MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng ào ào lên đỉnh, nhờ đâu?

29-05-2021 - 07:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Bộ đôi cổ phiếu LPB-STB tăng trần trong phiên giao dịch ngày 28/5

Bộ đôi cổ phiếu LPB-STB tăng trần trong phiên giao dịch ngày 28/5

Cổ phiếu ngân hàng đã có một tuần giao dịch "đẹp như mơ". Và phiên giao dịch cuối tuần, thị trường chứng kiến dòng tiền ào ạt đổ vào mua cổ phiếu ngân hàng không cần...mặc cả giá.

Bộ đôi LPB - STB tăng trần

Lần đầu tiên bộ đôi cổ phiếu STB - Ngân hàng TMCP Sacombank và LPB - Ngân hàng TMCP LienVietPost tăng kịch trần trong phiên giao dịch gần cuối tháng 5.

Cụ thể, LPB tăng trần lên 28.000 đồng/cổ phiếu với 35 triệu cổ được khớp lệnh; STB cũng tăng trần lên 31.850 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh lên tới 73 triệu cổ phiếu. Hai cổ phiếu ngân hàng này là tâm điểm thu hút dòng tiền cực mạnh, đạt mức tăng kịch trần trên sàn HOSE.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu tăng trần phải kể đến BVB của Ngân hàng Bản Việt, NAB của Nam A Bank, VBB của VietBank, SGB của Saigonbank tăng từ 14,5 đến 15%. Nhìn chung, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bứt phá mạnh mẽ với 100% cổ phiếu giao dịch trên cả 3 sàn là HNX, HSX và UPCoM.

Thị trường vẫn có những mã cổ phiếu ngân hàng như VIB và VCB tăng giá nhẹ nhất trong phiên cuối tuần; mức tăng lần lượt 0,6% và 0,2%. MSB của Ngân hàng Hàng Hải, SSB của SeABank, BID của BIDV, KLB của Kienlongbank, MBB của Ngân hàng Quân đội với mức tăng từ 3,7% đến gần 9%.

Điều gì khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư đến vậy?

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Agriseco cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành quý I/2021 đạt 2,93% so với đầu năm. Nhóm ngân hàng tư nhân như MSB, MBB, TCB dẫn đầu về tăng trưởng cho vay khách hàng trong Quý I, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh (ngoại trừ VCB) có tăng trưởng tín dụng thấp hơn 2%. Ngoài ra,  lãi từ hoạt động dịch vụ toàn ngành tăng trưởng 63% với đóng góp chính đến từ hoạt động bảo hiểm, và lợi nhuận từ phí trả trước bancassurance .

Theo đó, cuối quý I/2021, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng nhìn chung tăng nhẹ với 17/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng, tỷ lệ nợ xấu trung bình đạt 1,38%. Tuy nhiên tỷ lệ bao nợ xấu ở nhiều ngân hàng đạt mức cao kỷ lục giúp tạo bộ đệm an toàn và của để dành ghi nhận hoàn nhập trong tương lai. Theo thông tin Agriseco Research ghi nhận, nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 của nhiều ngân hàng về mức thấp không đáng kể và đã có thể trả nợ bình thường.

Sức nóng đến từ tăng vốn

Nhận định về cơn sóng dài dò đỉnh của cổ phiếu ngân hàng, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, có nhiều nguyên nhân song mùa Đại hội cổ đông 2021 đang dần kết thúc, và câu chuyện tăng vốn mới chỉ khởi đầu của hành trình mới sau hai năm gián đoạn. Việc tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu của ngân hàng trong năm 2021.

Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MBB cho biết, ngân hàng muốn theo mô hình tập đoàn nên việc tăng vốn điều lệ là rất cần thiết trong thời gian này. Do đó, đại hội đồng cổ đông 2021 của MB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 38.676 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác, tờ trình tăng vốn điều lệ tại đại hội đồng cổ đông 2021 đều được thông qua như HDBank, NCB, Vietbank, ABBank, LienVietPostBank, MSB, VIB...

Riêng với Sacombank, dù ngân hàng này vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu nhưng cũng toan tính để tăng vốn sau nhiều năm dậm chân tại chỗ. Kế hoạch trình đại hội đồng cổ đông 2021 của ngân hàng này là sử dụng 6.500 tỷ đồng lợi nhuận từ các năm trước để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cho biết, phương án chia cổ tức của ngân hàng vẫn phải trình NHNN vì Sacombank đang tái cơ cấu. Đây là điều lý giải vì sao cổ phiếu STB tăng trần liên tục trong nhiều ngày qua…

Cổ phiếu ngân hàng ào ào lên đỉnh, nhờ đâu? - Ảnh 1.

Những năm qua nhiều ngân hàng đã có những đợt tăng vốn đáng kể để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn, nhất là trong năm 2017-2018, trong khi các ngân hàng quốc doanh (VCB và BID) được tăng vốn vào năm 2019. Kể từ sau những đợt tăng vốn đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Đồng thời, toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II từ 2019.

Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch. Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến hết năm  2021  sẽ có 16 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82,7 nghìn tỷ đồng (trong đó 61,8 nghìn tỷ đồng (75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18,3 nghìn tỷ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; và 2,6 nghìn tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP.

Từ 2020, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt. Thay vào đó, NHNN khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (VCB, BID, CTG) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước. Mặt khác, cổ tức bằng cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh trong năm 2021 được hỗ trở bởi Nghị định 121/2020, cho phép Chính phủ bơm vốn vào các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu Nhà nước trên 50%.

Tuy nhiên một số TCB, VPB và STB không duy trì chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu kể từ 2018. Trong khi đó, tại hầu hết các ngân hàng TMCP, tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn so với quá khứ do NHNN không cho phép trả cổ tức tiền mặt trong 2020 và 2021. SSI cho rằng, một số ngân hàng tư nhân như HDB, MSB, LPB…đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong 2020 và có thể trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021…Từ những phân tích trên cho thấy, có lý do cụ thể cho nhà đầu tư đẩy dòng tiền ồ ạt vào cổ phiếu ngân hàng.

Theo Hà Phương

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên