MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu vật liệu xây dựng, hạ tầng giao thông đồng loạt bứt phá sau "cú hích" từ đầu tư công

Cổ phiếu vật liệu xây dựng, hạ tầng giao thông đồng loạt bứt phá sau "cú hích" từ đầu tư công

Chứng khoán DSC cho rằng sự quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ sẽ tạo động lực tăng trưởng cho nhóm các doanh nghiệp có uy tín và năng lực chuyên môn cao.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch giằng co với biên độ hẹp. Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công trở thành điểm sáng khi đồng loạt loạt bứt phá mạnh.

Nổi bật là các đại diện từ nhóm xây dựng, hạ tầng giao thông, vật liệu xây dựng,... bật tăng mạnh mẽ. Cụ thể, loạt cổ phiếu như VCG, LCG, FCN, HHV, KSB,… bứt phá kịch trần. Theo sau, PLC, DHA, CTD, HBC, CII,… đồng thuận tăng tốt dao động với biên độ từ 3% tới hơn 6%, vượt trội hơn so với chỉ số chính.

Cổ phiếu vật liệu xây dựng, hạ tầng giao thông đồng loạt bứt phá sau cú hích từ đầu tư công - Ảnh 1.

Trước đó, kể từ khi thị trường bước vào giai đoạn hồi phục mạnh từ cuối tháng 11/2022, nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng “tranh thủ” hồi phục tốt. Một số cổ phiếu ghi nhận đà tăng khả quan như: DHA (+56%); VCG (+64%);… thậm chí FCN hay LCG chứng kiến đà tăng lần lượt 74% và 88% kể từ đáy,…trong khi VN-Index tăng hơn 15%.

"Cú hích" từ đầu tư công

Sự bứt phá của cổ phiếu đầu tư công được hỗ trợ bởi thông tin tích cực đến từ động thái muốn tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ. Ngày 1/1/2023, 12 gói thầu đầu tiên tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị 52.280 tỷ đồng đã chính thức được khởi công. Bên cạnh đó, 13 gói thầu còn lại tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, đường vành đai 3 (Tp.HCM) và vành đai 4 (Hà Nội) cũng sẽ dự kiến bắt đầu thi công trong nửa đầu năm 2023.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán DSC nêu rõ hành động quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới của Chính phủ sẽ tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp có uy tín và năng lực chuyên môn cao.

Bên cạnh đó, đội ngũ phân tích DSC cũng cho rằng cho yếu tố như dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt và giá một số nguyên vật liệu xây dựng quan trọng như Thép, Xi măng và Đá đã đạt đỉnh trong năm 2022, đây sẽ là điểm tích cực của ngành bởi việc triển khai các dự án sẽ không bị gián đoạn.

Chung quan điểm, Chứng khoán VNDirect đánh giá triển vọng nhóm đầu tư công sẽ bứt phá ngay từ đầu năm 2023. Theo ước tính của VNDirect, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng trưởng 20-25% so với cùng kỳ. Đơn vị này theo đó đánh giá cao triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng trong năm tới khi các vấn đề thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá VLXD cao hầu như đã được giải quyết.

Về phía doanh nghiệp, VNDirect cho rẳng cơ hội giành được các gói thầu quy mô lớn sẽ thuộc về những đơn vị hàng đầu như Vinaconex (VCG), Hạ tầng Đèo Cả (HHV), Cienco 4 (C4G), Hoà Bình (HBC), Coteccons (CTD)...

Trong đó, VCG, HHV và C4G đã được chỉ định tham gia tại 12/25 gói thầu đầu tiên của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2.

Còn với nhóm tư nhân như HBC, CTD... cơ hội đến từ siêu dự án sân bay Long Thành. Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), các gói thầu thi công nhà ga và đường băng sân bay sẽ được khởi công trong quý 1/2023, và những đơn vị vừa nêu tên sẽ có khả năng cạnh tranh để tham gia thi công gói thầu nhà ga hành khách.

Đáng chú ý, tại dự án sân bay Long Thành, C4G còn là ứng cử viên sáng cho gói thầu thi công đường băng sân bay nhờ kinh nghiệm tại các dự án sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc... VNDirect Research cũng kỳ vọng việc giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ sẽ bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở đối với nhu cầu thép.

Đồng thời, các công ty niêm yếu sở hữu mỏ đá chất lượng cao với vị trí thuận lợi sẽ là nguồn cung chính cho sân bay Long Thành, đặc biệt là cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân (do KSB, DHA, VLB và DND sở hữu). Dự án trọng điểm này sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2023-24.

Theo ước tính, sẽ có 355km và 177km đường cao tốc tại Cao tốc Bắc Nam GĐ 1 sẽ được hoàn thành trong năm 2023-2024; cùng với 729km đường cao tốc dự án CTBN GĐ 2 đi vào vận hành giai đoạn 2023-2025. VNDirect đưa ra cái nhìn lạc quan tới PLC của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP, một công ty nhựa đường sẽ có vị thế tốt để giành được các hợp đồng.

Câu chuyện không mới

Trong nhiều năm qua, câu chuyện đầu tư công vẫn thường xuyên được nhắc đi, nhắc lại như là một trong những động lực thúc đẩy các nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng nổi sóng. Tuy nhiên, thực tế lại không được như kỳ vọng khi giải ngân vốn đầu tư công thường chỉ hoàn thành từ 70% đến 80% so với kế hoạch vì nhiều lý do khác nhau.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ước đạt 436.000 tỷ đồng, tương đương 75,11% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%). Điều này sẽ khiến áp lực giải ngân trong năm nay là rất lớn từ hàng loạt các dự án mới sắp được triển khai.

Cổ phiếu vật liệu xây dựng, hạ tầng giao thông đồng loạt bứt phá sau cú hích từ đầu tư công - Ảnh 2.

Không thể phủ nhận nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ giúp các doanh nghiệp vật liệu xây dựng được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, kết quả có được như kỳ vọng hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Thêm nữa, mức độ hưởng lợi giữa các doanh nghiệp là khác nhau. Do đó, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn các cổ phiếu để theo sóng đầu tư công.

Dương Ngọc

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên