Cổ phiếu mía đường đồng loạt tăng trần sau tin Ấn Độ lần đầu cấm xuất khẩu đường sau 7 năm
Cổ phiếu mía đường đua nhau xanh tím trong phiên sáng 24/8.
- 24-08-2023Một thành viên của Bamboo Capital sắp lên sàn UPCoM
- 24-08-2023Hiệu quả đầu tư đáng ghi nhận của các Quỹ do Techcom Capital quản lý
- 24-08-2023"Chơi lớn" như Pinetree: Miễn phí giao dịch trọn đời, chi 1,5 tỷ đồng tiền giải thưởng cho game chứng khoán
Tâm điểm thị trường dồn về cổ phiếu mía đường khi đua nhau tăng tốc với sắc tím bao phủ trong phiên sáng 24/8. Nổi bật nhất là SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa - cổ phiếu ngành mía đường có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán khi bất ngờ tăng hết biên độ với dư mua trần lên tới 1,2 triệu đơn vị, thanh khoản cũng tăng vọt hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh chỉ sau hơn một tiếng giao dịch.
Cổ phiếu LSS của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn và KTS của Công ty cổ phần Đường Kon Tum cũng đồng loạt tím trần, trắng bên bán. SLS và QNS cũng không nằm ngoài xu hướng tăng khi cùng bứt phá 6,9%.
Sự bùng nổ của cổ phiếu ngành đường diễn ra sau thông tin Ấn Độ dự kiến sẽ cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới, bắt đầu từ tháng 10/2023. Động thái tạm dừng xuất khẩu này của Ấn Độ diễn ra lần đầu tiên sau 7 năm, trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía.
Trọng tâm chính của New Delhi là đáp ứng nhu cầu đường trong nước và sản xuất ethanol từ mía dư thừa. Trong niên vụ sắp tới, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ không có đủ đường để phân bổ cho hạn ngạch xuất khẩu.
Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại tính đến ngày 30/9, sau khi cho phép các doanh nghiệp bán kỷ lục 11,1 triệu tấn trong niên vụ trước. Năm 2016, Ấn Độ đã áp thuế 20% đối với xuất khẩu đường để hạn chế doanh số bán ra nước ngoài.
Lo ngại về nguồn cung khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu khiến giá đường tiếp tục neo ở mức cao nhất 11 năm. Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá đường thô thế giới đạt 23,85 US cent/pound, tăng 27,5% so với thời điểm đầu năm nay.
Giá bán đường thế giới duy trì mức cao là một trong những luồng thông tin tích cực góp phần giúp cổ phiếu nhóm mía đường bùng nổ.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 87.000 tấn tăng 16,6% cho niên độ 2022/2023. Giá đường trong nước được dự báo nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.
Chứng khoán KBSV dự báo giá đường mía sẽ tiếp tục neo ở mức cao, hỗ trợ đà tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và trên thế giới trước khi bước giai đoạn điều chỉnh rõ ràng hơn.
Trong một báo cáo gần nhất, SSI Research cho rằng giá đường tinh luyện sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg (tăng 12% so với cùng kỳ) từ quý II/2023. Ngoài ra, đơn vị này kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.
Bên cạnh đó, các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ít có tác động đến tiêu thụ đường trong nước. Vì vậy, đơn vị này cho rằng cũng cho rằng kết quả kinh doanh của ngành sẽ diễn biến khả quan trong thời gian tới.
Nhịp sống thị trường