Cổ phiếu ngân hàng không chỉ hấp dẫn trong năm nay mà cả 2018?
Chốt phiên giao dịch ngày 22/11, chỉ số VN-Index đã vượt 930 điểm, lập mức đỉnh 10 năm và đã tăng hơn 40% so với cuối năm 2016. Nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là động lực dẫn dắt, giúp thị trường chung “thăng hoa”.
“Cổ phiếu vua” trở lại
Thị trường chứng khoán thời gian qua diễn biến khá tích cực khi hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn và đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh giúp thị trường bứt phá.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/11, chỉ số VN-Index đã vượt 930 điểm, lập mức đỉnh 10 năm và đã tăng hơn 40% so với cuối năm 2016. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là động lực dẫn dắt, giúp thị trường chung “thăng hoa” với mức tăng vượt xa so với mức tăng của các ngành khác.
Vậy câu hỏi đặt ra là, nhờ đâu mà cổ phiếu "vua" quay lại? Rõ ràng, đó là những thông tin tích cực phủ khắp "các mặt trận".
Chẳng hạn tại kỳ họp thứ Ba Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng – khóa mở những nút thắt về xử lý nợ xấu bấy lâu nay. Nghị quyết ra đời và có hiệu lực từ 15/8/2017 là công cụ pháp lý rất quan trọng, có hiệu quả để hệ thống ngân hàng đẩy nhanh được tiến độ xử lý các khoản nợ tồn đọng. Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, nợ xấu, nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC của toàn hệ thống đã giảm được 60.000 tỷ kể từ đầu năm tới nay.
Tiếp đến, tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng vào ngày 20/11 với hàng loạt các quy định đưa ra nhằm đảm bảo các ngân hàng hoạt động minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, bên cạnh những cơ chế xử lý nhóm ngân hàng yếu kém.
Thêm vào đó, tín dụng chung toàn ngành đang tăng trưởng rất tốt. Theo công bố của NHNN, tín dụng cuối tháng 10 đã tăng 13,6% so với đầu năm, vượt tốc độ tăng năm trước và người đứng đầ ngành ngân hàng là Thống đốc Lê Minh Hưng tự tin tín dụng cả năm (21%) sẽ về đích đúng như kế hoạch.
Yếu tố tiếp theo tác động tích cực lên cổ phiếu nhóm ngân hàng là kết quả kinh doanh khả quan qua đó làm tăng thêm niềm hưng phấn cho nhà đầu tư. Mặc dù chưa kết thúc năm tài chính 2017 song qua 9 tháng đầu năm cho thấy các ngân hàng đang có kết quả lạc quan nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ đã có thêm nhiều cái tên mới, trong đó nhiều ngân hàng đạt con số lãi cao nhất từ trước tới nay.
Với những thông tin tích cực trên, thị trường kỳ vọng nhóm ngành ngân hàng sẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong những tháng còn lại của năm 2017, thậm chí cả nửa đầu năm 2018.
Hàng loạt “hàng nóng” sắp lên sàn
Tính đến nay, đã có tổng cộng 13 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Eximbank, MBBank, Sacombank, VPBank niêm yết trên HOSE; ACB, SHB, NCB trên HNX và VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank giao dịch trên UPCoM.
Bên cạnh đó cũng có hàng loạt các ngân hàng đã lên kế hoạch lên sàn thời gian tới, trong đó những ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh sẽ ưu tiên niêm yết luôn trên HSX hoặc HNX hoặc trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo nguồn tin của chúng tôi, bên cạnh những cái tên đã nhắc đi nhắc lại kế hoạch lên sàn như Techcombank, HDBank thì TPBank cũng đang có bước đi tương tự. Sau tái cơ cấu thành công, giá cổ phiếu TPB đã tăng khá mạnh và đến thời điểm hiện tại đang được giao dịch quanh mốc 21-22 nghìn đồng/cổ phiếu.
Đi xuyên qua thời kì khủng hoảng của toàn ngành, TPBank vẫn phát triển ổn định và bền vững. Chỉ trong 10 tháng năm 2017, TPBank đã đạt lợi nhuận trước thuế gần ngàn tỷ đồng cùng tổng tài sản vượt 110 nghìn tỷ đồng. Tín dụng của TPBank đạt gần 70 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng gần 25%. Chất lượng tín dụng của TPBank được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,8%, và dự phòng rủi ro đã được trích lập đầy đủ.
Với mức lợi nhuận đã đạt được qua 3 quý vừa qua cùng với sự bứt phá trong tốc độ kinh doanh quý IV, TPBank kỳ vọng sẽ vượt xa kế hoạch lợi nhuận đã đề ra và có thể gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ thời gian tới.
Nếu kế hoạch TPBank lên sàn thành hiện thực cũng sẽ là một tín hiệu tốt không chỉ cho ngân hàng mà cả cổ đông của họ cũng như hệ thống, bởi khi cổ phiếu lên sàn sẽ giúp họ tăng khả năng tiếp cận với NĐTNN, qua đó nâng vốn cấp 1 trước khi Basel 2 được áp dụng. Không những vậy, ngân hàng cũng sẽ có lợi thế khi được nâng cao danh tiếng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng vốn cấp 2 hoặc phát hành trái phiếu ra nước ngoài.