MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ, VN-Index trụ mốc 1.300 điểm

Tại vùng đỉnh cũ, VN-Index vẫn gặp rung lắc, giằng co, tâm lý thận trọng bao trùm thị trường. Kết phiên, mốc 1.300 điểm được bảo toàn nhờ các trụ đỡ nhóm ngân hàng.

Dù có thời điểm điều chỉnh về dưới tham chiếu, nhưng kịch bản kéo trụ lại xuất hiện, giúp VN-Index bảo toàn mốc 1.300 điểm. Cổ phiếu ngân hàng với BID, MBB, CTG, LPB, TPB… lần lượt là những mã dẫn đầu.

Dòng tiền tập trung vào các mã nhà băng với MBB, VPB, STB, SHB nằm trong top 10 thanh khoản. Đây là tín hiệu tốt trong bối cảnh một số cổ phiếu trụ cột khác suy yếu.

FPT quay đầu điều chỉnh, đóng cửa giảm 1,52% xuống còn 130.000 đồng/cổ phiếu, gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. Một số mã lớn khác như SAB, GVR, PLX… giảm giá.

Nhóm VN30 tương đối phân hóa, với 15 cổ phiếu điều chỉnh. Việc VN30-Index vẫn giữ được sắc xanh có đóng góp quan trọng từ nhóm ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ, VN-Index trụ mốc 1.300 điểm- Ảnh 1.

Nhóm ngân hàng dẫn dắt thị trường

Một số cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tích cực , với thông tin hỗ trợ từ các dự án mới. PDR, DIG… cùng tăng giá. Như DIG ghi nhận thanh khoản đột biến, lọt top 10 mã giao dịch sôi động nhất, sau khi doanh nghiệp này cập nhật kế hoạch triển khai 4 dự án trong tháng 6.

Bên cạnh nhóm ngân hàng hay một số cổ phiếu có câu chuyện riêng, thị trường giao dịch khá thận trọng, trong bối cảnh VN-Index ở vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Nhiều nhóm ngành có sức ảnh hưởng chịu sự phân hóa, như chứng khoán , dầu khí, thép,…

Trong khi đó, cổ phiếu đang gây chú ý trên thị trường là VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam ( VEAM ) tăng giá trở lại sau phiên điều chỉnh khi đón nhận thông tin Tổng giám đốc bị bắt.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,32 điểm (0,1%) lên 1.301,51 điểm. HNX -Index tăng 0,05 điểm (0,02%) lên 248,36 điểm. UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (0,12%) xuống 99,02 điểm. Thanh khoản nhích nhẹ với giá trị khớp lệnh HoSE hơn 20.175 tỷ đồng

Khối ngoại lại có phiên bán ròng nghìn tỷ, với giá trị hơn 1.404 tỷ đồng. Vốn ngoại xả mạnh FPT (721 tỷ đồng). VHM, VRE, HPG, MWG đều bị bán ròng với giá trị hơn 100 tỷ đồng mỗi mã. Ở chiều ngược lại, MBB được mua ròng mạnh nhất 154 tỷ đồng.

Theo Việt Linh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên