MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Cổ phiếu nổi bật tuần] CDO - cổ phiếu “vẽ chart” từng có P/E 38 lần

Những nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật hẳn nhìn đồ thị diễn biến giá của CDO “đẹp như vẽ”. Còn với nhà đầu tư theo cơ bản nhìn nhận cũng phải thán phục, quá trình tăng vốn liên tục mà lợi nhuận không tăng, đã đưa hệ số P/E có những thời điểm lên tới 38 lần, trong khi đó, trung bình của thị trường chỉ ở mức 15 lần.

Diễn biến giao dịch của CDO trong thời gian gần đây

Sau một thời gian dài đi ngang quanh vùng 32.000-33.000 đồng/ cổ phiếu , CDO bất ngờ tăng mạnh trong phiên giao dịch cổ phiếu phát hành thêm về tài khoản nhà đầu tư. Và chạm mức cao nhất từ khi niêm yết tại 37.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/11/2016. Nhưng niềm vui ấy chỉ kéo dài ngắn ngủi bởi ngay sau đó, không có nguyên do gì CDO bắt đầu chuỗi phiên giảm sàn mà không hề có thanh khoản.

Cho tới cuối tuần qua, CDO bất ngờ xuất hiện lực cầu vào “giải cứu”, nhưng dường như đây lại là cái bẫy đối với nhà đầu tư thích “đánh bạc”. Tổng khối lượng bắt đáy lên tới hơn 3,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 25,8 tỷ đồng của thị trường đổ vào đây. Khi kết thúc phiên khối lượng dư bán sàn vẫn lên tới 4,3 triệu cổ phiếu.

23 phiên giảm sàn liên tiếp đã lấy đi 80% thị giá của CDO, trước thời điểm giảm mạnh giá của cổ phiếu này vẫn giao dịch ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu, nhưng khi kết thúc tuần vừa qua, cổ phiếu này chỉ còn giá 6.780 đồng. Tuy vậy, đã giảm có lẽ chưa dừng ở đây!

Chủ tịch 9x cùng nhiều cổ đông nội bộ rất chịu lướt sóng

Ông Vũ Đình Nhân là cổ đông sáng lập, đồng thời hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CDO cũng chỉ sinh năm 1990.

Cụ thể, ông Nhân giữ chức vụ Giám đốc của CDO từ năm 2012, tức lúc đó ông mới 22 tuổi. Từ năm 2012-2014, ông chuyển sang giữ chức Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và phát triển đô thị. Từ năm 2014, ông này quay trở lại kiêm nhiệm 2 vị trí cao nhất trong CDO đến nay.

Thời điểm bắt đầu niêm yết, ông Nhân nắm giữ 2,6 triệu cổ phiếu CDO, tương đương 13% vốn điều lệ. Sau khi lên sàn được 6 tháng vị này đã bán ra một nửa số cổ phiếu trên. Hiện tại ông cùng người nhà cũng chỉ nắm giữ gần 2,9 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, các thành viên hội đồng quản trị cũng liên tục đăng ký mua bán. Đáng chú ý, trước thời điểm cổ phiếu CDO lao dốc mạnh, nhiều thành viên trong ban lãnh đạo cũng bán ra cổ phiếu CDO. Đơn cử như ông Nguyễn Đức Tuấn, là bố của Thành viên ban Kiểm sát (ông Nguyễn Tuấn Anh) đã bán thành công 256.000 cổ phiếu CDO, với giá thời điểm bấy giờ ở mức trên 33.000 đồng/cổ phiếu.


Giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ và người liên quan trong thời gian gần đây

Giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ và người liên quan trong thời gian gần đây

Ngoài ra, bà Vũ Thị Mai Anh là thành viên HĐQT cũng đã bán thành công 278.000 cổ phiếu CDO vào đầu tháng 11/2016.

Gần đây nhất, mẹ ông Vũ Đình Nhân và ông Nguyễn Quang Minh (kế toán trưởng) bắt đầu đăng ký mua vào với khối lượng lớn.

Kết quả kinh doanh đột biến nhờ mảng khách sạn

Nhìn lại hoạt động kinh doanh của CDO 3 năm trước khi lên sàn, mặc dù doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng đều nhưng con số về giá trị tuyệt đối vẫn ở mức rất thấp. Cụ thể, doanh thu trong năm 2014 là 80 tỷ đồng, trong đó, 72 tỷ đồng từ bán hàng hóa và 8 tỷ đồng từ dịch vụ. Lợi nhuận sau thuế của CDO năm 2014 cũng chỉ đạt gần 6 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số gần 2 tỷ đồng năm 2013.

Song, có một sự kiện đáng chú ý diễn ra trong năm này là CDO đã ký hợp đồng thuê 30 năm mặt bằng khách sạn Candle, tại số 287-301 Đội Cấn, Hà Nội. Mặt bằng thuê có tổng diện tích là 5.228m2, bao gồm 72 phòng khách sạn, nhà hàng, café. Với giá thuê mặt bằng là 10 tỷ đồng/năm, phí quản lý và dịch vụ 115.308 đồng/m2 từ Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Hai Bà Trưng.

Việc ký kết này đã làm tiền đề để CDO đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2015 với tổng doanh thu là 181 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2014. Trong đó, doanh thu từ bán hàng hóa (phần lớn đến từ kinh doanh vật liệu xây dựng, nguyên vật liệu nến) đạt gần 56 tỷ đồng và còn lại thu từ dịch vụ (tư vấn thiết kế các công trình xây dựng và đặc biệt là mảng kinh doanh nhà hàng, khách sạn) chiếm 125,6 tỷ đồng.

Nhưng một điểm dưới góc độ của cổ đông phải hết sức lưu ý, là giá trị bán hàng cho bên liên quan chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2015, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Đô thị nơi ông Vũ Đình Nghĩa (bố của chủ tịch HĐQT làm chủ) đã mua vào hơn 73 tỷ đồng giá trị bán hàng của CDO.

Cùng với đó, công nợ từ công ty này cũng là lớn nhất, khi con số đầu năm các khoản phải thu từ các bên liên quan chỉ là 1,7 tỷ đồng thì tới cuối năm 2015 con số này đã lên tới 32 tỷ đồng. Trong đó, phải thu từ Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Đô thị lên tới 25 tỷ đồng.

Tới 9 tháng năm 2016, công ty đạt 136,8 tỷ đồng doanh thu và thu lợi nhuận gần 28 tỷ đồng. Như vậy, EPS không điều chỉnh 9 tháng đầu năm là gần 1.400 nghìn đồng/cổ phiếu. Ngay cả khi giảm sàn 23 phiên liên tiếp CDO vẫn có giá 6.780 đồng, P/E của 4 quý gần nhất cũng lên tới gần 7 lần.

Sau thời điểm giá cổ phiếu công ty giảm sàn liên tục, ban lãnh đạo công ty vẫn khẳng định hoạt động kinh doanh và các hoạt động đầu tư của công ty vẫn đang tiến triển rất tốt. Lợi nhuận dự kiến cả năm 2016 của công ty đạt mức 47 tỷ đồng.

Theo Mai Hương

Bizlive

Trở lên trên