bố chào bán cổ phiếu cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cp, nhằm gọi vốn trăm tỷ cho các dự án. Tuy nhiên, với việc cổ phiếu từng “trèo cao, ngã đau” và mức thị giá cổ phiếu “bèo” chỉ quanh 3.000- 4.000 đồng/cp. Liệu cổ đông có sẵn lòng bỏ tiền mua?

Sau khi được ĐHĐCĐ thông qua, đầu tháng 7/2017, CTCP Đầu tư và Tư vấn Hà Long (HOSE: HID) dự kiến chào bán cho cổ đông hơn 47 triệu cp theo tỷ lệ 2:3, dự kiến tăng vốn điều lệ từ 316 tỷ đồng lên 799 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP An Tường An (HOSE: ATG) đặt ra kế hoạch táo bạo hơn khi phát hành 30 triệu cp tỷ lệ 1:1,97 tăng vốn từ 152 tỷ lên tới 452 tỷ đồng.

Cổ phiếu từng một thời tăng giảm thất thường, cổ đông có chịu bỏ tiền?

Nhìn lại quá khứ của CTCP Đầu tư và Tư vấn Hà Long (HOSE: HID), cổ phiếu của doanh nghiệp này từng một thời khiến các nhà đầu tư chịu nhiều “đau đớn” vì tốc độ “lên xuống” chóng mặt.

Đầu tháng 12/2016, thị giá HID bất ngờ tăng từ mức giá 17.650 đồng/cp lên 30.700 đồng/cp, tương đương mức tăng 74% chỉ trong gần 1 tháng. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị giá HID bắt đầu “lao dốc” và rớt xuống chỉ còn quanh mức 4.000 đồng/cp, mất 87% giá trị. Tính đến phiên ngày 11/07, thị giá của HID đang ở mức 4.440 đồng/cp. Khối lượng giao dịch trung bình ở mức gần 1.45 triệu cp/phiên.

Thị giá cổ phiếu của HID một năm gần đây

Khác với HID, không cần qua giai đoạn “lên cao”, cổ phiếu ATG của CTCP An Trường An (HOSE: ATG) đã rơi từ mức từ quanh mức 13.300 đồng/cp xuống chỉ còn 3.640 đồng/cp, mất 73% giá trị kể từ khi niêm yết vào cuối tháng 8/2016.

Thị giá cổ phiếu ATG từ khi niêm yết

Có thể thấy với mức giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, về lý sẽ không nhiều cổ đông chịu bỏ tiền mua cổ phiếu phát hành mới, để rồi chịu lỗ ngay khi “ôm” về.

Ở thời điểm này, hy vọng của doanh nghiệp có thể sẽ được đặt nhiều nơi cổ đông lớn và ban lãnh đạo sở hữu.

Tuy nhiên, hy vọng này dường như cũng khá mong manh. Tại ATG, 3 cổ đông lớn cũng là 3 thành viên HĐQT của doanh nghiêp là Chủ tịch HĐQT Trương Đình Xuân, Phó Chủ tịch HĐQT Trần Thị Xuân Mai và thành viên HĐQT Trương Ngọc Thanh đều đã có giao dịch bán cổ phiếu trong tháng 4 và giảm sở hữu tại ATG.

Thay đổi sở hữu của cổ đông lớn tại ATG

Tại HID, từ tháng 3 trở lại đây, mặc dù 3 cổ đông lớn không có thay đổi sở hữu nhưng một số cổ đông nội bộ và người có liên quan lại thực hiện bán cổ phần, trong đó đáng chú ý nhất là giao dịch của cá nhân Phạm Thị Đào Anh và mẹ là bà Võ Thùy Dương liên tục mua vào – bán ra cổ phiếu HID. Tính đến thời điểm gần nhất 2 cá nhân này không còn là cổ đông lớn của HID (bà Phạm Thị Đào Anh sở hữu 1,97%, cá nhân bà Võ Thùy Dương chỉ sở hữu 7 cp tính đến ngày 04/04/2017).

Cổ đông lớn của HID đến cuối tháng 4/2017

Thấy gì ở ATG và HID?

ATG là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng sắt và quặng kim loại khác không chứa sắt, khai thác đa, cát, sỏi, đất sét; bán buôn kim loại; chế biến quặng sắt, quặng titan…

Về hoạt động kinh doanh năm 2016, ATG chỉ đạt doanh thu hơn 33 tỷ đồng, giảm 34% so với năm trước. Lợi nhuận ròng chỉ đạt vỏn vẹn 363 triệu đồng, tụt sâu so với năm 2015 (hơn 5,4 tỷ đồng) và cách xa chỉ tiêu 16 tỷ đồng.

Trong quý 1/2017, dù doanh thu tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, đạt gần 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng của ATG vẫn chỉ đạt 93 triệu đồng, giảm mạnh so với quý 1/2016 (gần 1,7 tỷ đồng). Trong khi, doanh thu thuần 2017 dự kiến đạt 100 tỷ đồng; lợi nhuận ròng mục tiêu đạt 3 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh “bết bát”, nhưng ATG lại đang ôm hàng loạt dự án với tổng vốn đầu tư lên tới gần 2.500 tỷ đồng. Trong đó, dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Bình Thuận của ATG có tổng vốn đầu tư theo giấy chứng nhận là 2.300 tỷ đồng, Bên cạnh đó, ATG đang triển khai dự án khai thác quặng Titan cũng tại KCN Sơn Mỹ 1 – Bình Thuận với diện tích 157ha, tổng vốn đầu tư gần 248 tỷ đồng và dự án khu du lịch Thủy Sơn Trang tại TP. Quy Nhơn, Bình Định có tổng vốn đầu tư dự kiến là 105 tỷ đồng. Đây cũng là lý do ATG phát hành cổ phiếu.

Một điểm đáng chú ý khác của ATG là, doanh nghiệp này có tổng tài sản hơn 201 tỷ đồng, tuy nhiên chiếm 80% lại là khoản phải thu ngắn hạn.

Với HID, không có lượng dự án khủng như ATG nhưng hoạt động kinh doanh của HID lại có phần khá hơn.

Năm tài chính 2016 (01/04/2016-31/03/2017), HID đạt doanh thu 281 tỷ đồng, và lợi nhuận ròng 30 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 70% và 67% so với năm trước.

Trong 3 năm gần đây, hoạt động kinh doanh chính của HID đã chuyển từ tư vấn đầu tư công trình sang lĩnh vực kinh doanh nước sạch với mảng chủ đạo là buôn bán vật tư ngành nước và đầu tư vào công ty cung cấp nước sạch.

Năm 2017, HID dự kiến tổng doanh thu đạt 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 33 tỷ đồng. Công ty dự kiến đẩy mạnh đầu tư tại các dự án như Nhà máy Nước Thuận Thành (giai đoạn 2), Nhà máy nước Hưng Long, Khu sản xuất gạch Lương Sơn, các dự án BOT liên kết…

Theo phương án chào bán cổ phiếu, số tiền thu về ước đạt 483 tỷ đồng, HID sẽ chi 200 tỷ đầu tư góp vốn vào CTCP Phong điện Miền Trung, 200 tỷ đồng chi đầu tư dự án BT đường 932 Cần Thơ, số tiền còn lại Công ty sẽ bổ sung vốn lưu động, góp vốn liên doanh.

Về tình hình tài chính, tính đến 31/03/2017, tổng tài sản của HID ở mức 460.6 tỷ đồng, tuy nhiên khoản phải thu chiếm 58% tài sản với 269 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn gần 66 tỷ đồng và phải thu dài hạn 203 tỷ đồng.

Với những gì đang xảy ra ở hai doanh nghiệp, nhà đầu tư đang ngóng đợi kết quả phát hành tại hai doanh nghiệp này, liệu cổ đông lớn có chịu bỏ số tiền gấp đôi thị giá để rót vốn?

Theo Thế Nhất

NDH

Trở lên trên