MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu “họ” GELEX vừa lên đỉnh 18 tháng: “Ông trùm” vật liệu xây dựng nắm 11 khu công nghiệp, vốn hóa hơn 1 tỷ USD, từng “kinh qua” cả 3 sàn chứng khoán

Cổ phiếu “họ” GELEX vừa lên đỉnh 18 tháng: “Ông trùm” vật liệu xây dựng nắm 11 khu công nghiệp, vốn hóa hơn 1 tỷ USD, từng “kinh qua” cả 3 sàn chứng khoán

Cổ phiếu này đã tăng 84% trong vòng 1 năm trở lại đây qua đó đẩy giá trị vốn hóa lên hơn 1 tỷ USD và chỉ còn kém khoảng 10% so với đỉnh lịch sử đạt được tháng 8/2022.

Thị trường chứng khoán hồi phục nhanh sau nhịp điều chỉnh kéo theo nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ. Cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera – CTCP là một trong những cái tên gây chú ý khi vừa có phiên tăng kịch trần lên mức 59.000 đồng/cp, cao nhất trong vòng 18 tháng kể từ giữa tháng 9/2022.

Giá trị vốn hóa thị trường của Viglacera tương ứng đạt xấp xỉ 26.500 tỷ đồng (~1 tỷ USD), tăng 84% so với thời điểm một năm trước. Con số này đưa Viglacera trở thành cái tên duy nhất trong "họ" GELEX lọt vào danh sách tỷ USD vốn hóa trên sàn chứng khoán. Dù vậy, mức vốn hóa vẫn còn kém khoảng 10% so với đỉnh đạt được vào cuối tháng 8/2022.

photo-1710344730614

Viglacera thành lập từ tháng 7/1974, tiền thân là Công ty Gạch ngói sành sứ Xây dựng, được hình thành từ việc sáp nhập 18 nhà máy và xí nghiệp sản xuất gạch ngói từ đất sét nung. Từ thập niên 90, Viglacera đã tiên phong đưa vào sản xuất các sản phẩm mới như kính xây dựng, sứ vệ sinh và gạch ốp lát ceramic, gạch ốp lát granite,…

Đến tháng 4/2014, Viglacera chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH sang CTCP. Từ thời điểm đó, Viglacera chính thức mở rộng phạm vi hoạt động đồng thời trong hai lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và bất động sản. Hơn một năm sau khi IPO, Viglacera đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM với mã VGC từ giữa tháng 10/2015.

Đến giữa tháng 12/2016, Viglacera chính thức niêm yết trên HNX khi vốn điều lệ ở mức hơn 3.000 tỷ đồng. Sau gần 3 năm, cổ phiếu VGC một lần nữa chuyển sàn sang HoSE vào cuối tháng 5/2019. Thời điểm đó, vốn điều lệ của Viglacera đã ở mức gần 4.500 tỷ đồng sau 2 đợt chào bán giai đoạn 2016-17. Như vậy, VGC là cái tên hiếm hoi từng giao dịch trên cả 3 sàn chứng khoán.

Lợi nhuận tăng tốc sau khi "về tay" GELEX

Bóng dáng GELEX chính thức xuất hiện tại Viglacera từ năm 2020. Sau 2 đợt tăng giá chào mua công khai, 2 công ty con của GELEX đã sở hữu tổng cộng 206,54 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 46,07% vốn tại Viglacera. Trong đó, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam nắm giữ 26,64%, Công ty Thiết bị điện Gelex sở hữu 19,43%.

Sau nhiều đợt chào mua, nhóm GELEX chính thức nâng sở hữu tại Viglacera lên trên 50% vào tháng 4/2021 qua đó hợp nhất kết quả kinh doanh với tập đoàn. Hiện tại, Viglacera đang là công ty con gián tiếp của GELEX do CTCP Hạ tầng GELEX (GELEX sở hữu trực tiếp 82,65% vốn) nắm giữ 50,21% cổ phần.

Sau khi "về tay" GELEX, Viglacera kinh doanh khởi sắc rõ rệt. Lợi nhuận từ mức quanh 600-800 tỷ đã tăng vọt lên gần 1.300 tỷ đồng vào năm 2021. Con số này tiếp tục tăng trưởng mạnh 50% lên hơn 1.900 tỷ đồng vào năm 2022 trước khi khó khăn ập đến cuối năm vừa qua.

Quý 4/2023 là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi công bố thông tin, chủ yếu do mảng kính gặp khó. Luỹ kế cả năm 2023, Viglacera lãi ròng 1.162 tỷ đồng, giảm 39% so với năm trước nhưng vẫn vượt 32% kế hoạch cả năm đề ra. Con số này cũng cao hơn nhiều so với trước khi GELEX xuất hiện.

photo-1710344761428

Bước sang năm 2024, Viglacera lên kế hoạch doanh thu hợp nhất là 13.468 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước ở mức 1.216 tỷ đồng. Sau một quý bất ngờ thua lỗ, tình hình đã khả quan hơn. 2 tháng đầu năm, doanh nghiệp ước thực hiện được 14% mục tiêu lợi nhuận cả năm, tương ứng lãi trước thuế ước đạt khoảng 170 tỷ đồng.

Triển vọng lạc quan

Viglacera hiện dẫn đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD) gồm kính xây dựng (chiếm 42% thị phần), gạch ốp lát (30% thị phần gạch ceramic). Ngoài ra, doanh nghiệp đã phát triển 11 khu công nghiệp với 560ha diện tích đất còn lại, tập trung ở miền Bắc và miền Trung, thu hút được nhiều khách hàng lớn như Samsung, Accor, BYD,…

SSI Research kỳ vọng Viglacera sẽ duy trì được nguồn lợi nhuận ổn định từ việc cho thuê các khu công nghiệp hiện có trong thời gian dài. Về dài hạn, doanh nghiệp có thể duy trì biên lợi nhuận cao hơn nhờ 560ha đất còn lại – trong đó 200 diện tích sẵn sàng cho thuê. Doanh thu đá granite và ceramic sẽ tăng khi nhà máy Eurotile đi vào hoạt động vào cuối năm 2023.

Trong ngắn hạn, các tin tức tích cực về i) khách thuê diện tích KCN lớn, ii) tăng trưởng xuất khẩu gạch granite và gạch men, iii) giá cho thuê đất KCN cao hơn dẫn đến biên lợi nhuận cao hơn, và iv) thông tin về việc Bộ Xây dựng thoái vốn (hiện Bộ xây dựng đang sở hữu 38,58%) sau khi có chứng thư định giá có thể tác động tích cực đến cổ phiếu VGC.

photo-1710344788757

Mặt khác, rủi ro đối với Viglaceara có thể đến từ (i) nhu cầu xây dựng chậm sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ VLXD của VGC; (ii) cạnh tranh gay gắt trong ngành VLXD; và (iii) chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho các KCN mới cao hơn.

Năm 2024, SSI Research dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Viglacera sẽ lần lượt đạt 13.400 tỷ đồng và 2.020 tỷ đồng, tương ứng tăng 2% và 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng kính xây dựng dự báo đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 19% và chiếm 18% doanh thu; mảng thiết bị vệ sinh đạt 982 tỷ đồng tăng 2% và chiếm 10% doanh thu; mảng gạch granite & ceramic dự kiến đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 3% và chiếm 25,6% doanh thu. Doanh thu cho thuê KCN dự báo đạt 3.700 tỷ đồng, giảm 11,9% và chiếm 23% doanh thu dự kiến.

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên