MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu logistic đồng loạt "nổi sóng", triển vọng nào cho năm 2022?

Cổ phiếu logistic đồng loạt "nổi sóng", triển vọng nào cho năm 2022?

Sau chuỗi ngày "im hơi lặng tiếng", hàng loạt cổ phiếu vận tải biển đồng loạt "nổi sóng", đua nhau bứt phá trong suốt phiên giao dịch hôm nay.

Cổ phiếu vận tải biển tăng tốc

Phiên giao dịch hôm nay không có quá nhiều biến động khi thị trường vẫn giữ nguyên trạng thái đi ngang, VN-Index chỉ giảm hơn nửa điểm xuống mốc 1.475 điểm. Trong khi nhóm chứng khoán vẫn "gieo sầu" khi ngập chìm trong sắc đỏ, hàng loạt cổ phiếu vận tải biển lại "nổi sóng" đua nhau bứt phá trong suốt phiên giao dịch hôm nay.

Cổ phiếu vận tải biển đồng loạt nổi sóng, triển vọng nào cho năm 2022? - Ảnh 1.

Tâm điểm chú ý của nhóm vận tải biển dồn vào cổ phiếu VOS của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam khi tăng kịch trần lên mức 20.700 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản ghi nhận 2,1 triệu đơn vị, trong khi đó dư mua trần hơn 1,1 triệu cổ phiếu. Lội ngược dòng quá khứ, VOS từng "dậy sóng" trên thị trường khi chạy thẳng một mạch từ mức giá 4.230 đồng lên mức đỉnh lịch sử 25.500 đồng/cổ phiếu vào hồi tháng 9, tức tăng gấp 6 lần chỉ trong vòng 3 tháng.

Sau chuỗi ngày "hạ nhiệt" khi liên tục đi ngang, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship (mã VNA) cũng ghi nhận đà tăng ấn tượng 9,6% lên mức 36.600 đồng/cổ phiếu. Tương tự như VOS, cổ phiếu này cũng từng có một thời "nổi loạn" khi tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ giá cước vận tải biển.

Cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng bứt tốc ngoạn mục khi có thời điểm bật lên mức giá trần. Tuy chốt phiên có phần giảm nhiệt, song HAH vẫn duy trì sắc xanh với mức tăng 4,8% lên mốc 72.200 đồng. Thanh khoản cũng duy trì ở ngưỡng cao với hơn 3,2 cổ phiếu khớp lệnh trong phiên.

Bên cạnh đó, hàng loạt mã vận tải biển như SGP (7,4%), TCL (5%), PHP (3,9%), GMD (3,3%), VSC (1,8%) cũng đồng loạt tăng mạnh.

Nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu này bất ngờ tăng tốc được cho là đến từ thông tin cước vận tải biển từ Trung Quốc đến Đông Nam Á tăng vọt trong tháng qua và đạt mức cao nhất trong lịch sử. Tính ra, giá cước này tăng cao gấp 10 lần so với mức trước đại dịch Covid-19, khi châu Á bước vào mùa cao điểm vận chuyển hàng hóa trước thềm Tết Nguyên đán.

Triển vọng nào cho năm 2022?

Theo báo cáo ngành cảng biển năm 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu ngành cảng biển do được hưởng lợi từ nhiều yếu tố.

Theo phân tích của VCBS, sản lượng hàng hóa dự báo khôi phục đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 sẽ là động lực lớn cho ngành cảng biển. Nguyên nhân chính được cho là đến từ các dự án đầu tư mới và mở rộng sản xuất đi vào hoạt động của nhiều doanh nghiệp FDI sau giai đoạn đình trệ trong năm 2021 do tỉnh hình dịch bệnh.

Cổ phiếu vận tải biển đồng loạt nổi sóng, triển vọng nào cho năm 2022? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, VCBS cũng dự báo cảng hạ nguồn Hải Phòng sẽ tăng trưởng trở lại, đặc biệt nhóm cảng nằm tại trung nguồn sông Cấm – Hải Phòng (cảng Đình Vũ, Tân Vũ, VIP Green, Nam Hải Đình Vũ,…) sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022 nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng sản lượng của khu vực Hải Phòng cùng với việc giải phóng mặt bằng các cảng nội thành để thúc đẩy xu hướng thúc đẩy đầu tư công.

Tuy giá cước vận tải có thể hạ nhiệt trong năm 2022 do nhiều yếu tố vĩ mô, song VCBS vẫn cho rằng giá cước vận tải container sẽ khó có thể về lại mức thấp ngay trong năm 2022 khi: (1) Một số trung tâm sản xuất và tiêu thụ lớn, đặc biệt nằm tại châu Á với quy mô dân số lớn (như Trung Quốc, Ấn Độ) sẽ cần thêm thời gian để đạt miễn dịch cộng đồng; (2) Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero Covid thông qua các biện pháp phong tỏa; (3) Nguồn cung tàu container đóng mới sẽ chỉ bắt đầu vào giai đoạn bàn giao mạnh từ 2023.

Từ những phân tích trên, VCBS đánh giá nhóm doanh nghiệp kho vận/ trung tâm logistic dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp vận tải biển  vẫn dồi dào và có khả năng thiếp lập nền lợi nhuận mới trong giai đoạn tới.

Đối với CTCP Gemadept (mã GMD), VCBS dự phóng sản lượng của Gemalink trong năm 2022 có thể đạt 1.461.690 TEU – gần 100% công suất thiết kế và sẽ là động lực quan trọng đến tăng trưởng lợi nhuận của GMD. Với những kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng từ Cảng Nam Hải và Nam Đình Vũ, VCBS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của GMD sẽ lần lượt đạt 7.167 tỷ đồng và 2.439 tỷ đồng.

Cổ phiếu vận tải biển đồng loạt nổi sóng, triển vọng nào cho năm 2022? - Ảnh 3.

Đối với VCBS cũng đánh giá cao triển vọng của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC) do kỳ vọng tăng trưởng tích cực tại cảng VIP Green và việc mua lại 36% cổ phần cảng cảng VIMC Đình Vũ (Vinalines Đình Vũ) đem đến động lực tăng trưởng và gia tăng hiệu quả hoạt động vận hành cảng của VSC từ năm 2022. Qua đó, VCBS cũng dự phóng doanh thu và lợi nhuận của VSC trong năm 2022 sẽ đạt lần lượt 2.296 tỷ đồng và 466 tỷ đồng.

Cổ phiếu vận tải biển đồng loạt nổi sóng, triển vọng nào cho năm 2022? - Ảnh 4.

CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (mã TCL) cũng được đánh giá là tiềm năng nhờ sản lượng xếp dỡ tại cảng Cát Lái kỳ vọng hồi phục trong năm 2022 và gia tăng hiệu quả mảng dịch vụ cảng cạn. VCBS đặt dự phóng doanh thu Tân Cảng đạt 1.427 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 146 tỷ đồng trong năm 2022.

Cổ phiếu vận tải biển đồng loạt nổi sóng, triển vọng nào cho năm 2022? - Ảnh 5.

Minh Châu

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên