MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng hụt hơi

16-10-2023 - 07:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu ngân hàng gần đây thiếu vắng dòng tiền, kém sức hút trong bối cảnh lãi suất giảm, nợ xấu gia tăng...

Từng được mệnh danh là cổ phiếu "vua" vì vốn hóa lớn nhất thị trường và nhà đầu tư thường rất yêu thích nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng (NH) từ đầu năm đến nay gần như không tạo đợt "sóng" nào rõ ràng, ngoại trừ một vài mã có câu chuyện cụ thể. Thậm chí, nhân viên môi giới chứng khoán còn khuyên khách hàng của mình nên "né" cổ phiếu NH vì mức sinh lời rất thấp.

Lợi nhuận phân hóa mạnh

Chị Ngọc Bích (một nhà đầu tư ở TP HCM) cho biết giai đoạn 2021 - 2023, chị đầu tư rất nhiều vào cổ phiếu NH nhưng mấy tháng nay chị không mua hoặc nắm giữ mã NH nào. Bởi theo quan sát của chị, ngay cả giai đoạn VN-Index tăng mạnh từ cuối tháng 5 đến nửa cuối tháng 9, nhiều cổ phiếu NH vẫn phục hồi rất chậm. "Ngành NH liên tục giảm lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi nợ xấu lại tăng nên tôi nghĩ bức tranh lợi nhuận của các NH năm nay và cả năm tới sẽ khó đột biến" - chị Ngọc Bích lập luận.

Một số nhà đầu tư khác cho biết họ vẫn nắm giữ cổ phiếu NH nhưng chủ yếu là những mã mua từ đợt sụt giảm năm 2022. "Các mã này hiện vẫn còn lỗ. Tôi chờ khi nào cổ phiếu quay về giá vốn sẽ bán chứ không có ý định mua mới hoặc nắm giữ thêm nữa. Bởi cổ phiếu NH quá chậm trong thị trường, hiện nay có nhiều mã rất tiềm năng" - chị Hạnh (nhà đầu tư ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết.

Cổ phiếu ngân hàng hụt hơi - Ảnh 1.

Nhà đầu tư cho biết trên sàn hiện có nhiều nhóm cổ phiếu khác tiềm năng và mức độ sinh lời hơn cổ phiếu ngân hàng Ảnh: TẤN THẠNH

Thời điểm này, chưa NH nào chính thức công bố kết quả kinh doanh quý III nhưng một số công ty chứng khoán đã ước tính lợi nhuận của một vài NH thương mại với mức tăng trưởng khá khiêm tốn. Như Công ty Chứng khoán SSI ước tính kết quả kinh doanh quý III của NH TMCP Á Châu (ACB) với lợi nhuận trước thuế khoảng 4.800 - 5.000 tỉ đồng, tăng 7% - 12% so với cùng kỳ dựa trên mức tăng trưởng tín dụng là 8,5% so với đầu năm. Dù vậy, SSI Research vẫn cho rằng sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) thu hẹp trong quý III.

Ngược lại, một số NH khác lợi nhuận dự kiến giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý nợ xấu; NIM giảm so với cùng kỳ hoặc tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng. Các chuyên gia cũng nhận định bức tranh lợi nhuận của các NH thương mại sẽ có sự phân hóa trong quý III và cả thời gian tới.

Chỉ hợp nắm trung dài hạn?

Trả lời câu hỏi vì sao nhà đầu tư thờ ơ với cổ phiếu NH, ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, phân tích biên lợi nhuận ròng của NH thương mại đang thu hẹp (chưa bao gồm dự phòng rủi ro) trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp; CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cũng thấp... Lãi suất huy động giảm nhanh nhưng vẫn chưa lan tỏa mạnh nhằm giúp giảm chi phí đầu vào của NH, trong khi nợ xấu gia tăng cho thấy triển vọng lợi nhuận của nhiều NH chưa thật sự tích cực. Những yếu tố này khiến giá cổ phiếu NH còn chưa hấp dẫn.

Số liệu mới nhất của NH Nhà nước, tính đến hết tháng 9-2023, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH mới đạt 6,92% so với cuối năm ngoái, vẫn còn cách rất xa mục tiêu 14%-15% của cả năm. Tăng trưởng tín dụng kém khả quan khi khả năng hấp thụ vốn tín dụng của khách hàng cá nhân và DN đều chưa khởi sắc.

Trong báo cáo cập nhật ngành NH gần đây, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã điều chỉnh dự phòng kết quả kinh doanh và giảm giá mục tiêu nhiều cổ phiếu NH, phản ánh bức tranh chưa tích cực. "Nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi trong năm nay nên tăng trưởng tín dụng của các NH sẽ khó đạt được như mục tiêu đặt ra" - MBS lý giải.

Nhìn ở góc độ khác, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định tỉ lệ cổ phiếu NH có thể tự do chuyển nhượng trên sàn chứng khoán (free-float) rất lớn nên khó tạo sóng mạnh như các ngành khác. Khả năng tạo sóng không mạnh như các ngành khác nên khó hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư ngắn hạn, hoặc đầu tư lướt sóng... "Những người đầu tư cổ phiếu NH xưa nay thường có xu hướng thận trọng, "ăn chắc mặc bền", không có quá nhiều nhu cầu lướt sóng. Riêng về thanh khoản sụt giảm thì trong xu hướng chung của VN-Index khi thanh khoản thị trường 1 tháng trước đó bình quân khoảng 25.000 tỉ đồng/phiên nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 15.000 tỉ đồng/phiên. Dòng tiền vào cổ phiếu NH cũng khó tăng nhưng đây vẫn là nhóm cổ phiếu phù hợp cho nhu cầu đầu tư trung dài hạn và những nhà đầu tư có xu hướng thận trọng" - ông Trương Hiền Phương nói. 

Lại đau đầu nợ xấu

Báo cáo mới nhất của NH Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 7-2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56% (cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020). Nếu không tính 5 NH đang được kiểm soát đặc biệt, tỉ lệ này ở mức 1,92%. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa được xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng tới 6,16% so với tổng dư nợ. Theo NH Nhà nước, diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều điểm bất lợi gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng. Từ đó làm gia tăng nợ xấu, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của NH thương mại.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên