MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng trỗi dậy, vì sao?

Trong bối cảnh thị trường đang giao dịch ở vùng đang được tạm coi là đỉnh của 8 năm 7 tháng qua, và dòng tiền ra vào thị trường chưa có gì sắc nét thì việc các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng hoặc không giảm giá khiến các nhà đầu tư không thể không háo hức.

Thị trường đang chứng kiến một sự trỗi dậy của các cổ phiếu ngành ngân hàng và đóng góp đáng kể cho chỉ số. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (19/10), SHB tăng trần, BID tăng 700 đồng lên 17.700 đồng, ACB tăng 400 đồng lên 19.600 đồng, CTG tăng 300 đồng lên 17.350 đồng, VCB tăng 250 đồng lên 36.700 đồng, STB tăng 240 đồng lên 9.480 đồng, MBB và EIB đóng cửa tại tham chiếu tại giá 15.000.

Trong bối cảnh thị trường đang giao dịch ở vùng đang được tạm coi là đỉnh của 8 năm 7 tháng qua, và dòng tiền ra vào thị trường chưa có gì sắc nét thì việc các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng hoặc không giảm giá khiến các nhà đầu tư không thể không háo hức. Có thể đó là lý do riêng của từng cổ phiếu, cũng có thể là những tin đồn có lợi cho khối ngân hàng đang được truyền tai trong giới đầu tư.

Những tin đồn không mới

Trên các diễn đàn và room chứng khoán, giới đầu tư truyền tai nhau những tin đồn về giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và việc nới room cho các ngân hàng. Những câu chuyện xưa như trái đất nhưng vẫn có một sức mạnh ghê gớm với thị trường.

Theo cách lý giải của các nhà đầu tư, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được giảm có nghĩa là nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng sẽ tăng lên, thể hiện tiềm năng tín dụng của ngân hàng và có thể, lãi suất sẽ giảm. Và nếu điều đó xảy ra, một dòng tiền lớn có thể quay lại thị trường.

Khoản dự trữ bắt buộc của các NHTM tại ngân hàng Trung Ương thường không được trả lãi hoặc lãi không đáng kể, khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm thì lãi thu được từ hoạt động cho vay tăng lên làm tăng lợi nhuận của các NHTM.

Còn về việc nới room, hiện một số NHTM đang xin cơ quan quản lý cho phép nới tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên trên 30%. Các ông lớn như Vietcombank, VietinBank cũng đang xin phép nới room ngoại lên lần lượt là 35% và 40%.

Trước đó, Chính phủ đã chấp thuận cho việc tăng tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại công ty niêm yết tối đa lên 100% vốn điều lệ. Nhưng đối với lĩnh vực NH do mang tính đặc thù, nên độ mở cho NĐT nước ngoài như thế nào, mức độ và thời điểm ra sao do Chính phủ quyết định.

Và câu chuyện của từng cổ phiếu

Mỗi cổ phiếu cũng đang có các câu chuyện riêng.

Đối với SHB, thời gian qua cổ phiếu đã có nhiều yếu tố hỗ trợ: thoái vốn khỏi SHS, được NHNN chấp thuận về nguyên tắc cho phép sáp nhập với công ty cổ phần tài chính Vinaconex Viettel (VFF), và hôm qua, SHB ra tin chị gái Bầu Hiển đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu dự kiến trong khoảng thời gian từ 25/10 đến 22/11/2016.

Còn VCB, câu chuyện về đối tác chiến lược vẫn chưa nguội, trong khi nhiều chuyên gia phân tích đã đánh giá, Vietcombank có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong những năm sắp tới nhờ việc tăng vốn thông qua phát hành thêm 3.600 tỷ đồng, và thu được khoản thặng dư ước tính 5.850 tỷ đồng, giúp tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, giúp ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Về phía BID, ngân hàng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 3, nhưng theo dự báo của Công ty Chứng khoán Tp.HCM, sau 9 tháng, BIDV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng, giảm 4,24% so với cùng kỳ và hoàn thành 67% kế hoạch cả năm. Riêng quý 3, dự báo BIDV lãi 2.000 tỷ đồng, giảm 17,25% so với cùng kỳ.

Ngày 22/10 tới sẽ diễn ra đại hội cổ đông bất thường 2016, và rất có thể nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có được câu trả lời về những vấn đề mà họ quan tâm như: BID có trả cổ tức bằng tiền mặt như Bộ tài chính yêu cầu?, khoản vay hàng chục nghìn tỷ đồng đối với Hoàng Anh Gia Lai, khoản vay 1.000 tỷ đồng với công ty Khoáng sản Nari Hamico sẽ được xử lý như nào?

Riêng ACB, ngân hàng vừa công bố quyết định về việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, ACB dự kiến phát hành tối đa hơn 89,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 10% (cổ đông nắm giữ 10 cổ phiếu cũ được nhận 1 cổ phiếu phát hành thêm). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2016.

Dẫu rằng nhà đầu tư không thực sự mặn mà với cổ tức bằng cổ phiếu nhưng việc ACB đúng hẹn chia cổ tức 10% như kế hoạch ban đầu khiến nhà đầu tư hy vọng kết quả kinh doanh 2016 cũng sẽ đạt được như dự kiến.

Ánh Duyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên