Cổ phiếu “họ Vinachem” tăng phi mã
Nhiều cổ phiếu họ Vinachem như LIX, NET, CSM, DRC, BFC, CSV……đã tăng rất mạnh từ đầu năm tới nay.
- 08-04-2016Chứng khoán Kim Long sẽ chia tiền cho cổ đông 11.000 đồng/cổ phiếu
- 08-04-2016Ông Andy Ho: "Sẽ tiếp tục đầu tư cổ phiếu ngành bất động sản"
- 08-04-2016Cổ phiếu ngành nhựa đã bứt phá mạnh: Còn cơ hội tăng tiếp?
Hiện nay, số lượng thành viên thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam- Vinachem đang niêm yết trên 2 sàn là khá nhiều và chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực Bột giặt-hóa chất, săm lốp và phân bón.
Mặc dù không phải nhóm cổ phiếu giao dịch quá sôi động, tuy nhiên những cổ phiếu có “họ Vinachem” vẫn đang âm thầm tăng trưởng tích cực và không ít cổ phiếu bỏ xa đà tăng chung của thị trường.
Cùng điểm lại diễn biến giao dịch cũng như tình hình hoạt động của nhóm Vinachem đang niêm yết trong giai đoạn gần đây.
Nhóm bột giặt, hóa chất
Đây là nhóm chủ lực của Vinachem với khá nhiều doanh nghiệp đang niêm yết. Có thể kể tới như Bột giặt LIX, NET, Đức Giang (DGC), Hóa chất Việt Trì (HVT), Hóa chất cơ bản miền nam (CSV), Thuốc sát trùng Việt Nam (VPS) hay Pin Ắc quy miền nam- Pinaco (PAC).
Nhóm các công ty sản xuất bột giặt trong năm 2015 đã ghi nhận KQKD hết sức tích cực với lợi nhuận tăng trưởng vượt trội. Cụ thể, LIX lãi ròng 181 tỷ đồng (tăng 123%), NET lãi 87 tỷ đồng (tăng trưởng 90%), Đức Giang lãi 280 tỷ đồng (tăng 88%). Tuy nhiên, cần lưu ý lãi đột biến của LIX còn đến từ tiền di dời chi nhánh tại Hà Nội.
Trong khi đó, nhóm các công ty hóa chất nhìn chung đã có sự chững lại, ngoại trừ Pinaco có lợi nhuận tăng trưởng 20% so với năm trước đó lên 90 tỷ đồng.
Về giao dịch trên TTCK, đây là nhóm cổ phiếu sôi động nhất trong họ Vinachem với nhiều mã tăng khá mạnh. Cụ thể, tính từ đầu năm tới hết phiên giao dịch 8/4, LIX tăng 41%, NET tăng 32%...
cổ phiếu bột giặt- hóa chất tăng trưởng vượt trội so với đà tăng chung của thị trường
Nhóm săm lốp
Triển vọng ngành săm lốp không thực sự được đánh giá cao trong năm 2016 bởi nguyên liệu đầu vào như cao su, dầu mỏ đã có dấu hiệu tạo đáy và phục hồi, qua đó khiến biên lợi nhuận ngành săm lốp không còn duy trì ở mức cao như những năm trước.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh từ những đối thủ ngoại như Bridgestone, Yokohama, Kumho….lên các doanh nghiệp trong nước vẫn rất lớn.
Mới đây, Cao su Đà Nẵng (DRC) đã công bố KQKD ước tính quý 1 với LNTT đạt 109 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước phần nào cho thấy khó khăn của nhóm ngành này.
Tuy vậy, nhóm cổ phiếu săm lốp bao gồm Cao su miền nam (CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC) và Cao su Sao Vàng (SRC) đang giao dịch khá tích cực sau khi tạo đáy vào cuối tháng 1. Có lẽ, diễn biến tích cực của nhóm săm lốp thời gian gần đây đến từ việc phục hồi kỹ thuật sau giai đoạn giảm mạnh hơn là kỳ vọng vào triển vọng của ngành trong năm 2016.
DRC phục hồi sau giai đoạn bán mạnh đầu năm
Nhóm phân bón
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón thuộc Vinachem như Bình Điền (BFC), Supe photphat Lâm Thao (LAS), Phân bón Miền Nam (SFG), Phân lân Văn Điển (VAF), Phân lân Ninh Bình (NFC) hầu hết hoạt động trong mảng phân lân và NPK. Dù được hưởng lợi khi giá nguyên liệu đầu vào (Apatit) được Vinachem ưu đãi nhưng nhìn chung KQKD của các doanh nghiệp này trong năm 2015 đều sụt giảm.
Kết quả không thực sự khả quan của nhóm phân bón có nguyên nhân chủ yếu từ việc nguồn cung hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, khả năng tăng trưởng mạnh lúc này là khó diễn ra.
Với diễn biến đó, nhóm cổ phiếu phân bón không có biến động đáng chú ý nào trong giai đoạn đầu năm. Phân bón Bình Điền (BGC) là cổ phiếu nổi bật nhất dù mới niêm yết vào cuối năm 2015. Tính từ đầu năm đến hết phiên giao dịch 8/4, thị giá BFC đã tăng trưởng 16% lên mức 31.400đ/cp.
BFC tăng mạnh dù KQKD không phải quá tích cực
Trí Thức Trẻ