MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Cổ phiếu nổi bật tuần] TCM - Khi gió đã xoay chiều

Theo thông tin từ ĐHĐCĐ năm 2017, TCM công bố doanh thu ước đạt 756 tỷ đồng chỉ tăng nhẹ, nhưng lợi nhuận sau thuế ước đạt 49 tỷ đồng, tăng 120% so với quý I/2016. Điều này có được là nhờ công ty đã thực hiện tái cấu trúc những mảng kinh doanh không hiệu quả trong năm 2016.

Trong bài viết gần nhất về TCM tháng 12/2016, giá cổ phiếu CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công(mã TCM) đang phản ánh kết quả kinh doanh khá tệ hại trong quý II và III/2016. TCM chỉ giao dịch ở mức giá 14.500 đồng/cổ phiếu, có những lúc thấp nhất đã về tới 12.900 đồng.

Thời điểm đó được cho là cơ hội cho những nhà đầu tư giá trị bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận bởi những nhà đầu tư giá trị "nửa vời" đã buộc phải rút lui và chấp nhận việc cắt lỗ ...

Tuy nhiên, phần thưởng cho những nhà đầu tư am hiểu tường tận về doanh nghiệp đã được đền bù. Giá TCM đã tạo đáy và tăng gần 65% trong vòng 3 tháng qua.

Diễn biến giá cổ phiếu TCM trong thời gian gần đây

Khi mọi tin xấu đã ra, giá cổ phiếu đi vào trạng thái quá bán và phục hồi trở lại. Kết thúc năm 2016, TCM vẫn đạt doanh thu thuần hơn 3.071 tỷ đồng, tăng 10%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 114 tỷ đồng, giảm tới 25% so với năm 2015.

Tuy vậy, EPS cả năm vẫn đạt gần 2.100 đồng/cổ phiếu. Nhưng giá cổ phiếu vào thời điểm đầu tháng 2/2017 vẫn ở dưới mức 15.000 đồng, khá thấp cho một cổ phiếu đầu ngành. Dòng tiền “thông minh” nhận ra và đưa giá cổ phiếu kết thúc chu kỳ giá xuống.

Cuối tuần qua, TCM đóng cửa ở mức giá 22.950 đồng/cổ phiếu, tăng gần 4% so với phiên trước đó. Đồng thời với phiên phục hồi mạnh đã tránh cho đường giá có nguy cơ gẫy trend ngắn hạn và giữ được xu hướng lên.

Về mặt kỹ thuật, đường giá vẫn đang nằm trên đường SMA20, với vùng hỗ trợ gần nhất là 21 - 22, và ngưỡng cản trên là vùng đỉnh ngắn hạn 24. Tuy vậy, với nhịp lên hơn 65% trong vòng 3 tháng qua thì nhịp điều chỉnh trong hơn 2 tuần qua vẫn được xem là “nhẹ nhàng”.

Đồng thời, cho thấy lực cầu tham gia khá mạnh và vùng hỗ trợ được giữ vững, phiên phục hồi cuối tuần qua khá quan trọng về mặt kỹ thuật, thể hiện cho bên mua chấp nhận mua giá cao hơn và khả năng điều chỉnh TCM đang kết thúc.

Hiện tại, tổng số lượng cổ phiếu của May Thành Công là gần 49,2 triệu cổ phiếu. Trong đó, cổ đông lớn nhất là công ty “mẹ” E-Land sở hữu gần 44,5%, thông qua 2 công ty con là E-land Asia Holdings Pte., Ltd Singapore (43,3%) và Eland Việt Nam (1,2%).

Cơ cấu cổ đông của TCM

Thông tin gần nhất, ĐHCĐ năm 2017 đã thông qua việc cho TCM tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 49%. Đây được xem là động thái tạo điều kiện cho E - Land tăng sở hữu lên tối thiểu 51% và giữ quyền kiểm soát.

Cổ đông lớn thứ 2 là Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) nắm giữ hơn 5% vốn. Còn lại là các cổ đông nắm giữ dưới 5%.

Triển vọng sáng sủa hơn

Ban lãnh đạo của TCM đề ra mục tiêu doanh thu và LNST 2017 đạt lần lượt 3.200 tỷ đồng và 177,8 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,6% và 55,6% so với năm 2016. Phân tích về mặt con số cho thấy, doanh thu không tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng mạnh, cho thấy biên lợi nhuận phải được cải thiện một cách đánh kể. Vậy dựa trên những yếu tố nào để doanh nghiệp đưa ra kế hoạch trên?

Sơ bộ điều này được thể hiện phần nào trong kết quả kinh doanh quý I. Hoàn thành 27,5% kế hoạch cả năm, ước tính LNST Quý I/2017 đạt 49 tỷ đồng, tăng 122,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu từ dệt may tính riêng tháng 3/2017 đạt khoảng 225 tỷ đồng.

Đánh giá chi tiết từng mảng hoạt động để thấy được triển vọng TCM trong thời gian tới.

- Mảng Sợi: Đóng cửa nhà máy hoạt động không hiệu quả

Sợi vốn là hoạt động kinh doanh truyền thống của TCM. Theo ước tính của các nhà phân tích chứng khoán Rồng Việt, mảng sợi chiếm tỷ trọng 25-30% tổng doanh thu. Đây cũng là mảng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cho TCM khi TPP được thông qua.

Nhưng cũng chính điều này lại kéo kết quả kinh doanh TCM thụt lùi trong năm 2016. Hoạt động kinh doanh thua lỗ ở nhà máy sợi số 1 (sợi polyester), khiến biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2016 âm 5%. Cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2016, biên lợi nhuận gộp phục hồi về mức 3 – 4%.

TCM đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro ở mảng sợi thông qua các hoạt động tái cấu trúc như tiến hành thanh lý đóng cửa nhà máy Sợi 1 (chiếm 2% doanh thu mảng sợi) tại quận 4, Tp.HCM. Nhà máy sợi 2 (quận Tân Phú, Tp. HCM) được TCM cân nhắc chuyển đổi sang sản xuất vải, mảng có biên lợi nhuận cao hơn nhiều.

Đồng thời, TCM chủ động tăng tiệu thụ sợi nội bộ nhằm giảm rủi ro biến động tỷ giá. Tỷ lệ sử dụng nội bộ hiện tại khoảng 30-35% và trong tương lai TCM sẽ nâng tỷ lệ này lên 40% để tăng hiệu quả chung của toàn công ty.

- Mảng may: Nhà máy Vĩnh Long đạt điểm hòa vốn

Mảng may mặc chiếm vị trí quan trọng nhất trong tổng doanh thu và lợi nhuận của TCM. Năm 2016, mảng này chiếm 65% tổng doanh thu và có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong số các mảng kinh doanh chính. Tuy vậy, biên gộp cũng giảm từ mức 22% năm 2015 xuống còn 18-20% năm 2016. Nguyên nhân được cho là do cạnh tranh ngày càng mạnh của các đối thủ và hoạt động kém hiệu quả của nhà máy Vĩnh Long.

Trong đó, dự kiến trong năm 2017, nhà máy may tại Vĩnh Long sẽ đạt điểm hòa vốn với năng suất 30USD/công nhân/ngày.

Mặc dù vẫn chưa đạt được hiệu suất như các nhà máy tại Tp.HCM là $35/công nhân nhưng hiệu suất của nhà máy Vĩnh Long cũng đã được cải thiện rất nhiều và đang giữ mức $30-$32/công nhân. TCM kỳ vọng nhà máy Vĩnh Long sẽ bắt đầu ghi nhận lãi gộp từ quý II/2017.

Đồng thời doanh thu từ thị trường Mỹ đang tăng trưởng tốt sẽ tạo động lực cho TCM trong thời gian tiếp theo.

- Mảng vải: gia tăng công suất

TCM có 2 loại sản phẩm là vải dệt và vải đan kim với công suất thiết kế lần lượt là 10 triệu mét/năm và 7.000 tấn/năm. 90% vải đan kim được sử dụng nội bộ cho khâu may. Phần còn lại, vải dệt được xuất khẩu sang thị trường khó tính là Nhật Bản, nhưng với biên lợi nhuận tốt ở mức 16-18%.

Nên quý IV/2016 công ty đã hoàn thành nâng công suất từ 7 triệu mét lên 10 triệu mét/năm để tiếp tục thâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Dự tính, mảng vải sẽ mang về hơn 14 triệu USD cho doanh thu của TCM năm 2017.

Từ những yếu tố trên các nhà phân tích đánh giá, TCM hoàn toàn có khả năng bứt phá trong năm nay khi mảng có biên lợi nhuận thấp là mảng sợi đã được tái cơ cấu và mảng có biên lợi nhuận cao nhất là mảng may bắt đầu ghi nhận thêm lợi nhuận từ nhà máy Vĩnh Long. Và tương lai của TCM sẽ bước vào chu kỳ tăng tưởng mới.

Theo Mai Hương

Bizlive

Trở lên trên