MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu phòng thủ chuyển trạng thái 'phản công'

Cổ phiếu phòng thủ chuyển trạng thái 'phản công'

Nhiều chuyên gia đánh giá cổ nhà đầu tư sẽ hướng tới nhóm cổ phiếu phòng thủ vì có nền tảng tăng trưởng ổn định và chưa tăng giá quá nhiều trong vòng hai năm qua. Mặc dù là cổ phiếu phòng thủ nhưng thị giá của một số mã trong nhóm đang có sự tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 nhiều biến động.

Trong một talkshow gần đây, khi được hỏi về triển vọng của các ngành trong những tháng cuối năm, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect cho biết 3 nhóm ngành sẽ có sự tăng trưởng vượt trội. Thứ nhất là nhóm cổ phiếu có tính chất phòng thủ (điện nước, phân phối gas, bảo hiểm). Nhóm thứ hai là được hưởng lợi từ việc nền kinh tế bình thường trở lại sau đại dịch (bán lẻ, vận tải). Nhóm thứ ba là dầu khí khi giá dầu đang có sự tăng trưởng tích cực.

Theo bà Hiền, cổ phiếu phòng thủ là cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dù bất kỳ chu kỳ kinh tế lên hay xuống thì vẫn chịu ít biến động nhất. Một số đặc điểm nhận diện các cổ phiếu này đó là sử dụng tỷ lệ đòn bẩy thấp do có dòng tiền dồi dào ổn định, có lịch sử chi trả cổ tức ổn định. Cùng với đó, beta (tương quan giữa biến động giá và chỉ số chung) của các cổ phiếu này thấp hơn so với trung bình toàn thị trường. Đơn cử như nhóm ngành điện và nước.

Cổ phiếu phòng thủ chuyển trạng thái phản công - Ảnh 1.

Điện và nước là hai nhóm ngành được nhắc đến nhiều nhất khi được hỏi về cổ phiếu phòng thủ.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS), cho biết 2 nhóm ngành này cung cấp những sản phẩm thiết yếu cho người dân, có thể tăng trưởng trong nhiều năm tiếp theo. Khi nắm giữ cổ phiếu các doanh nghiệp này, nhà đầu tư sẽ nhận thấy những biến động ngắn hạn của thị trường sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp nhiều biến động kể từ đầu năm. Tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 đến ngày 23/6, VN-Index đã giảm 22% về còn 1.188,8 điểm, HNX-Index giảm 43% còn 277,2 điểm, UPCoM-Index giảm 24% về 87 điểm thì một số cổ phiếu thuộc 2 nhóm ngành này lại đang "lội ngược dòng" với thị giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Có thể nói những cổ phiếu này đang chuyển từ phòng thủ sang trạng thái tấn công.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chứng khoán Dầu Khí (PSI) cho rằng thị trường hiện tại đang hoàn toàn thiếu đi động lực tăng trưởng với phần lớn các nhóm cổ phiếu đã tăng nóng. Xu hướng sắp tới của thị trường cũng như của các nhà đầu tư sẽ hướng tới nhóm cổ phiếu phòng thủ, có nền tảng tăng trưởng ổn định và chưa tăng giá quá nhiều trong vòng hai năm qua.

Những cổ phiếu ngành điện có thị giá tăng từ đầu năm

Một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất của ngành điện trong 6 tháng đầu năm là cổ phiếu VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh ( HoSE: VSH ) cũng đang giao dịch ở vùng đỉnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, cổ phiếu VSH có giá 43.500 đồng/cp, tăng gần 60% so với đầu năm. Tính từ phiên 13/6, cổ phiếu này đã có chuỗi 6 phiên liên tiếp tăng điểm và đạt đỉnh lịch sử 46.800 đồng vào ngày 20/6.

Cổ phiếu phòng thủ chuyển trạng thái phản công - Ảnh 2.

Thị giá cổ phiếu VSH.


Chứng khoán MB cho rằng cơ hội đầu tư trung và dài hạn vào cổ phiếu VSH là hấp dẫn. Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã đưa nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum vào hoạt động từ quý IV/2021, giúp gia tăng mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, thời tiết tiếp tục ủng hộ thủy điện và nhu cầu điện tăng mạnh.

Trên thực tế, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Vĩnh Sơn - Sông Hinh năm 2021 đạt 1.611 tỷ và 451 tỷ đồng, tăng 51% và 286%. Trong quý I/2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế tiếp tục tăng mạnh 324% và 248%, đạt 808 tỷ và 441 tỷ đồng.

Một trong những cổ phiếu nổi bật của ngành điện là REE của REE Corporation ( HoSE: REE ). Kết thúc phiên ngày 23/6, cổ phiếu REE tăng trần lên mức 85.700 đồng/cp, tăng 44,3% và gấp đôi so với cách đây một năm. Trước khi giảm sàn 3 phiên liên tiếp, thị giá REE lập đỉnh lịch sử 99.000 đồng/cp trong phiên ngày 17/6 vừa qua.

Cổ phiếu phòng thủ chuyển trạng thái phản công - Ảnh 3.

Thị giá cổ phiếu REE.


Theo chứng khoán VNDirect, REE Corporation được kỳ vọng sẽ kinh doanh tốt trong giai đoạn 2022 - 2024, dự báo lợi nhuận ròng năm 2022 tăng 18% so với cùng kỳ nhờ mảng năng lượng và M&E phục hồi. Trong năm 2023, bất động sản sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn nhờ sự đóng góp của E.town 6, giúp lợi nhuận ròng của công ty có thể tăng lên. “Chúng tôi tin rằng với tiềm năng tăng giá trên 15%, tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro là hấp dẫn để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu phòng thủ như REE", chứng khoán VNDirect nhấn mạnh.

Còn theo SSI Research, thị giá cổ phiếu này sẽ còn tăng trưởng khả quan từ giờ đến cuối năm. Theo dự thảo của Quy hoạch phát triển điện 8, yêu cầu công suất điện gió là 13.616 MW trong năm 2025, do đó vẫn còn khoảng 7.180 MW sẽ được phát triển. REE Corporation sẽ là ứng viên tiềm năng với điều kiện tài chính vững chắc và được xếp hạng tín nhiệm cao.

Hiện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đang là công ty con của REE Corporation. Như vậy, kết quả kinh doanh của REE Corporation có thể được hưởng lợi nhiều từ tình hình tài chính khả quan của đơn vị thành viên trên.

Ngoài VSH và REE, có 9 mã cổ phiếu khác trong ngành điện đã tăng giá từ đầu năm đến nay.

Cổ phiếu phòng thủ chuyển trạng thái phản công - Ảnh 4.

đơn vị: đồng/cp.


Nhận định về triển vọng của ngành điện trong 6 tháng cuối năm, ông Hoàng Công Tuấn đánh giá kết quả kinh doanh ngành có thể tăng trưởng khả quan. Những lý do được đưa ra là dự báo sản lượng tiêu thụ điện năm nay tăng 8%-8,5%; các nhà máy thủy điện sẽ có lượng nước về nhiều trong quý II, đặc biệt là ở miền Trung còn các doanh nghiệp nhiệt điện vẫn sẽ được huy động hết công suất mặc dù đang trong tình trạng thiếu than.

Còn Chứng khoán VNDirect đánh giá ngành điện Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ do Chính phủ đang cố gắng cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Với mức tăng trưởng của quá trình chuyển đổi năng lượng trong những năm qua, đơn vị tin rằng các công ty tập trung đầu tư năng lượng sạch có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới. VNDirect cho rằng nhóm cổ phiếu ngành điện có triển vọng tăng trưởng gắn chặt với tăng trưởng kinh tế. Ngành này cũng sẽ là một lựa chọn an toàn trong bối cảnh thị trường biến động mạnh gần đây. Từ năm 2022 trở đi, mức tăng trưởng tiêu thụ điện năng có thể tăng cao hơn nhờ dự báo tốc độ phục hồi kinh tế nhanh chóng khi Việt Nam bước ra khỏi giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Những cổ phiếu tăng trưởng của ngành nước

Trong các doanh nghiệp cấp nước, cổ phiếu BWE của Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, HoSE: BWE ) kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6 có giá 51.800 đồng/cp, tăng gần 21% so với đầu năm. Mã này cũng đã đạt đỉnh lịch sử 61.500 vào giữa tháng 4 năm nay.

Cổ phiếu phòng thủ chuyển trạng thái phản công - Ảnh 5.

Thị giá cổ phiếu BWE.


Theo Chứng khoán Techcombank (TCBS), lũy kế 4 tháng đầu năm doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Biwase đạt 1.197 tỷ đồng và 262 tỷ đồng, tương ứng với tăng trưởng 15% và 4% so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị này nhận định tiềm năng của cổ phiếu BWE trong trung - dài hạn vẫn tích cực nhờ vào việc hưởng lợi từ tốc độ đô thị hóa cao ở Bình Dương; khai thác hiệu quả hệ thống nhà máy nước hiện hữu và gia tăng đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành tại các địa bàn khác (Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Định,...).

Ngoài REE và BWE, thị giá cổ phiếu TDM của CTCP Nước Thủ Dầu Một ( HoSE: TDM ) cũng tăng 8,5% so với đầu năm, đạt 38.800 đồng/cp.

Theo chia sẻ của ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) với Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nước tăng trưởng khá tốt. Điều này sẽ thu hút đầu tư và ảnh hưởng tốt đến giá cổ phiếu của ngành nước.

Về dư địa của ngành nước trong thời gian tới, theo số liệu của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tổng công suất nước sạch tại Việt Nam đạt 10,6-10,9 triệu m3/ngày. Quy hoạch ngành nước đến 2030, tiêu thụ nước sẽ đạt 105-110 lít/người/ngày trong 2021 lên 120 lít/người/ngày đến 2030. Tỷ lệ người dân tại khu vực nông thôn được cấp nước sạch qua hệ thống ước tính tăng từ 43,5% hiện tại lên 47% đến 2030. Mặt khác, nhờ nâng cấp hệ thống giảm thất thoát nước để cải thiện mạng lưới đường ống nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước trung bình ước tính giảm từ 19,5% trong năm 2021 còn 18,7% trong năm nay.

Với dư địa như trên, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu Khí (PSI) chia sẻ với Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam rằng khi nguồn cung nước sạch ngày càng khan hiếm và tình trạng ô nhiễm gia tăng nhanh, giá nước bán lẻ và bán buôn của các nhà máy xử lý nước đều có lộ trình tăng. Cùng với lượng tiêu thụ tăng trưởng đều đặn, việc ngành cấp nước dự đoán có mức tăng trưởng 2 chữ số là điều tất yếu.

Còn theo đánh giá của SSI Research, những công ty có nhà máy xử lý nước được kỳ vọng sẽ có doanh thu khởi sắc hơn do nhu cầu xử lý nước tăng cao và suất đầu tư tăng dần theo thời gian.

Theo Việt Hưng

Người Đồng Hành

Trở lên trên