Cổ phiếu ngân hàng cắm đầu giảm, nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhà sáng lập Sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT
Trong những phiên gần đây, VN-Index liên tục lao dốc, cổ phiếu ngân hàng từ cổ phiếu vua giờ đang trở thành gánh nặng cho chỉ số, nhà đầu tư nên làm gì?
- 12-04-2022Nên làm gì khi ngân hàng siết cho vay bất động sản?
- 06-04-2022Chuyên gia: Giai đoạn hiện tại chứng khoán và bất động sản vẫn là 2 kênh đầu tư thích hợp
- 30-03-2022Chuyên gia: Lạm phát sắp tới không đủ để tạo sóng bất động sản và chứng khoán
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhà sáng lập Sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT cho rằng ngành ngân hàng và chứng khoán hiện đang bị liên đới không tốt từ bất động sản.
Vì 3 ngành bất động sản, chứng khoán và ngân hàng có liên hệ chặt chẽ với nhau hay còn gọi là "bộ ba tạo tiền của thị trường", nên khi có hiện tượng chỉnh đốn trái phiếu và pháp lý của các doanh nghiệp nhà đất thì tác động không chỉ ở cục bộ một ngành mà nó còn lan ra cả 2 ngành còn lại.
Trong ngắn hạn, triển vọng của các nhóm ngành này có phần không khả quan. Tuy nhiên, trong trung hạn hoạt động thanh lọc và siết chặt pháp lý sẽ tốt cho hoạt động chung của thị trường.
Trong tầm nhìn 3 tháng, nhóm ngành ngân hàng cần phải được chiết khấu thêm 10-15% về thị giá. Sau đó, cơ hội đầu tư trong trung hạn cho đến trên một năm có thể được mở ra cho nhóm này.
Kết quả kinh doanh quý 1 của nhóm ngành ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Các hoạt động thanh lọc thị trường vừa qua không tạo ra nợ xấu cho ngành ngân hàng, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn cao do nền kinh tế phục hồi.
Các hoạt động "nắn lưng" của cơ quan quản lý chỉ tạo ra áp lực tâm lý khiến thị trường lo ngại về việc có tồn tại sự huy động chưa hợp pháp về trái phiếu và bất động sản. Tuy nhiên, các yếu tố nền tảng của nhóm ngân hàng, nhìn chung hiện tại không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Thời gian tới, khi áp lực lạm phát gia tăng, dòng vốn không còn rẻ và lãi suất cũng tăng dần. Trong môi trường lãi suất cao, các ngân hàng sẽ hạn chế vay mượn.
Đối với câu chuyện Việt Nam, tình hình đang cho thấy lãi suất nhích lên không quá cao so với thế giới. Vì thế, trong trung hạn, triển vọng ngành ngân hàng vẫn sáng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng được hưởng lợi mà nó sẽ được phân hóa theo câu chuyện riêng của từng ngân hàng.
Lúc này nhà đầu tư cổ phiếu nói chung và nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng nói riêng nên rà soát lại danh mục. Từ đó tính toán việc liệu bản thân có thể nắm giữ được cổ phiếu dài hơn so với chu kỳ đầu tư dự kiến hay không.
Có thể trong 3 tháng thì có thể tính toán đến việc hạ tỷ trọng, hay trong trường hợp đầu tư từ 6 tháng đến 1 năm trở lên thì có thể cân nhắc tăng tỷ trọng hoặc huy động thêm nguồn vốn để thực hiện bình quân giá.
Việc thứ hai các nhà đầu tư cần làm là soi lại danh mục, xem liệu ngân hàng nào có câu chuyện và liệu câu chuyện đó có hấp dẫn được dòng tiền không. Để hấp dẫn dòng tiền thì tăng trưởng và tái định giá lại là 2 câu chuyện quan trọng nhất.