MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu khoáng sản và những ván bài bịp

Nếu xem việc mua-bán một số CP khoáng sản giống như đánh bạc, những gì đang xảy ra tại MTM (Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung) mới đây hay KSS (Khoáng sản Na Rì Hamico) vào năm ngoái… được ví như những ván cờ bạc bịp.

Sai phạm hệ thống

Hôm 19-9, Chủ tịch HĐQT MTM Trần Hữu Tiệp đã bị bắt tạm giam để phục vụ cho việc điều tra có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại công ty này. Trước đó vài ngày, MTM đã công bố lại BCTC quý IV-2015 trong đó có có tình tiết vốn điều lệ (VĐL) chỉ là 268,4 tỷ đồng thay vì 310 tỷ đồng như công bố trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong 31 triệu CP MTM đưa lên sàn có đến 4,16 triệu CP không tồn tại.

Cờ bạc bịp thường có chiêu dẫn dụ các con bạc bằng việc cho thắng vài lần đầu, vài đồng bạc lẻ, nhưng khi con bạc máu lên và đánh tất tay thì đó sẽ là lúc bị “úp sọt” và thua đau đớn. Và đã là cờ bạc bịp, biết là cờ bạc bịp thì đừng hy vọng có thể thắng được. Do vậy đánh CP khoáng sản nếu ví như những ván bài bịp thì đừng mong thắng.

MTM được đưa lên giao dịch tại UPCoM vào ngày 15-4, nhưng sau 2 tháng đã bị ngừng giao dịch (17-4) do được cho là đã ngừng hoạt động, trụ sở trùng với địa điểm một quán ăn. Mặc dù BCTC của MTM từ lúc giao dịch tại UPCoM đã bộc lộ nhiều điểm khuất tất, nhưng CP này vẫn được giao dịch hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu CP mỗi phiên. Vậy nên khi những vấn đề của MTM vỡ lở, cơ quan quản lý vào cuộc, mức độ thiệt hại cho các NĐT là vô cùng lớn. Ngoài ra các lãnh đạo của MTM từ thời điểm 29-8-2016 trở về trước cũng bị tố cáo đã có hành vi rút ruột vốn góp, chiếm đoạt tài sản công ty lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tháng 6-2015, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dĩnh và kế toán trưởng Hà Thị Thu Huyền của KSS đã bị khởi tố để phục vụ điều tra, làm rõ một số sai phạm cá nhân và đến ngày 11-6 KSS bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. KSS một thời là CP khoáng sản “đầu đàn” trên TTCK khi có những phiên tăng giá rất ngoạn mục, nhưng kèm sau đó là lao dốc cũng mạnh không kém trong giai đoạn 2009-2010.

Sau khi lãnh đạo bị bắt giữ, KSS lỗ hơn 200 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ là tạm thời bởi lẽ kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến với BCTC của KSS do không đủ căn cứ để xác thực số liệu. Tháng 6 năm 2016, KSS bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch do liên tục vi phạm công bố thông tin và đối mặt với việc bị hủy niêm yết.

Cuối tuần rồi, KSA (Khoáng sản Bình Thuận) đã bị phạt tổng cộng 170 triệu đồng do không công bố thông tin (CBTT) theo quy định pháp luật và CBTT không chính xác. Cụ thể KSA đã bị phạt 85 triệu đồng do không CBTT trên hệ thống của UBCKNN, HOSE và công ty về việc vi phạm pháp luật về thuế và việc chuyển nhượng Khoáng sản Đất Quảng Chu Lai. Tiếp đến là việc KSA chỉ mua đất để thăm dò quặng titan nhưng lại công bố là đã mua được 4 triệu tấn quặng ti tan và bị phạt 85 triệu đồng. Trước KSA, Khoáng sản luyện kim màu (KSK) cũng bị phạt 185 triệu đồng cũng vì lỗi CBTT không chính xác và không CBTT. Cũng với lỗi tương tự, Khoáng sản Hoà Bình (KHB) bị phạt 200 triệu đồng, Khoáng sản Hưng Long (KHL) bị phạt 185 triệu đồng.

Cơ hội nhỏ, trắng tay lớn

Với những sai phạm kể trên, nếu nói CP khoáng sản là nhóm CP tai tiếng nhất trên TTCK cũng không có gì quá đáng. Điểm đáng lưu ý ở đây là những sai phạm của CP khoáng sản hiện nay nhiều hơn hẳn so với 5-7 năm trước. Đây là một nghịch lý bởi lẽ các tiêu chuẩn minh bạch ngày một được nâng cao và theo thời gian DN sẽ được tiếp cận và ý thức hơn điều này. Vậy nên người ta có quyền đặt câu hỏi, phải chăng có một sự cố ý vi phạm các quy định về CBTT cũng như chủ đích qua mặt NĐT, coi thường cơ quan quản lý từ một số công ty khoáng sản?

Giả sử một công ty vi phạm CBTT nhưng lại trục lợi và thu về hàng tỷ đồng thì số tiền phạt hàng trăm triệu đồng xem ra là quá nhỏ và được ví như một loại chi phí trong một phi vụ. Những trường hợp như KSS, MTM là quá rõ ràng, có cơ quan công an vào cuộc, nhưng các trường hợp vi phạm về CBTT cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro. Rủi ro ở đây không chỉ liên quan đến biến động giá CP hiện hữu, hay những thiệt hại nặng nề của cổ đông, mà là rủi ro tuân thủ trên toàn TTCK.

Không loại trừ sẽ có những doanh nghiệp (DN) nhìn vào những trường hợp như của MTM và có ý định học theo. Tất nhiên, từ ý định trục lợi cho tới hành vi vẫn có khoảng cách, nhưng chỉ cần một ý định không tốt cổ đông của DN cũng đã bị thiệt hại. Nói đơn giản, nếu lãnh đạo DN hay cổ đông lớn chỉ chăm chăm thu lợi ích cho mình từ việc đánh CP, thời gian đâu nghĩ đến chiến lược kinh doanh hay phát triển DN. Luật sư Trần Minh Hải nêu quan điểm: Các cơ quan quản lý cần xem xét kỹ việc DN vi phạm CBTT bắt nguồn từ việc chưa quen với các quy định, hoặc có thể sơ suất nên quên hay có ý định trục lợi, giao dịch nội gián. Nghĩa là ngoài chuyện xử phạt những vi phạm về CBTT, cần xem xét có giao dịch bất thường hay không.

Một NĐT dày dạn kinh nghiệm đã ví von việc mua bán CP khoáng sản giống như chơi bịt mắt bắt dê. CP không có một cơ sở thông tin gì rõ ràng, tăng giảm khó đoán định. Nhưng thực tế nhìn vào khớp lệnh của nhiều CP khoáng sản vẫn có thể đạt mức trăm ngàn CP, hoặc thậm chí hàng triệu CP mỗi phiên. Câu hỏi đặt ra ở đây là NĐT biết rủi ro nhưng vẫn sẵn sàng đánh bạc, hay thực tế đây chỉ là cung-cầu ảo được tạo ra.

Những năm gần đây, việc các cơ quan quản lý đọc các giao dịch bất thường để phát hiện ra các hành vi thao túng, làm giá là phổ biến. Vậy nên, cũng không loại trừ khả năng NĐT biết, nhưng vẫn mạo hiểm với suy nghĩ mua nhanh, chạy trước, nhưng trong thực tế đây là một chiến thuật rất rủi ro. Có thể “trúng” với một vài CP nhưng sau đó lại mất sạch với một CP nào đó. Quan trọng hơn nữa, chính sự dễ dãi và liều lĩnh của một số NĐT cũng tạo ra cơ hội cho những động thái trục lợi xuất hiện.

Theo Minh Trang

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên