[Cổ phiếu nổi bật tuần] MSN - Cổ đông nằm gai nếm mật chờ đợi điều gì?
Sau gần 8 năm MSN có mặt trên sàn, cổ đông của công ty mới nhận được 1 lần cổ tức bằng tiền mặt 30% trong năm 2017. Cùng thời điểm trên, MSN cũng chi cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1. Trong khi đó, công ty thực hiện tới 4 lần ESOP cho nhân viên, với 48 triệu cổ phiếu được phát hành.
- 08-09-2017Masan Group rót thêm 6.500 tỷ đồng vào công ty sở hữu mỏ Núi Pháo
- 31-07-2017Lao đao vì giá lợn giảm nhưng bia mới là mảng kinh doanh gây thất vọng nhất của Masan trong nửa đầu năm
Diễn biến giao dịch của MSN trong thời gian gần đây
Trái với ngược với diễn biến giao dịch “bạc nhược” của 2 năm qua, MSN vừa có tuần giao dịch đột biến nhất khi tăng hơn 11%. Kết thúc phiên cuối tuần đầy ấn tượng, Masan vọt lên giá 53.200 đồng/ cổ phiếu , đây là mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Vùng đỉnh gần nhất được hình thành vào tháng 7/2015, MSN có mức giá 62.300 đồng, đi xuống đều đặn và không có nổi một đợt sóng nào. Thời điểm thấp nhất MSN chỉ còn được giao dịch ở mức 37.000 đồng/cổ phiếu.
Tạo đáy tại vùng 40 - 42, MSN bắt đầu quá trình hồi sinh, giá cổ phiếu đi lên từ từ và không có gì rõ ràng. Lên trong “nghi ngờ”, giao dịch rời rạc, volume nhỏ, lệnh mua bán không dứt khoát là cảm nhận nhà đầu tư thời điểm đó.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi, bứt phá trong 2 phiên cuối tuần MSN hút mọi ánh mắt từ thị trường . Khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 900 nghìn đơn vị/phiên, trong khi trung bình 1 tháng chỉ ở mức 500 nghìn.
Lệnh đặt mua và bán thực chất hơn, với 5 phiên giao dịch có tổng khối lượng khớp lệnh 4,3 triệu cổ phiếu. Trong đó, tổng lượng đặt mua và bán cân bằng nhau ở mức 4,9 triệu.
Mọi thứ đổi màu, tín hiệu từ các chỉ báo kỹ thuật như MACD, Ichimoku chart các được MA đều cho tín hiệu mua vào mạnh.
Dấu hiệu từ những giao dịch lô lớn
Những giao dịch của cổ đông lớn hay cổ đông ngoại là những tín hiệu được nhiều nhà đầu tư rất quan tâm. Và nhiều trường hợp trong quá khứ là dẫn chứng cho điều này.
Hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (MSN) có tới hơn 1,1 tỷ cổ phiếu được lưu hành, với vốn hóa thị trường lên tới 61 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất của MSN là CTCP Masan với gần 33%, tương ứng 377,6 triệu cổ phiếu. Như vậy lượng cổ phiếu được các cá nhân và tổ trước nắm giữ dưới 5% là khá lớn.
Danh sách cổ đông MSN
Điểm nhấn trong thời gian gần đây đến từ việc thoái vốn từ 2 cổ đông ngoại. (1), Orchid Capital Investments Pte. Ltd, đã bán ra toàn bộ số lượng cổ phiếu nắm giữ, tương ứng 65 triệu cổ phiếu. Cổ đông đối ứng mua vào được biết đến là GIC/Government of Singapore. Nhưng số lượng mua vào cũng ở mức gần 38 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 3,3%.
(2) Gần nhất, 2 tổ chức nước ngoài là BI Private Equity New Market II K/S cũng bán ra 60 triệu. Bên mua một phần nhỏ được hấp thụ bởi CTCP Masan, cổ đông nội bộ. Phần còn lại được chuyển cho các nhà đầu tư không được biết đến do tỷ lệ đều nhỏ hơn 5%.
Chỉ thêm câu chuyện để kể
Mỗi khi cổ phiếu lên giá, các nhà đầu tư và các nhà phân tích trên thị trường đều đi tìm kiếm nguyên nhân, và các tin tức đi theo sau cũng chỉ là kể lại và hỗ trợ cho quá trình tăng giá.
MSN đang nổi lên với đồn đoán về chuyện bán một phần vốn MSR. Hay về sau này là chuyện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lên sàn, mà MSN được biết đến là cổ đông lớn nhất.
Được biết, Techcombank đã thông qua phương án phát hành 500 triệu cổ phần tăng vốn điều lệ. Phương án này được triển khai thành hai đợt. Đợt một, Techcombank chào bán 70 triệu cổ phần với giá 30.000 đồng/cp. Thời gian chào bán trong tháng 9 - 10/2017 hoặc sau khi được UBCKNN chấp thuận chào bán. Đợt hai, Techcombank chào bán 430 triệu cổ phần, phương án cụ thể sẽ được HĐQT quyết định sau khi hoàn thành chào bán đợt một.
MSN đã công bố KQKD 6 tháng với doanh thu thuần đạt 18,019 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ và LNST của cổ đông công ty mẹ là 455 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. Với lượng cổ phiếu đang lưu hành, MSN được nhà đầu tư định giá ở mức P/E hơn 27 lần, một mức khá cao kể cả so với các công ty đầu ngành khác. Vậy nhà đầu từ chờ đợi gì? Có lẽ tới đây các câu chuyện sẽ dần được hé lộ!
Với nhiều nhà đầu tư, vấn đề lợi ích cổ đông và lãnh đạo vẫn là điều còn dang dở. Sau gần 8 năm có mặt trên sàn MSN, cổ đông của công ty mới nhận được 1 lần cổ tức bằng tiền mặt 30% trong năm 2017. Cùng thời điểm trên, MSN cũng thực hiện chi cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1. Trong khi đó, công ty thực hiện tới 4 lần ESOP, với 48 triệu cổ phiếu được phát hành.
Mốc thời gian MSN thực hiện ESOP và trả cổ tức.
BizLive