MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng trở lại thời 'vàng son', vì sao?

21-06-2017 - 08:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ trong một thời gian ngắn, quay lại thời hoàng kim cách đây khoảng 10 năm.

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngày 20-6 sắc xanh phủ kín ba sàn. Đáng chú ý, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng (NH) tiếp tục bứt phá mạnh. Thậm chí có cổ phiếu NH tăng gấp hai lần chỉ trong một thời gian ngắn, quay lại thời hoàng kim cách đây khoảng 10 năm.

Tìm về quá khứ vàng son

Cổ phiếu NVB của NH Thương mại Cổ phần Quốc Dân đã tăng tổng cộng gần 100% trong vòng chín phiên vừa qua. Anh Nguyễn Trung Quân, một nhà đầu tư chứng khoán, cho biết đầu năm nay anh bỏ ra 24 triệu đồng mua 5.000 cổ phiếu NVB với giá 4.800 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 19-6, giá cổ phiếu này tăng lên mức 10.300 đồng, anh đã thu về được hơn 51,5 triệu đồng.

“Chỉ trong vòng gần sáu tháng tôi đã kiếm lời hơn gấp đôi so với vốn đầu tư ban đầu. Nếu so với lãi suất tiền gửi cao nhất trong thời điểm hiện tại là 8,2%/năm thì với giá cổ phiếu tăng như trên, lợi nhuận tương đương với lợi nhuận của khách hàng gửi tiền trong khoảng 14-15 năm” - anh Quân so sánh.

Không có được mức tăng chóng mặt như cổ phiếu của NH Quốc Dân nhưng hàng loạt cổ phiếu của các NH khác cũng đang hấp dẫn thị trường và hút một dòng tiền đổ vào rất mạnh. Điển hình như cổ phiếu SHB tăng gần 60%; MBB, ACB, Sacombank đều tăng trên 40%. Tương tự, cổ phiếu của nhóm NH lớn như BIDV cũng tăng 37%, VietinBank tăng 33%...

Việc nhiều cổ phiếu NH tăng mạnh và quay trở lại thời “vàng son” khiến không ít nhà đầu tư tiếc hùi hụi vì trước đây đã không mua cổ phiếu ngành này, bỏ qua cơ hội kiếm tiền “khủng”. Trong đó đáng chú ý là trong nhiều phiên gần đây, khối lượng giao dịch của cổ phiếu STB tăng gấp nhiều lần, có thời điểm lên tới trên 13 triệu đơn vị với trị giá hàng trăm tỉ đồng.


Các ngân hàng đang kỳ vọng nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua. Ảnh: TL

Các ngân hàng đang kỳ vọng nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua. Ảnh: TL

Một số chuyên gia và công ty chứng khoán nhận định nếu hoạt động tái cơ cấu NH tiếp tục củng cố, nhóm cổ phiếu ngành này có thể tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt đối với chỉ số VN Index trong thời gian tới.

“Các cổ phiếu ngành NH trên sàn đồng loạt gia tăng đã giúp các cổ phiếu trên OTC (thị trường phi tập trung) được thơm lây khi mức tăng thậm chí còn mạnh hơn trên sàn. Ngoài ra, các cổ phiếu NH trên OTC được kỳ vọng sớm niêm yết cũng giúp giá tăng nhanh hơn cổ phiếu của NH đã niêm yết” - ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia chứng khoán, nhận xét.

Cổ phiếu ngân hàng “phá băng”

Phân tích về việc cổ phiếu NH bùng nổ, đại diện một NH cho hay thời gian qua việc xử lý tài sản đảm bảo đã gây khó khăn rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Việc chậm xử lý tài sản đảm bảo do vướng mắc các quy định hiện hành khiến tài sản giảm sút giá trị, đồng thời khiến NH phải gia tăng trích lập dự phòng và khoản này ăn mòn vào lợi nhuận.

“Theo kế hoạch, ngày 21-6, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu được xem là cục máu đông của ngành NH. Nếu nghị quyết này được thông qua thì đây là tin vui với các NH, đặc biệt là những nhà băng đang có các khoản nợ xấu lớn. Kỳ vọng những vướng mắc về tài sản đảm bảo sẽ được tháo gỡ. Và những kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc xử lý nợ xấu đang được thể hiện rõ trên sàn chứng khoán khi giá trị cổ phiếu của các NH tăng lên mức đỉnh của hàng chục năm nay” - đại diện NH này phân tích.

Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh thì lý giải có rất nhiều nguyên nhân cho việc tăng điểm này. Thứ nhất là do kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế giúp nhiều doanh nghiệp cần vốn từ NH hơn. Thứ hai là kỳ vọng về sự tăng trưởng của ngành NH nói chung, dự báo lạc quan về triển vọng ngành.

“Đặc biệt các chính sách hỗ trợ kinh tế và khơi thông dòng vốn từ NH đến doanh nghiệp và các thông tin về mua bán, sáp nhập NH giúp lan tỏa yếu tố tích cực sang nhiều NH khác” - ông Khánh nói.

Trong khi đó chuyên gia tài chính Dương Anh Vũ cho rằng: Nhóm cổ phiếu dẫn đầu như VCB, CTG, BID, STB… đều cho tỉ lệ lợi nhuận đáng kể, 10%-50%. Có thể nhận thấy thị trường bất động sản ấm lên là cơ hội tốt để phá băng nợ xấu. Những NH có tỉ lệ trích lập dự phòng lớn như EIB, STB… hiển nhiên sẽ có lợi trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ổn định cũng là yếu tố giúp các NH định hướng được tỉ lệ tăng trưởng tín dụng. Qua đó hứa hẹn bức tranh lợi nhuận lạc quan hơn trong năm 2017.

“Như vậy giới đầu tư có thể tiếp tục đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu NH. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt vì không phải cổ phiếu NH nào cũng mang lại lợi nhuận. Đã có những cổ phiếu bứt phá trong thời gian dài nên động thái chốt lời có thể xảy ra” - ông Vũ khuyến cáo.

Vẫn còn động lực tăng

Một nghiên cứu do Công ty Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố cho thấy hiện tại vẫn còn một số động lực tăng trưởng ở nhóm ngành cổ phiếu NH.

Cụ thể, tính tới ngày 25-5, tăng trưởng tín dụng đạt 6,53% và là mức tăng mạnh nhất trong những năm gần đây. Tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 có thể sẽ cao hơn mục tiêu 18% đặt ra từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng cao hơn đồng nghĩa với việc thu nhập từ lãi vay của các NH sẽ tăng lên. Mặt khác, việc Quốc hội thảo luận về khung pháp lý cho phép mua bán nợ xấu cũng sẽ khiến thị trường tích cực đón nhận.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ tiềm ẩn và nợ bán cho VAMC chưa được xử lý thì chiếm tới hơn 10% trên tổng dư nợ, tức khoảng 600.000 đồng.

Theo Thùy Linh

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên