MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng nào giảm mạnh nhất trong "cơn lốc" vừa qua và nguyên do?

28-04-2022 - 10:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu ngân hàng nào giảm mạnh nhất trong "cơn lốc" vừa qua và nguyên do?

Không một cổ phiếu ngân hàng nào toàn vẹn trong cú sập vừa qua của thị trường; nhiều mã giảm tương đương tỷ lệ của VN-Index, nhưng một số mã giảm gấp đôi...

Trong cơn bão thị trường tháng 4, SHB dẫn đầu nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng giảm giá, tỷ lệ giảm tới 30%, gấp hơn hai lần so với mức giảm của VN-Index là 13,55%…

Lợi nhuận hướng đến các đỉnh mới

Hôm qua 26/4, TPBank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 36%; quy mô tổng tài sản 350.000 tỷ đồng, tăng 20%; dư nợ cho vay và trái phiếu dự kiến đạt 188.800 tỷ đồng theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.

Tại đại hội tổ chức trước đó một ngày, MB đặt mục tiêu 5 năm tiếp theo, ngân hàng vào top 3 thị trường về hiệu quả, tăng trưởng lợi nhuận kép tối thiểu 23%.

Riêng năm 2022, kế hoạch dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 472.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16% (theo giới hạn room của NHNN); huy động vốn tăng trưởng đảm bảo nhu cầu kinh doanh, dự kiến ở mức 488.000 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%; lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 20.300 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2021.

Lãnh đạo ngân hàng chia sẻ tham vọng đến 2026 doanh thu và lợi nhuận MB gấp 2,5-3 lần so với 2021 theo các kịch bản linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Trước đó, OCB và Techcombank (TCB) cùng tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 23/4. Theo đó, TCB đặt mục tiêu lãi trước thuế 2022 ở mức 27.000 tỷ, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức NHNN cho phép; tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1,5%. Techcombank là ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gia nhập "câu lạc bộ lãi tỷ đô" năm 2021, với lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 47,1% so với 2020.

Với OCB, ngân hàng lên kế hoạch dư nợ tín dụng 2022 hơn 129.000 tỷ, tăng 25%; lợi nhuận trước thuế là 7.110 tỷ, tăng 29%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Cổ phiếu ngân hàng nào giảm mạnh nhất trong cơn lốc vừa qua và nguyên do? - Ảnh 1.

Ngành ngân hàng với bức tranh lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng tốt, kế hoạch vốn dồi dào...


Trong số các ngân hàng đã tổ chức ĐHCĐ nêu trên, có TPBank và OCB chia sẻ với cổ đông về kết quả kinh doanh quý 1/2022.Một ngày trước đó, 22/4, Sacombank tiến hành đại hội, đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 dự kiến đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Ngoài mục tiêu lợi nhuận, tổng tài sản dự kiến đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, đạt 435.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Ngân hàng dự kiến chậm nhất đến năm 2023 sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đề án đã được NHNN phê duyệt…

Với TPBank, kết thúc quý 1/2022, tổng tài sản của ngân hàng ở mức trên 300.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng đạt gần 178.000 tỷ, tăng 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng đạt 1.623 tỷ đồng.

Với OCB, kết thúc quý đầu năm, tổng tài sản tăng 2%, dư nợ tín dụng tăng 6%, lợi nhuận là 1.100 tỷ. Lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% là thách thức nhưng như những năm trước, ngân hàng sẽ cố gắng để về đích.

Trong khi đó, theo báo cáo của SSI đối với 13 ngân hàng TMCP về lợi nhuận quý 1/2022, có 12/13 nhà băng dự kiến tăng trưởng dương gồm ACB, BIDV, HDBank, MB, MSB, VIB, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, và VPBank; duy chỉ có VietinBank dự báo tăng trưởng âm, trên nền cao của năm trước, tuy nhiên dự báo cả năm vẫn là tăng trưởng dương.

Thực tế, một số ngân hàng đã báo lãi tăng trưởng trong quý đầu năm như VPBank với lãi đột biến trên 11.146 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt mức dự báo của SSI là khoảng 11.000 tỷ.

Hay SeABank công bố ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2022 đạt 1.306,4 tỷ đồng, tăng trưởng 87,1% so với cùng kỳ năm 2021…

Cổ phiếu vẫn không đủ sức chống đỡ

Như vậy có thể thấy, sau kết quả kinh doanh 2021 tăng trưởng mạnh, ngành ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu lãi lớn trong 2022, và thực tế bức tranh quý 1 vẫn đang là gam màu sáng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngành ngân hàng lại không có diễn biến thuận lợi trong thời gian qua.

Theo đó, chỉ trong chưa đầy 3 tuần giao dịch của tháng 4, nhiều cổ phiếu ngân hàng có mức chiết khấu cao hơn mức giảm chung của VN-Index như LPB, KLB, ABB, NAB… Cá biệt có trường hợp như SHB có mức giảm giá thảm khốc chỉ trong một thời gian ngắn và dẫn đầu về mức độ tổn thương cho cổ đồng và nhà đầu tư xét trong ngắn hạn.

Cổ phiếu nhà băng với tỷ lệ vốn chiếm lớn nhất trên thị trường đã không ngăn được đà giảm mạnh của thị trường giai đoạn vừa qua, vốn bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu bất động sản. Thậm chí ở phiên 25/4, nhiều mã ngân hàng ghi nhận giảm sàn như VPB, CTG, TCB, BID và nhiều mã giảm mạnh đã nhấm chìm VN-Index - ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất từ đầu năm, về gần hơn mức 1.300 điểm, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2021.

Cổ phiếu ngân hàng nào giảm mạnh nhất trong cơn lốc vừa qua và nguyên do? - Ảnh 2.

Biểu đồ chỉ số cổ phiếu ngành ngân hàng


Tại sao kết quả kinh doanh sáng sủa không giúp cho diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng tích cực, giúp "cầm máu" cho thị trường trong bão tố?

Lý giải điều này, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB mới đây cho rằng, thời gian qua bên cạnh kết quả kinh doanh tốt và nổi bật, có những ngân hàng không thu hút được dòng tiền nên giảm giá.

"Nguyên nhân đầu tiên đa phần ngân hàng top đều hết room cho khối ngoại, do vậy sự tham gia thêm của khối này gần như không có", ông Hà cho biết.

Thứ hai, theo vị này đâu đó thị trường chờ đợi liên quan trích lập dự phòng nợ xấu thực chất của ngân hàng và ông Hà cho rằng khoảng một năm nữa sẽ nhìn câu chuyện này rõ hơn.

"Trong góc độ quan sát thị trường thời gian qua, dòng tiền có sự phân hóa, luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu từ cơ bản, đầu tư công, chứng khoán, dầu khí, bất động sản… vì vậy việc không chọn ngân hàng có thể là sự tất yếu", CEO MBS nêu.

Trong khi đó, chuyên gia chứng khoán Đào Phúc Tường đề cập tới câu chuyện định giá nhóm ngân hàng Việt Nam với sự khác biệt các nước trong khu vực. Cụ thể, liên quan định giá ngân hàng, có một sự đối nghịch rất lớn ở thị trường Việt Nam. Trong các cáo cáo phân tích các công ty chứng khoán ra định giá ngân hàng theo P/B, tức giá trên giá trị sổ sách, nhưng khi nói chuyện thị trường lại dùng P/E, là sự khác biệt lớn.

Ông Tường cho biết, P/E cổ phiếu ngân hàng luôn luôn thấp, ít trường hợp có P/E cao, kể cả trong khu vực ngoại trừ ngân hàng có vấn đề. Thực chất, định giá thị trường Việt Nam đang thấp vì P/E ngân hàng kéo xuống. Vị này cho biết, khi đầu tư luôn tách định giá nhóm tài chính riêng khỏi phóm phi tài chính.

"Nhìn vào P/B ngân hàng, tại thời điểm quý 4/2021 và quý 1/2022, P/B của ngân hàng đang ở đỉnh của rất nhiều năm. Tôi cho rằng đó là lý do cổ phiếu ngân hàng không thu hút dòng tiền. Khi P/B định giá đang ở vùng đỉnh cộng với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận không có gì quá khác biệt so với kỳ vọng nhà đầu tư thì khó thu hút dòng tiền", chuyên gia Đào Phúc Tường đánh giá.

Vị này cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận rất cao của nhóm ngân hàng thực ra có từ quý 4/2021, tức sau khi COVID qua đi, chúng ta mở cửa trở lại, các bên tham gia thị trường đã nhìn rất rõ năm 2022 lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tốt.

"Nhưng nguyên lý hoạt động của TTCK, cái gì cả thị trường trông đợi rồi nó không còn nhiều trái ngọt nữa. Nó là vẻ đẹp tiềm ẩn của TTCK", ông Tường nói.

Theo Huyền Châm

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên