Cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh
Cổ phiếu ngân hàng hoà nhịp chung của thị trường với màu xanh phủ khắp bảng điện tử, trong đó có 5 mã tăng trên 3%.
Thị trường chứng khoán phiên 7/12 hồi phục mạnh sau 2 phiên lao dốc trước đó. Cầu bắt đáy ở khắp các nhóm ngành đẩy cả ba chỉ số trên sàn HSX, HNX và UPCoM tăng đồng loạt, trong đó VNIndex tăng 33,19 điểm tương đương 2,35% lên 1.446,77 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng cũng hoà nhịp chung của thị trường với màu xanh phủ khắp bảng điện tử, ngoại trừ NAB của Nam A Bank giảm nhẹ 0,5% vào lúc đóng cửa, nhưng do giao dịch trên UPCoM nên bình quân giá của cổ phiếu này vẫn tăng.
BID của BIDV hôm nay tăng mạnh nhất với 3,9% lên đóng cửa tại 43.600 đồng. Hôm qua, BID là 1 trong 2 cổ phiếu ngân hàng, cùng với TPB của TPBank, giữ được lực tốt nhất giữa lúc toàn thị trường "sập". Giá BID được đẩy lên cao do ngân hàng này chuẩn bị chia cổ tức tỷ lệ gần 26%.
STB của Sacombank cũng tăng 3,9% lên 28.050 đồng/cổ phiếu - mức giá đóng cửa gần như đỉnh của phiên. Thanh khoản mã này đạt hơn 12,8 triệu đơn vị và được khối ngoại mua ròng gần 600 nghìn cổ phiếu.
LPB của LienVietPostBank, HDB của HDBank và OCB của Ngân hàng Phương Đông là 3 cổ phiếu tiếp theo tăng mạnh trên 3%. Sau phiên này, HDB lại chinh phục mốc 30 nghìn đồng/cổ phiếu còn OCB chốt tại 26.800 đồng. Điểm chung của cả 3 là được khối ngoại mua ròng lượng lớn cổ phiếu trong phiên nay.
Trong một báo cáo mới công bố ngày hôm qua, các nhà phân tích của SSI Research đánh giá rất tích cực đối với triển vọng của OCB, HDB và cả VPB. Đối với OCB, nhóm phân tích nhận định kế hoạch tăng vốn (phát hành 70 triệu cổ phiếu trong quý 4) là động lực chính cho OCB trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, nhà băng này đang đầu tư vào nhiều dự án liên quan chuyển đổi số, sẽ giúp cung cấp sản phẩm nhanh hơn và cũng như cải thiện hiệu suất hoạt động. Trên cơ sở đó, SSI Research dự báo lợi nhuận OCB trong 2021 và 2022 ở mức 5,3 nghìn tỷ và 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 17%.
Còn đối với HDB, SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 7,8 nghìn tỷ đồng (+33%) năm 2021 và 9,4 nghìn tỷ đồng (+21%) năm 2022, chưa bao gồm khoản upfront fee có thể có từ hợp đồng độc quyền banca trong năm 2022. Với VPB, lợi nhuận năm 2021 và 2022 có thể duy trì mức tăng ổn định lần lượt là 22% và 23%.
Trở lại với diễn biến thị trường, trong khi BID và STB tăng mạnh 3,9% nhưng xét về con số tuyệt đối thì VCB của Vietcombank mới là mã tăng nhiều nhất. Cổ phiếu có thị giá cao nhất nhóm ngân hàng hôm nay tăng 2.800 đồng tương đương 2,9% lên 98.200 đồng, góp phần quan trọng kéo thị trường đi lên.
Ngoài ra, các mã có thanh khoản cao khác như SHB, MBB, TCB, CTG cũng tăng tốt phiên nay, mức tăng trên dưới 2%. VPB là mã tăng ít nhất với 0,4% và bị khối ngoại trở lại bán ròng hơn 1,9 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh trong ngày 7/12