Cổ phiếu ngân hàng bứt phá mạnh, SSB và SHB tiếp tục tăng kịch trần
SSB có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp còn SHB vẫn giao dịch với khối lượng "khủng" và giá tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp.
- 29-03-2021Thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào, lãi suất có thể nhích tăng từ cuối quý 2
- 29-03-2021Kênh bơm tiền qua Kho bạc sắp "thông"?
- 29-03-2021Tín dụng đến 19/3 tăng 1,47%, huy động vốn chỉ tăng 0,54%
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch đầu tuần 29/3 ấn tượng với chỉ số VN-Index tăng 13,47 điểm (1,16%) lên 1.175,68 điểm; HNX-Index tăng 1,92% lên 276,16 điểm và UPCom-Index tăng 0,83% lên 80,52 điểm.
Nhóm ngân hàng hôm nay giao dịch tích cực ngay từ đầu phiên, hầu hết các mã trên cả 3 sàn là HSX, HNX và UpCOM đều tăng điểm, có thể kể đến ACB của ngân hàng ACB, BID của BIDV, CTG của VietinBank, MBB của MB, SHB của ngân hàng SHB, HDB của HDBank, TCB của Techcombank, VPB của VPBank, STB của Sacombank, OCB của ngân hàng OCB, VIB của VIB, KLB của Kienlongbank, NVB của Ngân hàng NCB…Thanh khoản của dòng cổ phiếu "vua" tiếp tục tăng, giúp dẫn dắt thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng tăng giá đồng loạt trong phiên giao dịch ngày 29/3
Đáng chú ý, SHB có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 21.400 đồng, khối lượng giao dịch đạt hơn 55 triệu đơn vị, tương đương giá trị trên 1 nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu này lập lại kịch bản của phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước khi chỉ trong 2 phút cuối bất ngờ tăng kịch trần với khối lượng giao dịch ồ ạt và sắc tím được giữ đến hết phiên với dư mua trần hơn 2,6 triệu đơn vị.
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu SHB liên tục giao dịch với khối lượng rất lớn, riêng phiên 26/3 vừa qua còn ghi nhận gần 80 triệu đơn vị được khớp lệnh, trị giá khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 40% tổng giá trị của sàn HNX.
Cổ phiếu SSB của ngân hàng SeABank trong khi đó ghi nhận phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp kể từ khi lên sàn tới nay. Phiên hôm nay thanh khoản của SSB có tăng hẳn so với các phiên trước với gần 4 triệu đơn vị được khớp lệnh, sau khi có các lệnh bán giữa phiên sáng. Tuy nhiên đến cuối phiên, mã này vẫn trống bên bán và dư mua trần hơn 1,3 triệu đơn vị.
Nguyên nhân tăng trần của SSB được cho là do cơ cấu cổ đông của ngân hàng khá cô đặc, nhu cầu mua lớn với giá kịch trần trong khi bối cảnh thị trường chung lại đang tích cực nên các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này kiên quyết không bán ra.