MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Cổ phiếu hoa hậu] Mía đường Sơn La (SLS) âm thầm, lặng lẽ và một ngày bùng sáng

Đây là một cổ phiếu khá đặc biệt trên thị trường cũng như trong ngành ở thời điểm hiện tại, bởi lẽ chỉ mỗi mình SLS tăng khi đa phần các cổ phiếu trong ngành chỉ đi ngang hoặc mức tăng không đáng kể.

Khi đa số nhà đầu tư đang bị cuốn theo sự náo nhiệt của các cổ phiếu xây dựng, bất động sản như HBC, DXG, DIG, TDH… và gần đây là một vài cổ phiếu chứng khoán như SSI, HCM, thì có một cổ phiếu vẫn lặng lẽ tăng nhịp nhàng bất chấp biến động không cùng chiều của yếu tố đầu ra, cũng như đa phần biến động của các cổ phiếu trong cùng nhóm ngành. Đó chính là SLS, CTCP Mía đường Sơn La.

Đây là một cổ phiếu khá đặc biệt trên thị trường cũng như trong ngành ở thời điểm hiện tại, bởi lẽ chỉ mỗi mình SLS tăng khi đa phần các cổ phiếu trong ngành chỉ đi ngang hoặc mức tăng không đáng kể. Tính từ giá đáy được thiết lập từ 6/1/2017 ở mốc 80 cổ phiếu đã tăng được 50% ở hiện tại, mức tăng này là phần thưởng lớn cho những nhà đầu tư kiên nhẫn có khả năng phân tích tốt về tình hình tài chính doanh nghiệp, định giá cũng như xu hướng biến động của doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.

Diễn biến giao dịch trong giai đoạn gần đây

Giai đoạn từ 6/12/2017 đến 3/2/2017 khi SLS chỉ đi ngang tích lũy, khối lượng giao dịch trung bình 1 phiên chưa tới 10.000 cổ phiếu/ phiên và giá đa phần chỉ biến động trong khoảng từ 85 tới 90 khiến đa phần nhà đầu tư ít để ý. Tuy nhiên sau khi vượt mốc 90 cổ phiếu đã chính thức hình thành xu hướng tăng, hoặc nói theo ngôn ngữ của các nhà đầu tư trên thị trường là “ mở trend” thì khối lượng cổ phiếu có tăng lên nhưng trung bình vẫn dưới 20.000 cổ phiếu/phiên. Đây là lý do là SLS khi tăng vẫn được coi là “ lặng lẽ tăng”.


Diễn biến giá của SLS gần đây

Diễn biến giá của SLS gần đây

Vậy tại sao SLS lại giao dịch ít cổ phiếu như vậy? Nếu nhìn kỹ vào thông tin của cổ phiếu này thì số lượng cổ phiếu hiện tại được niêm yết là khoảng gần 8,2 triệu cổ phiếu, trong khi đó cổ đông nội bộ đã nắm giữ lên tới gần 50%. Ngoài ra tình hình tài chính lành mạnh và tăng trưởng tốt kể từ 2014 trở lại đây, cũng chính là lý do rất ít người khi nắm giữ SLS muốn bán đi “ con gà đẻ trứng vàng” này trong 3 năm qua.

Kết thúc phiên cuối tuần, tại mức giá đóng cửa 120 thì cổ phiếu có mức tăng 4,36% trong tuần vừa qua, một mức tăng “ tạm chất nhận được” cho những nhà đầu tư kiên nhẫn. Sự tăng giá trong giai đoạn hiện tại diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi không một tin tức tốt về doanh nghiệp được công bố.

Kết quả kinh doanh quý I tốt, tình hình tài chính lành mạnh và định giá vẫn ở mức thấp?

Hoạt động kinh doanh của SLS khá đặc biệt và dường như không chịu tác động nhiều của giá đường. Điều này được thể hiện qua việc giá đường đi xuống kể từ đầu năm 2011 và tạo đáy vào cuối tháng 8/2015, nhưng doanh thu và lợi nhuận của SLS vẫn giữ mức tăng trưởng hoặc ít biến động trong giai đoạn này ngoài năm 2014. Sau đó nhanh chóng tăng trưởng mạnh về lợi nhuận kể từ 2015 đến nay, thâm chí về con số tuyệt đối năm 2015 2016 , SLS đã phá vỡ kỷ lục lợi nhuận đạt được năm 2012 với các con số lần lượt là xấp xỉ 78.8 và 137 tỷ đồng.

Tính ở thời điểm hiện tại SLS vẫn được định giá khá rẻ khi với giá 120 hiện tại, EPS năm 2016 là 16,7 thì P/E chỉ xấp xỉ 7,15, trong khi đó SBT,BHS, tương ứng là 17,9, 14,25. Đồng thời hiệu quả hoạt động vượt trội so với ngành mía đường khi tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới 26% so với 13,7% của BHS và LSS, 16,2% của SBT.

Vậy tại sao SLS lại có tình hình kinh doanh đặc biệt và hiệu quả hoạt động cao trong các năm qua? Điều này được giải thích do giá mía thu mua thấp hơn hẳn so với mức phổ từ xấp xỉ hơn 7% cho tới hơn 40%, trong khi giá mía thu mua chiếm tới 80% giá thành sản xuất đường. Ngoài ra với lợi thế vùng nguyên liệu ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết cũng như việc thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0% do Sơn La là tỉnh thuộc diện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vậy còn tương lai thì sao? Đây là một yếu tố quyết định đến việc giá cổ phiếu có thể tăng trong dài hạn hay không, vì giá hiện tại đã phản ánh những gì doanh nghiệp đạt được trong giai đoan vừa qua. Theo nhiều đánh giá, SLS vẫn có khả năng duy trì được khả năng tăng trưởng hoặc ổn định trong năm 1 đến 3 năm tới, khi ban lãnh đạo là người có kinh nghiệm và hoạt động lâu năm trong ngành mía đường. Cổ đông lớn và lãnh đạo của SLS đều thuộc gia đình bà Trần Thị Thái, một trong 3 gia đình lớn trong ngành đường Việt Nam, bên cạnh gia đình ông Lê Văn Tam( LSS) và Đặng Văn Thành ( SBT và BHS). Gia đình bà Trần Thị Thái sau khi mua lại SLS đã vực dậy công ty từ tình trạng thua lỗ trở thành một trong những DN hiệu quả nhất ngành đường.

Ngoài ra động lực tăng trưởng có thể đến từ việc giá đường đang có xu hướng đi lên về mặt dài hạn kể từ cuối tháng 8 năm 2015 sau khi trải qua tới 4 năm ở trạng thái downtrend lớn, và việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu cũng như tăng công suất hoạt động khi đưa vào dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE.

Các mốc hỗ trợ kháng cự cần lưu ý

Phiên giao dịch cuối tuần qua cổ phiếu SLS đạt mức giá cao nhất ở khoảng 121.5 sau đó thu hẹp mức tăng điểm. Điều này chủ yếu do mốc điểm xoay quanh 121 tới 126 này chính là mốc kháng cự mạnh thiết lập bởi mức đỉnh cao cũ vào ngày 3/10/2016 và 6/10/2016, nếu như giá có thể vượt mốc này thì mục tiêu giá tiếp theo ở khoảng 130.

Ngoài ra, đường giá của SLS trong ngắn hạn cũng được hỗ trợ mạnh bởi đường 16 ngày, nơi mà sự điều chỉnh lớn trong giai đoạn tăng giá hiện tại xảy ra có sự hồi phục trở lại.

Tú Phạm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên